Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEAQP) tác động tích cực đến giáo dục tiểu học

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản đã triển khai tại 36 tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn trong cả nước, chương trình khởi động từ tháng 3 năm 2010, kết thúc tháng 12 vừa qua. Mục tiêu của SEQAP là thử nghiệm việc chuyển các trường Tiểu học sang mô hình dạy học cả ngày; tăng điều kiện và thời lượng học tập nhằm đạt chất lượng giáo dục Tiểu học theo yêu cầu; nguồn tài chính triển khai các hoạt động này chủ yếu là vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Anh, Chính phủ Vương quốc Bỉ và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.



Chương trình SEQAP luôn được bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để đổi mới phương pháp giảng dạy



Nam Giang là một trong 8 huyện của tỉnh Quảng Nam được chọn. Các trường Tiểu học: Thạnh Mỹ, Zơ Nông, Cà Dy, Tà Bhing, Chà Val, La Dê đủ các tiêu chí để tham gia chương trình với 1.887 học sinh của 88 lớp; chiếm trên 80% số học sinh tiểu học toàn huyện và gần 50% số lớp tiểu học của toàn huyện.

 Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Nam Giang đã thành lập Ban quản lý để điều hành chương trình, xây dựng kế hoạch thực hiện 5 năm và từng năm một cách cụ thể. Qua 6 năm (2010-2016), SEQAP đã đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng thêm 09 phòng học, 05 công trình vệ sinh, 01 nhà đa năng; mua sắm trang thiết bị và trang bị 01 trung tâm nguồn tại 05 điểm trường. Trong đó, tỉnh và huyện đã bố trí vốn đối ứng hơn 500 triệu đồng; đảm bảo tỷ lệ 1 phòng /1 lớp học để các trường tổ chức dạy học cả ngày. Mỗi năm học, SEQAP phân bổ kinh phí để thực hiện 2 loại quỹ phục vụ hoạt động của các trường học, gồm quỹ phúc lợi học sinh và quỹ giáo dục nhà trường trên 4,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cả 6 trường có 1,2 tỷ đồng; ngoài hoạt động mua sắm thêm dụng cụ phục vụ sinh hoạt, học tập cho học sinh, nguồn quỹ phúc lợi học sinh đã hỗ trợ cho 3.657 lượt học sinh thuộc diện con hộ nghèo, người DTTS được ăn trưa hàng ngày, có điều kiện tham gia học tập buổi học thứ hai tại trường, nhờ vậy chất lượng học tập của số đối tượng này được nâng lên rõ rệt. SEQAP cũng quan tâm đến số lượng và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên; hầu hết các trường đều đáp ứng tỷ lệ 1,3 giáo viên/ lớp, riêng trường Tiểu học Thạnh Mỹ đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp. Ban quản lý SEQAP huyện đã tổ chức 26 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 66 lượt CBQL, 553 lượt giáo viên và 16 nhân viên hỗ trợ giáo viên của huyện; đa số CBQL, giáo viên, nhân viên các trường tham gia đã nâng cao năng lực sư phạm, biết vận dụng linh hoạt các kiến thức đã qua bồi dưỡng tập huấn vào thực tiễn nhiệm vụ giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng học sinh (chủ yếu chất lượng môn Toán, Tiếng Việt và các hoạt động ngoài giờ lên lớp), trong số đó, có 84 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp trường trở lên và 02 giáo viên, được công nhân danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh.

Vận dụng linh hoạt các nội dung của chương trình, các trường Tiểu học tham gia SEQAP ở Nam Giang đã thực hiện thành công việc chuyển đổi sang dạy học cả ngày; chất lượng học tập của học sinh nâng dần từng năm, các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đặc biệt, 6 trường tham gia đều được công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm chương trình SEQAP của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã trao tặng Bằng khen cho Phòng GD&ĐT Nam Giang đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện chương trình SEQAP./.

Tác giả: Văn Bình

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết