Vừa qua, ngày 16.3, đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Nam Giang về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017.
Ông: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, chủ trì hội nghị
Báo cáo với đoàn giám sát, ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, địa phương đã triển khai, phân bổ nguồn ngân sách đảm bảo đúng theo mục đích các chương trình phát triển giáo dục miền núi. Đến nay, toàn huyện có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú và 4 trường có học sinh bán trú.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012-2015 và lộ trình đến năm 2020 theo Quyết định 1625 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Nam Giang đã xây dựng lộ trình theo các giai đoạn 2008-2011 (đầu tư xây dựng 32 phòng học và 6 nhà công vụ, với kinh phí gần 9 tỷ đồng); giai đoạn 2017-2020 (xây dựng mới 26 phòng học kiên cố, mức đầu tư hơn 17,8 tỷ đồng). Riêng đề án đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đến nay địa phương đã thực hiện xây dựng các hạng mục xây mới, cải tạo, phòng thí nghiệm, nhà ở học sinh và giáo viên,... với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện Nam Giang cũng đã huy động 100% trẻ mẫu giáo đến lớp; hỗ trợ kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh, hỗ trợ ăn trưa với số lượng hơn 13 nghìn trẻ được hưởng lợi, tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng; các chế độ đối với học sinh tại trường dân tộc nội trú, các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh cũng được thực hiện đầy đủ, đảm bảo theo quy định.
Huyện Nam Giang kiến nghị bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, giám sát các chính sách và chất lượng đào tạo học sinh cử tuyển, Chính phủ cần quan tâm giải quyết việc làm cho số sinh viên diện cử tuyển đã tốt nghiệp, nhất là đối với sinh viên ra trường ngành sư phạm và y tế, vì 2 ngành này rất cần thiết đối với địa phương. Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh từ 100 nghìn đồng/tháng lên 150 nghìn đồng/tháng theo Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ; tăng thêm tiền hỗ trợ trang cấp ban đầu cho học sinh trường dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch số 109 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục - Đào tạo; cũng như sớm có hỗ trợ kinh phí vận chuyển gạo cho học sinh đến với các cơ sở giáo dục tại địa phương...
Tại buổi làm việc, các địa biểu thành viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng đào tạo giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ người thiểu số giữ trọng trách tại cấp xã và huyện; chính sách hỗ trợ xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú; chế độ đối với giáo viên miền núi; cũng như việc triển khai chính sách ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.