Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Điểm sự kiện nổi bật năm 2015 huyện Nam Giang

1. Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Nam Giang

Ngày 24/4/2015, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Nam Giang.

Năm mươi năm đã đi qua, những thành tựu mà Đảng bộ,  nhân dân huyện nhà giành được vô cùng to lớn, Nam Giang đã thay da đổi thịt, cuộc sống con người cùng cảnh sắc quê hương ngày thêm tươi mới. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà tiếp tục “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; quyết tâm xây dựng Nam Giang ngày càng phát triển”,

Chiến thắng ngày 24/4/1965 như một mốc son lịch sử đánh dấu một tinh thần cách mạng, kiên trung, bất khuất của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. 

2. Tổ chức thành công Đại hội các Chi bộ; Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức trong 3 ngày, từ chiều ngày 07/7/2015 đến ngày 9/7/2015, Đại hội có 270/270 đại biểu chính thức được triệu tập, đại diện cho 2175 đảng viên đang sinh hoạt tại 51 chi, đảng bộ cơ sở.

Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Nam Giang. Đại hội đã đánh giá lại những thành tựu, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ mới 2015 - 2020; thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và báo cáo chính trị trình Đại hôi Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 43 đồng chí; bầu Ban Thường vụ huyện ủy gồm 13 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra huyện ủy gồm 7 đồng chí ; bầu Đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ huyện tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI.

Trước đó từ tháng 4/2015 đến tháng 5/2015, các Chi, Đảng bộ các cấp đã tổ chức thành công Đại hội và trở thành đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng rộng lớn trong nhân dân. Các đại hội được tiến hành dân chủ, đúng nguyên tắc tạo được không khí phấn khởi, đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Đại hội.

3. Công bố quy hoạch Trung tâm hành chính huyện.

Ngày 8/4/2015, UBND huyện Nam Giang đã Công bố Quyết định Phê duyệt của UBND tỉnh về Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu trung tâm hành chính huyện Nam Giang .

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng; Trung tâm hành chính - chính trị huyện Nam Giang bao gồm khu hành chính, khu văn hóa, thể dục thể thao được xác định, cụ thể: Phía Đông và  Nam: Giáp núi cao; Phía Tây: Giáp đồi trồng keo; Phía Bắc: Giáp khe Điêng. Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch là 85 ha.

Trung tâm hành chính - chính trị huyện sẽ là khu chức năng làm động lực phát triển chung cho đô thị Thạnh Mỹ.

 4. Nam Giang tổ chức Liên hoan âm vang cồng chiêng lần thứ 3

Tối ngày 25.6, UBND huyện Nam Giang tổ chức liên hoan âm vang cồng chiêng lần thứ 3. Tham gia liên hoan lần này có12 xã, thị trấn với  600 diễn viên và các nghệ nhân tham gia. Liên hoan diễn ra trong hai ngày (25 và 26/6) với các nội dung như: Thi biểu diễn cồng chiêng; Nghệ thuật điêu khắc truyền thống; Dệt thổ cẩm; trình diễn trang phục truyền thống và ngày hội bán sản phẩm nông nghiệp. Ngay sau lễ khai mạc, các đoàn đã tham gia biểu diễn nghệ thuật múa cồng chiêng, đinh tút, tái hiện lại các lễ hội dân tộc như: Lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu …vv.

Bên cạnh đó các trang phục truyền thống cũng được các đội trình diễn khá ấn tượng và hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện đến xem.

5. Lễ khai thác 45 ha mủ cao su đầu tiên trên địa bàn huyện Nam Giang.

Sáng ngày 1/7/2015, công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang đã long trọng tổ chức lễ khai thác 45 ha cao su tại Thôn Đồng Râm. Dự án trồng cây Cao su trên địa bàn huyện Nam Giang đã được triển khai từ năm 2008 với tổng diện tích gần 1.335 ha, sau hơn 7 năm triển khai và thực hiện, đến nay những cánh rừng cao su đầu tiên đã được khai thác mủ. Sau buổi lễ, 45 ha cao su được đưa vào khai thác, những cây cao su đã cho giọt mủ trắng - vàng đầu tiên trong sự chứng kiến và vui mừng của lãnh đạo tỉnh, huyện và công nhân công ty cao su Nam Giang. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp nên việc chăm sóc, phát triển diện tích và khai thác mủ đang có chiều hướng giảm, ảnh hưởng đến đời sống của người trồng cao su tại các địa phương trong huyện.

6. Nam Giang tổ chức ngày hội ẩm thực và giới thiệu sản phẩm truyền thống.

Sáng ngày 20/3; UBND huyện Nam Giang phối hợp với dự án phát triển cộng đồng FIDR tổ chức ngày hội ẩm thực và sản phẩm huyện Nam Giang thu hút 12 xã, thị trấn tham gia.

Đến với hội thi lần này, các đơn vị đã trưng bày nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao, sản phẩm mà các đơn vị giới thiệu đều do chính bàn tay họ làm ra từ những chiếc gùi lên nương, lên rẫy đến những chiếc nỏ săn bắn và sản phẩm dệt từ thổ cẩm, trang sức của người Cơ Tu v.v...

Ngoài những sản phẩm trưng bày, các đơn vị còn mang đến ngày hội những món ăn truyền thống mang đậm hương vị của núi rừng như: Cơm lam, bánh sừng trâu, rượu cần, rượu tà vạc, láp, za rá, ếch nướng ống tre, cá suối đùm lá chuối nướng…vv. Đã tạo nên một không gian ẩm thực, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức.

7. Xã Tà Bhing tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân.

Sáng ngày 3.12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân  xã TàBhing đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân. Buổi lễ đã ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân xã nhà. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ xã TàBhing đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng dân quân du kích vừa sản xuất, vừa xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, tham gia hơn 50 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 255 tên địch, bắn bị thương 25 tên, bắt sống 20 tên, bắn rơi 5 máy bay, thu trên 50 súng các loại, phá hủy 2 xe quân sự và nhiều quân trang khác của địch. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã TàBhing đã không ngừng thi đua học tập và lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác giảm nghèo hàng năm được xã thực hiện có hiệu quả với tỷ lệ giảm hàng năm từ 4 đến 5%.

8. Công nhận nói lý - hát lý múa tung tung za zá và dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu là di sản quốc gia.

Năm 2015; Bộ VH-TT&DL đã công bố 17 di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc 5 loại hình: lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian và nghề thủ công truyền thống. Trong đó, các thể loại nói lý - hát lý của người Cơ Tu ở huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang .

Dịp này, Bộ VH-TT&DL cũng đã công nhận nghệ thuật múa tung tung za zá và dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu là di sản văn hóa phi vật thể.

9. Tất cả các xã đều có trạm truyền thanh cơ sở.

Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng trạm truyền thanh cơ sở. Đây là một kênh thông tin quan trọng để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, địa phương và thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đến với đông đảo người dân, đồng thời góp phần trang bị thêm kiến thức, nâng cao dân trí, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hệ thống truyền thanh cơ sở có 2 chức năng chính: Là phương tiện để cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương, cơ sở. Tiếp sóng các chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh và Đài Truyền thanh -Truyền hình cấp huyện, chuyển tải thông tin đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, hiện tại chất lượng hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

10. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành và được UBND huyện phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 11/11 xã đã xây dựng quy chế quản lý quy hoạch; 70% xã đã tổ chức công bố Đồ án Quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới và tích cực triển khai thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới, giải tỏa mặt bằng, xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình cơ sở hạ tầng và những hoạt động khác xây dựng nông thôn mới. Trong đó 2 xã điểm về xây dựng NTM là  La Dêê và xã Tà Bhing đạt được từ 10 đến 13/19 tiêu chí, có 5 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tác giả: Văn Thủy - Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết