Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Khuyến học Nam Giang, cái khó không bó được cái khôn


Để từng bước khắc phục khó khăn, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, thời gian qua, rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu tiên, ưu đãi của Đảng và nhà nước, Nam Giang phần nào thay đổi dần diện mạo. Tuy vậy, kết quả gặt hái được còn khá khiêm tốn so với công sức, tiền của đã đầu tư. Đời sồng, kinh tế, vật chất, văn hóa, xã hội của người dân nơi đây vẫn ở mức thấp. Số hộ nghèo trong huyện vẫn chiếm trên 50%; các phong tục tập quán lạc hậu chưa xóa hết ở các làng bản….trở thành rào cản không nhỏ cho sự phát triển của Nam Giang, trong đó có ngành giáo dục. Một số trường xã thường nằm xa khu dân cư; trường thôn, bản vẫn còn dựng tạm vì thiếu kinh phí; các thầy cô giáo tình nguyện cõng chữ lên vùng cao không đủ điều kiện để phát huy năng lực, số cháu ở độ tuổi đến trường có năm chỉ đạt 95%. Số học sinh bỏ học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở không giảm. Trong khi đó nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ xã, thôn còn hạn chế, chưa thấy hết được sự cần thiết hoặc còn coi nhẹ công tác khuyến học, khuyến tài….

Hội khuyến học Nam Giang ra đời trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy! Ngày 19/11/2008, sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Hội tổ chức đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên, trong đó có 9 ủy viên Thường vụ đại diện cho 12 xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành. Đại hội đã đề ra Nghị quyết đặt quyết tâm cao triển khai nhanh, rộng đến tất cả các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao với thời gian ngắn nhất đưa phong trào khuyến học huyện nhà đuổi kịp và vượt các đàn anh, đàn chị trong tỉnh.

Nhưng Nghị quyết, phương hướng là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác, công việc không dễ dàng, thuận lợi như nhiều người thường nghĩ. Cả huyện chỉ có 1 chuyên trách, còn lại công tác khuyến học ở cơ sở cán bộ là kiêm nhiệm. Suốt gần 7 năm kể từ khi thành lập hội, cán bộ khuyến học ở xã không có tiền thù lao, bồi dưỡng. Có thực mới vực được đạo, nếu không được quan tâm đúng mức thì tâm huyết của những con người này cũng nguội lạnh dần và kết quả đáng buồn là gần hết một nhiệm kỳ  khuyến học, khuyến tài Nam Giang vẫn chỉ dừng lại ở hoạt động cầm chừng, có hội đã bỏ trắng. Sau này mỗi lần nhớ lại thời kỳ trứng nước ấy, Chủ tịch hội Nguyễn Công Phi tâm sự: “trước quá nhiều khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua nổi; Lo lắng, mất ăn, mất ngủ, thú thật có lúc tôi cũng bi quan, dao động sợ không hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra”.

Rất may, chính vào lúc khó nhất lại “ló được cái khôn”. Bài toán hắc búa phải ngồi cắn bút đã tìm ra cách giải. Tháng 7/2013 huyện Hội tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ II (2013-2018) bầu ra 7 vị thường vụ trong 25 thành viên Ban Chấp hành. Rút ra bài học từ nhiệm kỳ trước, Đại hội lần này Ban Thường vụ- Thường trực Hội tích cực tham mưu lãnh đạo huyện, các ban ngành của huyện, Hội Khuyến học các cấp mở các cuộc vận động tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, “Tài trợ tiếp sức cho em đến trường” đã có hướng đi đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương, năng lực hiện có của hội. Với phương châm từ dễ đến khó, lấy ngắn nuôi dài, hội không triển khai tràn lan mà tập trung củng cố 4 hội cơ sở là Thị trấn Thạnh Mỹ, Cà Dy, TàBhing, Tà Pơơ. Trong đó tiếp tục đầu tư đẩy mạnh phong trào ở các chi hội thôn Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 3, Hội đồng hương Thanh Hóa… Cùng với 5 trường vùng thấp trên 29 cơ sở giáo dục của huyện có nhiều thuận lợi và cũng đã có thành tích, kinh nghiệm trong hoạt động này.

Cùng với đó, hội mở cuộc vận động “tài trợ tiếp sức cho em đến trường” thông qua các hình thức gửi thư ngỏ, mời dự các buổi trao thưởng, tặng quà, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, sách vở, xe đạp, bàn tủ học tập, đồ dùng học tập… đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, bà con thôn, làng, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp xây dựng quỹ. Các chương trình khen thưởng sinh viên đậu đại học- cao đẳng của UBND huyện, quà hỗ trợ của phòng Giáo dục và đào tạo huyện, hội Chữ Thập đỏ huyện cùng với các chương trình tài trợ mang tính ổn định của Hội khuyến học Tỉnh, Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Hội, Tập đoàn Viễn thông Viettel, VietKid của nước Đức và cùng nhiều đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng, các địa phương vùng đồng bằng với học bổng mang tên “ươm mầm đại thụ”, “sinh viên nghèo học giỏi”, “vì em hiếu học”… đã góp phần tích cực để hội vượt lên xây dựng, củng cố phong trào.

Sau đại hội lần thứ 2, kinh phí vận động cho quỹ hội hàng năm tăng lên tới hàng tỷ đồng để hơn 2000 lượt trên 670 học sinh được hưởng lợi từ quỹ này. Ngoài kinh phí cấp khen thưởng cho gần 1000 học sinh khá, giỏi; hàng năm huyện hội còn hỗ trợ cho từ 1200-1500 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường.    Năm 2015-2016 hội đã kết hợp, hỗ trợ huy động nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học của ngành Giáo dục huyện với số tiền 3.669.943.000đ, gấp 2 lần so với những năm trước 2013.

Từ hướng đi đúng đắn đến cách làm hay, biết vận dụng sáng tạo từ thực tế địa phương, làm giảm bớt cái “thiên” chưa gặp “thời”, cái “địa” còn ít “lợi” để phát huy cái “nhân hòa” trở thành sức mạnh của tinh thần đoàn kết bước đầu đã làm nên thành tích đáng ghi nhận của cán bộ khuyến học huyện nhà.      Nếu như trước năm 2008, số cháu đủ tuổi vào lớp chỉ đạt 97,6% thì nay là 100%. Đặc biệt số học sinh bỏ học giảm rõ rệt, có nơi không còn tình trạng này xảy ra như thị trấn Thạnh Mỹ, Cà Dy, TàBhing, ChàVal… Học sinh thi đậu vào các trường Đại học, cao đẳng hàng năm tăng dần từ 30 đến 60 em. Qua thống kê Nam Giang hiện nay có hàng trăm sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư, bác sỹ đã đăng ký trở về huyện làm việc, đó là nguồn lực mới có trình độ chuyên môn, có nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ là những cán bộ nòng cốt cho cơ sở xã, thôn trong hiện tại và mai sau. Không chỉ có vậy, đầu năm 2016 Hội cũng đã lồng ghép triển khai và tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân trong huyện Quyết định 281 của Chính Phủ, Quyết định 448 của Hội khuyến học Việt Nam nhằm xây dựng phong trào xã hội học tập và học tập suốt đời. Kết quả đã được 95 hộ đăng ký “gia đình học tập”, “8 dòng họ học tập, một cộng đồng học tập”…

So với phong trào của cả nước nói chung, của tỉnh Quảng Nam nói riêng, khuyến học Nam Giang còn phải phấn đấu rất nhiều. Nhưng những gì mà một địa phương miền núi còn đầy khó khăn này làm được cho công tác khuyến học trong thời gian chưa lâu là ghi nhận sự cố gắng của cán bộ và nhân dân nơi đây. Đồng thời, cũng không phủ nhận rằng có công lao rất lớn của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” luôn tâm huyết với nhiệm vụ trồng người mà Đảng, Bác Hồ đã dày công xây dựng, vun đắp.

Năm 2016 đã qua. Đỉnh cao 2017 đang đứng sừng sững phía trước với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhưng cái khó nào cũng không bó được cái khôn và lòng quyết tâm của những người làm khuyến học ở Nam Giang.

Tác giả: Xuân Cấp

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết