Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay ưu đãi ở Nam Giang

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết, để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay vốn của ngân hàng, hàng năm, đơn vị luôn chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện về kế hoạch vốn, phân bổ các nguồn vốn vay cho phù hợp, cạnh đó, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt việc tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn; củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt việc ủy thác, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình…

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai  gồm 11 chương trình cho vay, tăng 9 chương trình so với trước năm 2003 với đối tượng thụ hưởng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể các chương trình cho vay như sau: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo NĐ 61 và NĐ 74, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 167 và QĐ 33, Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo QĐ 2085, cho vay làm nhà tránh lũ theo QĐ 48, cho vay nhà ở xã hội theo NĐ 100 và Nghị định 49 của Chính phủ. Ông Hải cho biết thêm:


Phát triển đàn bò từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội

Sau thời gian vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư trồng keo, đến nay bà Võ Thị Thu, thôn Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ đã có hơn 5ha keo đang chuẩn bị thu hoạch. Với bà Thu và nhiều hộ gia đình khó khăn khác tại địa phương, đây thực sự là tài sản lớn, góp thêm vào mục tiêu ổn định cuộc sống; Bà Thu cho biết, trước đây, mặc dù có đất sản xuất nhưng do thiếu nguồn lực nên gia đình không thể đầu tư phát triển các mô hình sinh kế. Vài năm trở lại đây, đời sống quá khó khăn, nên khi có chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bà liên hệ đăng ký suất vay 50 triệu đồng để trồng keo trên đất rẫy. Sau thời gian chăm sóc, vườn keo nay cũng sắp đến đợt thu hoạch nên bà rất vui.“Từ số tiền thu hoạch keo này, bên cạnh trả tiền vốn, tôi dự định sẽ mở rộng trồng thêm lứa keo thứ 2, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng. Hy vọng, vài năm nữa sẽ ổn định cuộc sống và thoát nghèo” - bà Thu chia sẻ.

Nhờ việc triển khai hiệu quả, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm.

Kết quả gần 20 năm hoạt động cho thấy việc huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho NHCSXH hoạt động là chủ trương đúng đắn được các cấp, các ngành tích cực thực hiện đạt kết quả cao, đặc biệt với việc triển khai mô hình huy động tiết kiệm dân cư ngay tại điểm giao dịch xã là việc làm mới, thể hiện sự nỗ lực của NHCSXH trong việc huy động nguồn lực xã hội, vừa tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tham gia gửi và rút tiền, đồng thời tạo nên sự chủ động về vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi.

Ngoài nguồn vốn của Trung ương chuyển về, thì nguồn vốn ngân sách địa phương có vai trò rất lớn trong việc cho vay các đối tượng thụ hưởng theo quy định của địa phương, đã tạo điều kiện để mở rộng cho vay đáp sứng nhu cầu của đối tượng, nhất là người lao động chưa có việc làm. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã quan tâm ưu tiên cân đối tăng nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chính phủ trong thời gian qua đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, được bảo toàn và không ngừng phát triển.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Hải cho biết: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội; bám sát sự lãnh chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của tỉnh, huyện trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn có phương án đảm bảo nguồn vốn vay cho người dân; chú trọng đào tạo, tập huấn, kiểm tra, đánh giá kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, nhất là cán bộ tín dụng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.



Tác giả: Văn Thủy

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết