Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Truyền lửa khởi nghiệp cho thanh niên

Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình kinh tế hộ gia đình, huyện Nam Giang đang khuyến khích mở rộng đầu tư và tạo điều kiện giúp thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp, mở hướng làm giàu trên quê hương miền núi.


Nhiều thanh niên ở Nam Giang chọn mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương để khởi nghiệp. Ảnh: Đ.N

Đồng hành

Anh Alăng Trượp - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ giúp thanh niên địa phương có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế, nhiều năm qua, Huyện đoàn Nam Giang luôn đồng hành với các chương trình khởi nghiệp, khuyến khích làm giàu bằng sức trẻ và tinh thần cộng đồng. “Mới đây nhất, nhằm bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên miền núi, chúng tôi phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp năm 2019. Bên cạnh đó, chương trình còn hướng đến việc làm cầu nối để tiếp lửa cho hành trình làm giàu trong thanh niên địa phương” - anh Trượp cho biết.

Nhiều năm trước, khi Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ mới bắt đầu hình thành, cùng với nhiều đơn vị khác, Huyện đoàn Nam Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch và kêu gọi thanh niên mạnh dạn đăng ký lập nghiệp. Sau thời gian triển khai, một ngôi làng mới của thanh niên miền núi đã dần hoàn thiện, đủ đầy các công trình phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nhiều hộ nay cũng đã đầu tư trồng chuối, trồng gừng trong bao, nuôi gà vịt và trồng rừng, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bằng sản vật vốn có của vùng. Như vợ chồng anh Arất Bước, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đã nhận heo, gà, cây ăn quả về tăng gia sản xuất, tạo sinh kế bền vững giúp ổn định cuộc sống lâu dài. Sinh sống ở làng mới chỉ hơn năm tròn nhưng anh Bước đã kịp có trong tay đàn bò 5 con, tiếp tục mở rộng phát triển đàn gà và nuôi heo cỏ bản địa, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế gia đình.

Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - anh Bùi Thế Anh chia sẻ, ngoài trực tiếp làm cầu nối trong công tác giảm nghèo với thanh niên, đơn vị còn thường xuyên kêu gọi, vận động sự chung tay, góp sức từ các mạnh thường quân nhằm kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Từ việc làm ý nghĩa này, nhiều hộ thanh niên DTTS đã dần có bước tiến trong nhận thức, nỗ lực vươn lên trở thành gương điển hình tại địa phương. Vì thế, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp không chỉ là cơ hội để hình thành các mô hình kinh tế hộ gia đình, mà còn tạo động lực khuyến khích làm giàu trong đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Giúp nhau làm giàu

Tâm lý lo ngại trong việc đầu tư phát triển kinh tế đã khiến không ít thanh niên đồng bào DTTS ở Nam Giang cứ “dậm chân tại chỗ”. Như một rào cản vô hình, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa biết cách phát triển đúng hướng, cũng như thiếu nguồn vốn đầu tư kinh tế nên nghèo vẫn… hoàn nghèo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của địa phương được hình thành, đã có không ít thanh niên đăng ký vốn vay, thử sức với mô hình kinh tế mới; trong đó nổi bật là mô hình nuôi heo cỏ bản địa kết hợp với nuôi gà, vịt và trồng rừng.

Anh Zơrâm Đà, một hộ dân ở thôn Aliêng (xã Ta Bhing) chia sẻ, trước đây, gia đình anh thường xuyên nuôi heo bản địa nhưng chủ yếu để lấy thịt trong các dịp lễ tết. Vài năm trở lại đây, khi nhu cầu tìm mua của các thương lái và người dân địa phương tăng cao, anh tiếp tục nâng cấp và mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng chuồng trại, đảm bảo chất lượng. Vào dịp tết năm ngoái, từ việc bán heo, anh Đà cũng thu về hơn 30 triệu đồng, góp thêm vào vốn để quay vòng, tiếp tục mở rộng mô hình. “Khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn để đầu tư và kỹ thuật chăn nuôi chuồng trại. Hy vọng, tới đây sẽ có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho đồng bào miền núi khởi nghiệp, phát triển kinh tế” - anh Đà nói. Thành công bước đầu của mình, anh Đà chia sẻ với nhiều hộ thanh niên khác trong làng. Nhờ đó, ở thôn Aliêng hiện có thêm vài thanh niên khác cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng và cây dược liệu. Tiêu biểu như hộ Bríu Chéo, từ chăn nuôi, thu về mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Sức lan tỏa từ phong trào khởi nghiệp đã tạo ra bước đệm giúp cộng đồng vùng cao hình thành nên các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài chăn nuôi, ở nhiều địa phương nay đồng bào cũng đã chuyển hướng sang ươm trồng cây giống, buôn bán tạp hóa… đem lại kết quả khá khả quan. Bước đầu thành công, họ lại tiếp tục làm cầu nối khuyến khích cộng đồng, với mong muốn cùng nhau chia lửa làm giàu.



Tác giả: A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết