Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Đưa Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 07/12/2011 của Huyện ủy về chuyển dịch cơ cấu

Tăng cường đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng sớm đưa Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 07/12/2011 của Huyện ủy về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi vào cuộc sống

 Ngày 07/12/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015. Đây là cơ sở quan trọng cho việcchuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững mà trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi… làm nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Phát triển cây cao su - Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững

Kể từ khi Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy được ban hành đến nay, mặc dù được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nhưng nhìn chung việc thực hiện Nghị quyết còn nhiều khó khăn, vướng mắc: nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi vừa chậm, vừa lúng túng vừa kém hiệu quả, chưa có sự chuyển biến rõ nét trong việc khai thác, đầu tư và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, công sức và nguồn vốn đã bỏ ra. Nhất là việc phát triển các loại giống cây, con không bảo đảm cơ cấu theo mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ huyện và Nghị quyết 03 của Huyện ủy đề ra, trong đó một số hạn chế mà cấp ủy, UBND các cấp chậm khắc phục, đó là:

 - Việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc hầu hết các hộ dân đều thả rông, không chăn dắt, không có chuồng trại, số lượng ít, nhỏ lẻ, manh mún còn rất phổ biến, dẫn đến gia súc xâm hại mùa màng, cây trồng bị phá hoại. Tình trạng trên thường xuyên xảy ra và kéo dài chưa được giải quyết một cách triệt để; việc phát triển chăn nuôi của các hộ dân tại các địa phương trong huyện chủ yếu vẫn là tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, chưa hình thành được những mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, chưa có chuồng trại, không được chăn dắt và chưa chú trọng trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi; các mô hình: Trồng chuối, trồng keo, trồng sắn cao sản, trồng cây cao su tiểu điền, việc lai tạo đàn bò, heo rừng thuần, mô hình giống heo cỏ của địa phương vẫn còn nhiều lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa hình thành được các mô hình điểm trong trồng trọt và chăn nuôi có quy mô theo mô hình kinh tế hộ, kinh tế vườn, kinh tế trang trại VAC-R, quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi mà Nghị quyết của Huyện ủy đề ra còn dàn trải, đại trà, manh mún, nhỏ lẻ, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, nên hiệu quả tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra chưa cao, chưa thật sự góp phần làm thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

 - Việc quản lý, sử dụng đất sản xuất nông - lâm nghiệp hằng năm của các địa phương, các hộ gia đình chưa tốt, chưa hợp lý và chưa có hiệu quả. Diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp phần lớn đàn gia súc làm hoang hóa còn khá phổ biến, làm cho các hộ dân thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất do gia súc thả rông.

 Những hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

 - Nhận thức về tầm quan trọng của Nghị quyết, cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững của một bộ phận cán bộ, đảng viên và đa số hộ dân còn chưa cao, ý thức và trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại để thực hiện xoá đói giảm nghèo chính đáng của các hộ dân còn nhiều hạn chế, ý thức tự vươn lên làm giàu chưa cao, vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước rất lớn.

 - Tập tục canh tác lạc hậu, phương thức sản xuất truyền thống tự cung tự cấp là chủ yếu, chăn nuôi thả rông, sản xuất nhỏ lẻ còn thấm sâu trong tâm thức của nhân dân cho nên không thể làm chuyển biến ngay cả trong nhận thức và việc làm để thay đổi tập quán, phương thức sản xuất truyền thống và kém hiệu quả trong một thời gian ngắn.

 - Quá trình lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy và chính quyền cũng như tổ chức thực hiện của nhân dân ở hầu hết các địa phương gặp không ít khó khăn và lúng túng. Các ngành chức năng chưa thật sự vào cuộc, nhất là ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện chưa thật sự phối hợp để tổ chức hướng dẫn, tư vấn và làm tham mưu cho BTV Huyện ủy, UBND huyện về phương án, dự án, kế hoạch, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và kinh phí đầu tư để phát triển sản xuất và chăn nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên mà Nghị quyết của Huyện ủy đề ra.

 Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; quyết tâm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy đã đề ra. Trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau đây:

 Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và vận động các tầng lớp nhân dân để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015. Trước mắt, các xã, thị trấn cần tiến hành chọn một thôn có tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông để tổ chức đối thoại với nhân dân và đăng ký cam kết "không chăn nuôi gia súc thả rông", chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước và có hình thức kiểm điểm nghiêm túc nếu cán bộ, đảng viên nào không thực hiện nghiêm túc chủ trương trên của Huyện ủy, phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”  để kiểm điểm.

 Hai là, xúc tiến phát triển nhanh, mạnh các mô hình kinh tế hộ, kinh tế vườn, kinh tế trang trại để hình thành các mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng VAC-R để tạo ra các sản phẩm sản xuất và chăn nuôi; tổ chức trình diễn, hướng dẫn về kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho các hộ dân gắn với việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi với công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.

 - UBND các cấp và ngành Nông nghiệp cần sớm tổ chức khảo sát, xây dựng đề án về phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với từng địa phương trên tinh thần không làm đại trà mà chọn một số hộ, một số thôn để xây dựng mô hình phù hợp nhằm triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Rà soát đánh giá lại diện tích đất sản xuất lúa rẫy, nơi nào không hiệu quả cần chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là các loại cây hoa màu (rau, đậu, bắp...). Tích cực đẩy mạnh phát triển cây cao su đại điền làm bà đỡ cho việc triển khai phát triển dự án cao su tiểu điền tại các hộ dân; phối hợp với Công ty cao su, các xã, thị trấn rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch đầu tư, ưu tiên xây dựng kế hoạch phát triển diện tích trồng cao su tiểu điền hàng năm tại các địa phương theo dự án đã quy hoạch.

 Riêng đối với diện tích trồng mía tại thị trấn Thạnh Mỹ, cần khảo sát, đánh giá cụ thể về quy mô, hiệu quả sản xuất. Nếu không đạt hiệu quả kinh tế thì vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phù hợp mới...

 Ba là, tập trung đẩy mạnh thực hiện thí điểm các mô hình theo đề án như: trồng chuối, trồng keo, lai tạo đàn bò, heo rừng thuần, lai tạo heo cỏ… sao cho đạt hiệu quả và nhân rộng ra toàn huyện. Nhân rộng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khoanh nuôi bảo vệ các loại cây trồng đặc sản bản địa, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Rà soát quỹ đất, đất sản xuất của từng địa phương, tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng xã, tuyệt đối không để đất hoang hóa và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định cho các hộ dân để an tâm phát triển sản xuất giống cây, con lâu dài…

 Bốn là, cần tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm ngặt công tác thú y, chủ động đối phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra. Kiện toàn và củng cố hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư từ huyện đến các xã, thị trấn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về con giống, thức ăn, thú y, vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi để tạo sản phẩm sản xuất có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

 - Hàng năm, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn cần lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để bố trí cho nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đưa nội dung này vào chương trình giám sát của HĐND huyện; HĐND các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương mình. UBND các xã, thị trấn cần thường xuyên liên hệ với các phòng, ban chuyên môn của huyện, nhất là phòng Nông nghiệp huyện, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tổ chức đoàn thể, tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và nông dân hưởng ứng tham gia tích cực chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả để thật sự góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

 Năm là, UBND các cấp và phòng Nông nghiệp huyện cần xác định rõ: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải thật sự góp phần quan trọng trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững ở địa phương. Do vậy, phải có một quy hoạch tổng thể, có sự phối hợp và có lộ trình thích hợp với những mục tiêu cụ thể cho quá trình phát triển đó, tuyệt đối không được nôn nóng, tùy tiện, mạnh ai nấy làm.

 Việc thực hiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi người, mà trực tiếp là những người nông dân. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy đã đề ra. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thanh niên... phải làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng thời trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy phải có nội dung cụ thể, rõ ràng để người dân dễ hiểu, dễ làm.

 Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện sớm đi vào hiện thực trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII; đẩy mạnh phát triển KT-XH đúng hướng với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đề ra là góp phần quan trọng để sớm đưa Nam Giang thoát nghèo bền vững.

Tác giả: Chơ Rum Nhiên

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết