Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Vào rừng kiếm... "củi lấy chồng"

Ở Nam Giang, Quảng Nam, nếu như những cô gái người Cơ Tu khi về nhà chồng phải mang theo nhiều thổ cẩm tự dệt thì những cô dâu người Ve, Tà Riềng lại mang những bó củi được chẻ mảnh, gọn gàng. Củi càng nhiều, chẻ càng đẹp, càng chứng tỏ cô dâu là người khỏe mạnh, chăm chỉ, khéo léo. Chẳng biết phong tục này có tự bao giờ, nhưng người ta vẫn gọi đó là củi lấy chồng, củi kết hôn.

 

Cho đến giờ, người ta vẫn thấy rất nhiều "củi kết hôn" ở những ngôi nhà ở Đắk Pring, Đắk Pree.

2 xã biên giới Đắk Pree, Đắk Pring với hơn 90% là người dân tộc Ve, Tà Riềng (một nhóm của dân tộc Giẻ Triêng) và hầu hết phong tục truyền thống vẫn được người dân giữ gìn, trong đó có tục gùi củi về nhà chồng trong ngày cưới của cô dâu. Người dân gọi là "củi lấy chồng", "củi kết hôn", nhưng cũng có người nói là "củi đoàn kết". Nghe nói, ở Kon Tum, những cô gái Giẻ Triêng từ năm 12 tuổi đã phải vào rừng kiếm củi, chuẩn bị cho đám cưới của mình trong tương lai, thì ở Đắk Pring, Đắk Pree lại không hẳn vậy. Khi cô gái và chàng trai ưng nhau, hai gia đình chấp thuận thì nhà cô gái lúc ấy nhờ họ hàng vào rừng lấy củi cũng chưa muộn. Tuy nhiên, những cô gái tự kiếm đủ số củi vẫn được "mến mộ" hơn. Vậy nên, cứ nhà nào đầu hồi xếp những thanh củi được chẻ mảnh thì nhà ấy hẳn có con gái sắp lấy chồng hoặc vừa mới có con dâu.

 "Củi lấy chồng" là củi được lựa chọn từ những cây gỗ to, thẳng, cắt đoạn dài chừng 80cm. Sau đó lột vỏ và dùng rìu để chẻ. Củi không chẻ thành từng thanh như thông thường. Củi chẻ nhưng vẫn phải dính lại với nhau, xòe ra như cánh quạt. Cứ 2 khúc bó lại thành bó. Những bó củi là quà tặng của nhà gái mang đến trong ngày cưới, thể hiện tình cảm trân trọng đối với nhà trai. Tùy theo khả năng của nhà gái mà số lượng bó củi quà cưới khác nhau. Ý nghĩa của tập tục này không chỉ đơn thuần là cô dâu báo hiếu về nhà chồng, mà còn mang một giá trị văn hóa truyền thống, vượt ra ngoài giá trị vật chất, thể hiện tình cảm giữa hai bên gia đình trong ngày cưới. Điều đó được thể hiện qua việc họ hàng nhà gái vào rừng kiếm củi giúp cô dâu. Và, khi mang củi về nhà chồng, số củi ấy sẽ được bố mẹ chồng chia cho họ hàng, làng xóm gọi đó là quà của con dâu mới. Tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm vì thế càng thêm gắn bó.

 Tôn Xuân (thôn 49, xã Đắk Pring) còn nhớ như in đám cưới của mình với Kring Thị Xai. Cùng với các nghi lễ theo phong tục truyền thống của đồng bào Ve, nhà cô dâu Kring Thị Xai còn mang đến nhà trai 100 bó củi. Kring Thị Xai vốn là cô gái chăm chỉ, đảm đang có tiếng nên những bó củi cô mang đến nhà chồng đều là những thanh củi to, thẳng và chẻ rất đều, mỏng. Bây giờ, đôi vợ chồng trẻ này đã có 2 cô con gái kháu khỉnh, ông bố trẻ đùa vui: "Mới ngày nào mình nhận được củi cưới từ nhà khác, giờ thì chẳng mấy chốc nữa, mình lại phải nhờ họ hàng đi lấy củi cho con gái đi lấy chồng rồi".

 Nếu như trước đây, củi ít, nhiều thể hiện sự "hoành tráng" của nhà gái thì nay, điều đó không còn được đánh giá là yếu tố quan trọng. Vì để kiếm được loại củi này, buộc người ta phải vào rừng sâu, đẵn những cây gỗ to nên nếu nhà nào cũng làm nhiều thì trở thành phá rừng. Hơn nữa, bây giờ có nhiều cô gái người Ve, Tà Riềng học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nên việc dành thời gian vào rừng lấy củi kết hôn gần như không có. Và theo nếp sống mới, nhiều đám cưới, củi lấy chồng chỉ tượng trưng bằng 5 - 7 bó. Ít nhưng không thể không có. Vậy nên, có những cô gái đi lấy chồng xa tận Chaval, La Dê, Đắk Tôi, Duôl, nhưng đằng sau xe về nhà chồng vẫn buộc theo vài bó củi.

 Chàng trai trẻ Hiên Ông (Đắk Pree) cho biết: Các cô gái Ve, Tà Riềng có lấy chồng khác dân tộc, dù nhà chồng không yêu cầu, nhưng vẫn mang theo vài bó củi để thể hiện với họ hàng là mình vẫn giữ được phong tục của dân tộc. Tôi là người Ve, sau này lấy vợ dân tộc khác vẫn thích vợ mình mang theo vài bó củi như thế. Thế mới biết, dù cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng phong tục nơi đây vẫn được giữ gìn, phát triển thành nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tác giả: Trúc Hà

Nguồn tin: bienphong.com.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết