Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng & phát triển công tác dân vận của đảng bộ huyện Nam Giang

Xác định được tầm quan trọng đặc biệt của công tác dân vận, vào ngày 28/6/1949 Đảng bộ huyện Giằng (nay là Nam Giang) được thành lập, đồng thời đã quyết định thành lập các ban chuyên môn giúp việc, trong đó có Ban Dân vận và giao một đồng chí Huyện ủy viên phụ trách; Sự ra đời của Ban Dân vận đánh dấu bước phát triển về tổ chức và chính thức là một cơ quan chuyên trách làm công tác tham mưu và thực hiện nhiệm vụ công tác vận động quần chúng nhân dân cho Đảng. Bảy mươi năm qua (1949 - 2019), công tác dân vận gắn liền với quá trình thành lập, phát triển của Đảng bộ huyện  và đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết, huy động các tầng lớp nhân dân tạo nên một sức mạnh tổng hợp, hăng hái tăng gia sản xuất phục vụ nuôi quân đánh thắng giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những năm đầu Đảng bộ mới được thành lập, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của huyện hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, liên tục phải đối phó với những cuộc càn quét, đánh phá của địch, phương tiện hoạt động giản đơn, điều kiện vật chất thiếu thốn... Song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, cán bộ làm công tác dân vận trong huyện đã đồng cam cộng khổ, cùng với tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và đạt hiệu quả như: Mít tinh, tuyên truyền xung phong, giải thích tình hình cuộc kháng chiến trường kỳ; tham gia công tác tản cư, di cư, phát triển sản xuất; vận động nông dân tích cực gia nhập các đoàn thể... Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với vùng giải phóng; tuyên truyền chính sách đoàn kết; phân công cán bộ bám cơ sở thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất; đấu tranh với những tư tưởng hữu khuynh, luận điệu lừa phỉnh, sai trái của kẻ địch; có biện pháp cứng rắn đối với một số tên đầu sỏ phản động.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, hệ thống dân vận của huyện đã chỉ đạo phát động nhiều phong trào thi đua hành động cách mạng sôi nổi, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có các phong trào điển hình như: Đoàn thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng”; Hội phụ nữ với phong trào “Đón thương binh về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng”, phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ba đảm đang”...; Hội Nông dân với phong trào “Tổ hợp tác sản xuất”; Mặt trận Tổ quốc với phong trào đấu tranh “Ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam”… Các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các đoàn thể tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp trong quần chúng nhân dân. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng lớn theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...”.

Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng trong tình hình mới. Nhiều chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư các khóa về công tác dân vận được ban hành. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Huyện ủy đã cụ thể hóa nội dung thực hiện, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động nhân dân; tích cực phối hợp với đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đề ra kế hoạch dân vận hợp lý hoặc lồng ghép công tác dân vận với các hoạt động do cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức, tạo thành chuỗi hoạt động hiệu quả, bảo đảm các yêu cầu về ổn định chính trị và an sinh xã hội. Tham mưu cho Huyện ủy triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác tôn giáo, dân tộc; về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... tạo sự chuyển biến trong công tác dân vận của Đảng, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 Ban Dân vận Huyện ủy không ngừng nâng cao chất lượng công tác, chủ động tham mưu cho Huyện ủy và hướng dẫn các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác dân vận. Đã tham mưu cho Huyện ủy sơ, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, công tác phụ nữ, xây dựng giai cấp công nhân như: Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ, Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân, Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI). Công tác dân tộc, công tác tôn giáo trên địa bàn được quan tâm. Chỉ đạo các cấp ủy xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tập trung tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc của nhân dân; tham mưu chỉ đạo và phối hợp làm tốt công tác tôn giáo, dân tộc. Tập trung lãnh đạo công tác tập hợp, vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều phong trào thi đua đã được triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay có 56 mô hình "Dân vận khéo" được duy trì thực hiện; công tác tổng kết và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” được gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Tham mưu giúp Huyện ủy hướng dẫn để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Huyện ủy phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Công tác cán bộ được quan tâm, thông qua đào tạo, bồi dưỡng do Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức và hướng dẫn trực tiếp của Ban Dân vận Huyện ủy, từ đó công tác dân vận ở cơ sở từng bước được chuyển biến; Chú trọng công tác dân vận của chính quyền, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức của Ban được nâng cao cả về số lượng, chất lượng có khả năng tham mưu, phối hợp với các ngành, các lĩnh vực và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.

Ghi nhận những đóng góp của tập thể Ban Dân vận Huyện ủy và cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở trong xây dựng hệ thống chính trị đã được  Đảng, Nhà nước tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và Cờ thi đua cho hệ thống công tác dân vận. Đã có 52 cá nhân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác dân vận”.

Nhìn lại lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện, hơn lúc nào hết, những người làm công tác dân vận hôm nay cần tiếp tục phát huy truyền thống, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, trau dồi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác, thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh; chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”. Trong thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy và hệ thống dân vận toàn huyện cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1- Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về công tác dân vận, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

2- Đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện Kết luận 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp. Thực hiện hiệu quả việc đối thoại, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo; tập trung giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

3- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong nhân dân.

4- Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị; và Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 09/8/2012 của Huyện ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo;  hướng về cơ sở, thực hiện vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Thực hiện tốt chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện và các cơ quan liên quan; việc giám sát, phản biện xã hội và tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 59-QĐ/HU, ngày 27/10/2010 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Nam Giang về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Nam Giang.

5- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có uy tín, năng lực chuyên môn ở lĩnh vực mình phụ trách với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác được giao, bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, quan tâm phát hiện những vấn đề mà quần chúng đang bức xúc. Phong cách làm việc của cán bộ dân vận phải học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Đất nước hội nhập và phát triển đã và đang đặt ra những vấn đề mới cần phải giải quyết cả trước mắt và lâu dài, cả thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn. Vì vậy, công tác dân vận ngày càng đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đó là trọng trách mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng trao cho những người làm công tác dân vận. Do đó, yêu cầu đội ngũ làm công tác dân vận phải tiếp tục học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, kỹ năng công tác, không ngừng đổi mới và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc, góp phần xây dựng quê hương, Đất nước ngày càng phát triển./. 

Tác giả: La Lim Hậu

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết