Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Địa chỉ đỏ trên dãy Trường Sơn

Đại ngàn Trường Sơn, nơi định cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng tây xứ Quảng nay vẫn được nhắc đến như những vùng đất anh hùng, lưu dấu nhiều huyền thoại không thể phai mờ.

“Ngọn lửa Trà Nô”

Tròn 65 năm, kể từ ngày dân làng Ông Tía (xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức) vùng lên đấu tranh giành độc lập, dòng Trà Nô vẫn êm màu xanh biếc. Quá khứ trở thành câu chuyện tự hào về những “tay rựa” của dân làng Ông Tía nguyện cùng lời thề đấu tranh vũ trang để bám đất, giữ làng. Bên bờ dòng Trà Nô, nơi đối diện với tấm bia khắc tên 11 “tay rựa” làng Ông Tía là ngôi mộ của người chỉ huy trong trận đánh đầu tiên của núi rừng vào những năm đầu 1960. Đó là ngôi mộ của ông Hồ Văn Đề, một người con ưu tú của núi rừng đã chỉ huy trận chiến đấu oanh liệt của dân làng Ông Tía.

Thôn Sơn giờ đây như được hồi sinh cùng cánh đồng lúa nước xanh tươi.
Thôn Sơn giờ đây như được hồi sinh cùng cánh đồng lúa nước xanh tươi.

Già Hồ Văn Xem (còn có tên gọi khác là Đinh Văn Hèo), nhân chứng duy nhất còn lại trong đội tự vệ của làng Ông Tía nay cũng đã ở tuổi “xế chiều”. Dù vậy, những câu chuyện về một thời cùng dân làng vùng lên đánh giặc vẫn rành mạch qua từng lời kể của già Xem. “Hồi đó, dân làng chỉ có 30 hộ, khoảng hơn 120 người sinh sống. Không muốn mất làng, dưới sự chỉ huy của anh Đề, chúng tôi tập hợp lực lượng gồm 11 người, bí mật tham gia cách mạng và khởi nghĩa giành thắng lợi. Đó là vào ngày 13.3.1960” - già Xem kể lại. Ông Hồ Văn Chiêng - Chủ tịch UBND xã Phước Trà chia sẻ, dù không lớn về quy mô nhưng cuộc khởi nghĩa của dân làng Ông Tía đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao, có sức lan tỏa lớn và luôn là niềm tự hào của đồng bào địa phương. Năm 2005, UBND tỉnh công nhận làng Ông Tía là di tích lịch sử cấp tỉnh, ghi dấu chiến công của những “tay rựa” bản địa trong quá trình đấu tranh bám đất, giữ làng. Trước đó, di tích làng Ông Tía cũng đã được đầu tư tôn tạo, sưu tầm và phục chế những hiện vật được sử dụng trong cuộc khởi nghĩa bên dòng Trà Nô.

Cụ Alăng Thị Đếh (trái), một trong số nhân chứng trực tiếp đào hầm A Nông kể lại câu chuyện với phóng viên. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cụ Alăng Thị Đếh (trái), một trong số nhân chứng trực tiếp đào hầm A Nông kể lại câu chuyện với phóng viên. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ánh nắng trải vàng trên con đường bê tông về làng Ông Tía, đón bước chân của du khách ghé thăm. Hai bên đường, những cánh đồng ruộng lúa nước xanh tươi, góp thêm diện mạo mới cho dân làng Ông Tía hôm nay.

Trở về từ... lòng đất

Cụ Alăng Thị Đếh, ở thôn Arớt (xã A Nông, huyện Tây Giang) nay đã ngoài 70 tuổi. Ở tuổi của cụ, dù cái tai không còn nghe rõ, nhưng khi nhắc đến câu chuyện đào hầm trú ẩn, đấu tranh giữ làng, mắt cụ bỗng sáng vẻ tự hào. Là một trong số nữ dân công còn sống trong cuộc hành trình trở về từ lòng đất, cụ Đếh nhớ rất rõ về những năm tháng sống cùng địa đạo. “Hồi đó, vì tránh bị địch phát hiện nên mọi người chỉ đào hầm vào ban đêm. Không có cuốc, dân làng xới đất bằng cây rừng, đan sọt tre khiêng đất ra ngoài, gian khổ lắm. Sau có cuốc xẻng của bộ đội nên đào nhanh hơn” - cụ Đếh kể lại. Cứ thế, sau nhiều tháng miệt mài, địa đạo A Nông được hoàn thành, giúp hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương trú ẩn, cùng làm cách mạng. Câu chuyện về địa đạo A Nông qua lời kể của các ông Bh’ling Bhaih, Alăng Xê, Alăng Alơơl (ở thôn Arớt); bà Arâl Thị Mlắc, Căn Crưng (thôn Asoò); Arâl Vih, Avô Prí (thôn Atép, xã A Nông),... như vẫn còn khá mới mẻ, nóng hổi trong từng nhịp thở của núi rừng. Những mảnh ký ức hào hùng vẫn đang được viết tiếp và lưu truyền cho bao thế hệ con cháu mai sau.

Ông Alăng Đàn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang cho hay, chiến tranh ác liệt những chiếc hầm trú ẩn lần lượt được hình thành từ những năm 1964, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo huyện thời đó. Căn hầm đầu tiên được đào ngay lòng núi Bh’nơm, chỉ cách làng Arớt chừng vài trăm mét. Về sau, những căn hầm không chỉ để đồng bào trú ẩn, mà còn là nơi để bộ đội trú quân, cất giữ vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu. “Địa đạo A Nông bây giờ trở thành di tích lịch sử cách mạng, với nhiều câu chuyện đẹp về tinh thần đấu tranh của ông cha, để giáo dục con cháu. Năm 2000, nhân dân xã A Nông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là động lực quan trọng để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực trên hành trình xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững” - ông Đàn nói. Vùng đất A Nông bây giờ đã xanh màu trở lại, trở thành địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu nông thôn mới. Một diện mạo mới đầy tự hào, tô thêm vẻ đẹp của núi, cùng ước vọng vươn xa.

Ký ức làng Rô

Làng Rô, thuộc xã Cà Dy (huyện Nam Giang) xưa là một vùng đất cách mạng. Một thời, dân làng Rô từng nức tiếng khắp rừng núi Trường Sơn với những chiến công trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong ký ức của dân làng, những ngày cùng nhau “nhường cơm sẻ áo” nuôi giấu cán bộ trở thành niềm tự hào, góp thêm công sức cho công cuộc giải phóng dân tộc. Làng Rô giờ đây đang đổi thay từng ngày, khoác lên mình một diện mạo mới. Già làng Đinh Văn Choó kể lại, trước đây làng Rô định cư trên vùng núi giáp biên giới Lào. Cuộc sống khó khăn,  dân làng dắt díu nhau xuống núi và tìm vùng đất mới lập làng, nơi gần Bến Giằng bây giờ. Những năm kháng chiến chống Mỹ, làng Rô nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng, trở thành một trong những làng miền núi có công lớn nuôi giấu cán bộ, phục vụ kháng chiến. Trong đó, phải kể đến việc dân làng Rô bí mật nuôi giấu, tìm cách đưa nhà thơ Tố Hữu và người chiến sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ trở về xuôi an toàn. Sau này, khi nhà thơ Tố Hữu trở lại thăm, dân làng nhận ra trong niềm xúc động.

Bước ra từ trong khói lửa của chiến tranh, dân làng Rô một lòng theo Đảng, Bác Hồ và nêu cao tinh thần yêu nước. Năm 1984, nhiều người dân làng Rô được Nhà nước phong tặng bằng “Có công với nước”, vì những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy, làng Rô luôn được xem như cánh chim đầu đàn, có nhiều đóng góp cho các phong trào cách mạng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. “Cùng với công cuộc đổi mới, vì mục tiêu phát triển bền vững, đời sống của dân làng Rô đã có nhiều tiến bộ, khởi sắc. Nhiều hộ dân bây giờ đã có nhà cửa kiên cố, có xe máy, tivi,... đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống bền vững” -  ông Phước cho hay.

Xanh lại Bh’lô

Ký ức một thời “mưa bom, bão đạn”, cùng những đợt càn quét bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vẫn còn nguyên dấu tích tại làng Bh’lô Sơn, xã Đh’rây (nay là thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). Bên kia sông, nơi ngọn núi Choóih sừng sững là những căn hầm từng chôn vùi hàng chục người dân và cán bộ địa phương trong trận mưa bom của địch vào những năm 1967. Ông Alăng Đàn, nhân chứng còn sống sau trận ấy kể lại, một tuần trước khi xảy ra sự việc, bộ đội địa phương và du kích xã Đh’rây đã có trận phục kích chặn quân địch hành quân vào làng tại đồi Dốc Sơn, cách làng khoảng 500m. Bất ngờ, rạng sáng 27.7.1967, địch dùng máy bay B52 ném bom xuống khu vực hầm trú ẩn khiến 42 cán bộ và nhân dân bị chôn vùi trong lòng đất.

Khu bia tưởng niệm được chính quyền huyện Đông Giang xây dựng vào năm 2006 để giáo dục thế hệ con cháu về tinh thần đấu tranh của dân làng ngày trước. Vào ngày 27.7 hằng năm, dân làng cùng chính quyền địa phương lại tổ chức viếng hương, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Ông Alăng Kích - Trưởng thôn Sơn cho biết, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng dân làng không bao giờ quên về quá khứ. Vượt qua khó khăn, đồng bào thôn Sơn cùng ra sức làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Cuối xuân, cánh đồng lúa nước tô thắm màu xanh núi rừng như xẻ dọc con đường bê tông nông thôn về làng, bên những công trình nhà xây kiên cố.

Tác giả: A

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết