Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nam Giang chú trọng công tác cán bộ người dân tộc thiểu số

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động, là nguyên nhân thành, bại của cách mạng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 coi việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong ba nhiệm vụ đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Là một huyện có hơn 80% dân số là đồng bào các dân tộc: Cơ Tu, Ve, Tà Riềng và một số dân tộc khác: Tày, Nùng... từ các địa phương phía Bắc di dân vào sau năm 1975 sinh sống ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, trong những năm qua, nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15/12/2014 về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 thay cho Nghị quyết số 13-NQ/TU ban hành vào năm 2004, Huyện ủy và các cấp ủy đảng cơ sở quan tâm chú trọng, xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đủ về số lượng và nâng dần về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đa số cán bộ là người DTTS giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đã góp phần tích cực cho sự phát triển của huyện nhà.

Đến nay, cán bộ DTTS tham gia cấp ủy cấp xã, nhiệm kỳ 2015-2020 là 178 đồng chí, chiếm 95,7%; cán bộ, công chức xã, thị trấn: 240 đồng chí, chiếm 94,5%; những người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 224 đồng chí, chiếm 97,4%. Cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan của hệ thống chính trị cấp huyện là 71 đồng chí, chiếm 35,5%.

Từ khi có các nghị quyết, kết luận của Trung ương khóa IX, X, XI về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cấp ủy đảng đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. HĐND huyện, xã đã chủ động, nâng cao hiệu quả giám sát, tiếp xúc cử tri, chuẩn bị nội dung tổ chức tốt các kỳ họp theo luật định đã góp phần thực hiện tốt hơn chức năng, quyền hạn, quyết định các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Hiệu lực quản lý, điều hành của UBND các cấp tiếp tục được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã từng bước phát huy vai trò của mình trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các khâu của công tác cán bộ ngày càng được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ hơn, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, đối với cấp ủy cấp xã có 230/237 đồng chí là người DTTS, chiếm trên 97%; cấp ủy huyện có 37/54 đồng chí, chiếm 68,5%, tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020 là 2,4%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 64 đồng chí cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS được đào tạo chuyên môn đại học, 07 đồng chí đào tạo sau đại học; có 12 đồng chí đào tạo Cao cấp LLCT. Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng có những chuyển biến tích cực, đáng chú ý là sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung bố trí, sắp xếp những đồng chí có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chính quy, trẻ, nữ vào các vị trí chủ chốt ở các ban, ngành cấp huyện. 

Đến nay, nhìn chung chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ LLCT theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/8/2016 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05-NQ/HU, ngày 12/9/2016 của Huyện ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã là người DTTS có 240 đ/c, chiếm 94,48%, có trình độ chuyên môn đại học chiếm 57%, trung cấp LLCT chiếm 97,6%, cao cấp chiếm 2,4%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác cán bộ người DTTS ở huyện Nam Giang vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức DTTS ở cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, ý thức trách nhiệm gắn với nhiệm vụ được giao chưa cao, năng lực và hiệu quả làm việc còn thấp, nhất là năng lực cụ thể hóa và năng lực tự giải quyết các vấn đề nảy sinh ở cơ sở còn hạn chế.

 Trong thời gian đến, để thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ người DTTS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, chuẩn bị một bước nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ đến 2020-2025, theo chúng tôi  cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

 Một là, tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu của Nghị quyết 16 -NQ/TU, ngày 15/12/2014 và Kết luận 136-KL/TU, ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, gắn với thực hiện Nghị quyết 04 -NQ/TU ngày 12/8/2016 của Tỉnh uỷ và Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 12/9/2016 của Huyện ủy về công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng phải gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Hai là, quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ các cấp, các cơ quan đơn vị, nhất là đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, có kiến thức, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; ưu tiên tuyển dụng những sinh viên là người DTTS tốt nghiệp đại học chính quy vào các cơ quan, đơn vị cấp huyện, công chức chuyên môn cấp xã. Phấn đấu đến năm 2020 cán bộ DTTS ở cả cấp huyện và cấp xã cơ bản đạt đủ 3 chuẩn theo Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 12/8/2016 của Tỉnh ủy. Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự kết nghĩa, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh đối với các xã, thị trấn theo nội dung, chương trình kết nghĩa, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về mọi mặt.

Bốn là, làm tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức hằng năm  trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt quy chế đánh giá cán bộ, công chức; đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; đánh giá đa chiều, liên tục, bằng sản phẩm cụ thể theo đúng các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, chú trọng yếu tố lấy hiệu quả thực tế công việc làm thước đo phẩm chất, năng lực người cán bộ.

Năm là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra điểm nóng, những vụ việc nổi cộm; góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Những đổi thay và khởi sắc trong suốt 70 năm qua chính là nhờ những đóng góp của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có ý to lớn trong xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đối ngoại của huyện Nam Giang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tác giả: Doãn Xì

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết