Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Tổng quan tình hình Kinh tế - Xã hội huyện Nam Giang

Trong những ngày tháng Sáu lịch sử này, cách đây tròn 70 năm về trước, vào ngày 28/6/1949, Đảng bộ huyện Nam Giang được thành lập và tiến hành lãnh đạo toàn diện sự nghiệp cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên địa bàn huyện, góp phần cùng với sự nghiệp cách mạng cả nước giành độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã nêu cao lòng yêu nước, đoàn kết thống nhất, cùng đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang tập trung bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại; đồng thời, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm thay đổi sâu sắc diện mạo quê hương Nam Giang anh hùng.

 Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng: “Nông- Lâm nghiệp- Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp- Thương mại và dịch vụ”, đồng thời đề ra 03 nhiệm vụ đột phá cần tập trung lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, trong đó có nhiệm vụ về đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, đây là định hướng đúng, kịp thời và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, nhằm tạo nền tảng vững chắc và động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội của huyện phát triển mạnh, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Với những định hướng, lộ trình phát triển đúng đắn và sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo, điều hành của toàn Đảng bộ; sự năng động, sáng tạo và nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương; sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao của nhân dân về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các Sở, ban ngành của tỉnh, đã góp phần đưa kinh tế- xã hội của huyện nhà có những bước chuyển mình rõ nét và phát triển vượt bậc; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư phát triển; các chính sách an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức; đời sống nhân dân ngày càng cải thiện tốt hơn; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố vững mạnh toàn diện, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và hoạt động ngày càng hiệu quả. Những kết quả đó, thể hiện rõ nét qua phác họa tổng thể sau:

- Về nông, lâm nghiệp. Gía trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thủy sản trên địa bàn huyện hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2018, giá trị sản xuất trong lĩnh vực này tăng bình quân 6,36%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Các chương trình, chính sách về phát triển cây, con giống, mô hình chăn nuôi thực hiện ngày càng có hiệu quả, hằng năm, huyện đã cấp hàng trăm ngàn cây giống và hàng trăm con giống (heo cỏ, heo rừng lai và bò) hỗ trợ cho nhân dân các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; các mô hình về chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại đã dần hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao như tại: thị trấn Thạnh Mỹ, xã Tà Pơ…đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo hằng năm theo kế hoạch giao.Trong giai đoạn 2015-2018, sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt bình quân 6.772 tấn, vượt 1,07% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX giao. Về chăn nuôi, nhìn chung tổng đàn gia súc hằng năm đều tăng so với năm trước, cụ thể năm 2015 tổng đàn gia súc toàn huyện có 16.495 con, thì đến năm 2018 đã tăng lên 17.028 con. Công tác trồng rừng phân tán trong nhân dân tiếp tục được nhân rộng và có hiệu quả,với diện tích bình quân hằng năm là 200 ha; chương trình phát triển cây cao su đại điền bước đầu đã mang lại nguồn thu từ nguồn khai thác mủ, với tổng diện tích đã đến thời kỳ khai thác là 400 ha/tổng diện tích đã trồng là 1.337 ha, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững.

- Về lĩnh vực công nghiệp, tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch, chủ trương của UBND tỉnh về phát triển Cụm công nghiệp thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ và Cụm công nghiệp Cà Đăng, xã Tà Bhing với tổng diện tích quy hoạch đối với 02 cụm công nghiệp 112,2 ha, trong đó Cụm công nghiệp thôn Hoa là 37,2 ha. Ngoài ra, trong những năm qua, UBND huyện đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và phối hợp với các Sở ngành của tỉnh trong triển khai phát triển các dự án thủy điện trên địa bàn huyện, nổi bật là các dự án thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2, Sông Bung 5 và Sông Bung 6… đến nay, các dự án này đã và đang đi vào hoạt động, cung cấp sản lượng điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự án nhà máy xi măng Thạnh Mỹ cũng đã được xây dựng từ năm 2010 trên diện tích 57,36 ha, gồm hai dây chuyền sản xuất clinke đã đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay với công suất giai đoạn 1 khoảng 1,2 triệu tấn xi măng/năm và hiện nay đang tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng tổng quy mô công suất lên 3,5 triệu tấn/năm, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.Trong giai đoạn 2015 đến nay, bình quân hằng năm giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng từ 30-32%, vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX giao.

- Về hạ tầng kỹ thuật, đến nay huyện Nam Giang có 03 tuyến quốc lộ, giao thông trọng yếu đi qua địa bàn bao gồm: đường Hồ Chí Minh, 14D, 14B và tuyến đường Trường Sơn Đông kết nối với các tỉnh, thành trong nước và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHCDND Lào. Về tuyến nội địa, huyện đã đầu tư nguồn lực, xây dựng các tuyến ĐH, giao thông nông thôn gần như phủ khắp các xã, thôn trên địa bàn, trong đó 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 90% số thôn có đường giao thông nông thôn, liên thôn được bê tông hóa. Các công trình cấp điện lưới quốc gia đã được đầu tư phủ khắp các xã, thị trấn trên địa bàn phục vụ sinh hoạt, phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hạ tầng thông tin liên lạc, truyền hình được đầu tư kịp thời tại địa bàn 12/12 xã, thị trấn, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và hưởng thụ về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ tưới tiêu kịp thời cho khoảng 385 ha lúa nước hằng năm. Cơ sở vật chất trường học từ bậc học mầm non đến THPT không ngừng được đầu tư xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa và tầng hóa, đến nay trên địa bàn huyện, không còn trường lớp học tranh tre, tạm bợ đảm bảo phục vụ công tác dạy và học. Các thiết chế văn hóa từ huyện, đến xã được đầu tư theo hướng đồng bộ, nổi bật là huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nhà thi đấu, sân bóng chuyền và sân vận động trung tâm, đáp ứng phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và huyện. Hạ tầng trung tâm hành chính huyện tại thị trấn Thạnh Mỹ từng bước được hình thành theo hướng đồng bộ, gắn kết với các khu chức năng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Lĩnh vực thu ngân sách,trong giai đoạn 2015 đến nay, thu nội địa ngân sách trên địa bàn do huyện quản lý thu hằng năm vượt khoảng 21,9% so với Nghị quyết giao, riêng năm 2016 thu vượt 48,3% kế hoạch giao.

 ­- Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao. Giáo dục và Đào tạo ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đến nay toàn huyện có 7.663 học sinh ở các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng 519 em học sinh so với năm học 2015-2016; về cơ sở trường học, hiện nay toàn huyện có 26 đơn vị trường học; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và ngày càng vững chắc, thể hiện số học sinh bậc Tiểu học, THCS hoàn thành chương trình học đạt tỷ lệ cao, trên 90%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm càng tăng cao; đặc biệt là số học sinh thi tuyển và đỗ vào các trường Đại học uy tín trên cả nước ngày càng nhiều, thậm chí có em học sinh thi đỗ vào 2 đến 3 trường Đại học. Kết thúc năm 2018, toàn huyện có 12/24 trường đạt chuẩn quốc gia (từ bậc Mần non đến THCS), đạt tỷ lệ 50% và hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giao. Công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội được các cơ quan, ban ngành và xã, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, nhất là việc hỗ trợ xây dựng nhà ở người có công theo quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015 đến nay toàn huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 229 đối tượng, với tổng kinh phí là 9.995 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền địa phương xã, thị trấn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ (3.643 hộ) 58,08% năm 2015 xuống còn (3.045hộ) 44,34% năm 2018. Phong trào văn hóa,văn nghệ,  thể dục thể thao trên địa bàn huyện trong những năm qua phát triển sâu rộng, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, thể hiện qua kết quả các đợt thi tại các Lễ hội cấp quốc gia và tỉnh tổ chức, gần đây nhất là huyện Nam Giang đã đăng cai tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa- Thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX năm 2018, với vị thứ nhất toàn đoàn một cách thuyết phục. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng phát triển theo chiều sâu, tỷ lệ thôn đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao, từ 84,1% năm 2015 lên 92,1% năm 2018.Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế tiếp tục được chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, nhất là chương trình mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, góp phần giảm tỷ lệ này từ 17,27% năm 2015 xuống còn 14,66% năm 2018, hoàn thành trước thời hạn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

­- Quốc phòng, An ninh, đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban ngành chú trọng thực hiện; công tác diễn tập chiến đấu phòng thủ thực hiện sát thực tiễn và vận hành đảm bảo cơ chế; công tác tuyển quân và ra quân huấn luyện hằng năm đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào ngày càng thực chất và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, kinh tế- xã hội của huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tập trung lãnh đạo, điều hành khắc phục đó là: hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện chưa thật sự đồng bộ, nhất là đối với địa bàn các xã vùng cao biên giới vẫn còn nhiều thiếu thốn, bất cập; nguồn thu ngân sách mặc dù đạt và vượt chỉ tiêu giao hằng năm, nhưng quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn huyện; công tác xây dựng nông thôn mới mặc dù đã nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận cao, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là giải pháp nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo; quy mô kinh tế của huyện vẫn còn nhỏ, chủ yếu tập trung tại khu vực thị trấn Thạnh Mỹ, việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra, làm cản trở, chậm tiến độ thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh; tỷ lệ hộ nghèo và tình trạng tái nghèo vẫn còn cao, nhận thức và hành động của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về mục tiêu giảm nghèo chưa quyết liệt, ý thức của một bộ phận nhân dân về tự vươn lên thoát nghèo còn hạn chế, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp, hỗ trợ của nhà nước vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ và hành động; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, lâm khoáng sản còn có mặt sơ hở, bất cập và chồng chéo, tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, một số vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Trong thời gian đến, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành cần phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được và bài học kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua, để tranh thủ thời cơ thuận lợi, hạn chế các tác động tiêu cực do thách thức đặt ra, tổ chức lãnh đạo, điều hành và thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, trong đó tập trung thực hiện một số định hướng về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu Nông- lâm nghiệp- công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- thương mại, dịch vụ và du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện sáng tạo, có hiệu quả 03 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và công tác giảm nghèo bền vững; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ba là, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật từ huyện đến xã, nhất là hệ thống giao thông, trường học, thủy lợi; hạ tầng kỹ thuật trung tâm hành chính huyện theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thôn Hoa (Thạnh Mỹ).

      Bốn là, giải quyết tốt, kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc đối với một số công trình trọng điểm của huyện hiện nay, cụm công nghiệp thôn Hoa gắn với quản lý chặt chẽ đất đai, quản lý quy hoạch; xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm nảy sinh, không để tồn đọng, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, tích cực và chủ động trong việc xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trọng tâm là tại các Cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho huyện lập quy hoạch.

Sáu là, tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu ngân sách; khai thác có hiệu quả nguồn quỹ đất trên địa bàn. Về chi ngân sách, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Bảy là, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về mục tiêu giảm nghèo bền vững, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các chương trình chính sách hiện hành của trung ương, tỉnh và định hướng của Đảng bộ huyện về hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích giảm nghèo, công tác đào tạo nghề… Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho nhân dân về tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tám là, tăng cường các nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ huyện, xã; bảo đảm an ninh chính trị và trật an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên lâm, khoáng sản trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng về công tác cải cách hành chính, trọng tâm là công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người đúng đầu địa phương, cơ quan, ban ngành; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhà nước, đối ngoại nhân dân nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.

Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ huyện Nam Giang đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đó là: đoàn kết dân tộc, cùng với nhân dân cả nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà; đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; ổn định chính trị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn huyện. Chúng ta, những thế hệ hôm nay, được hưởng một nền hòa bình và độc lập dân tộc thực sự không khỏi tự hào về những thành tựu mà các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ kể từ khi thành lập Đảng bộ huyện đã lập nên, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa, phát huy trong sự nghiệp phát triển của huyện Nam Giang ngày hôm nay.

Với truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm, năng động sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng thuận của nhân dân huyện nhà, qua trang Tập san kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang, chúng ta tin tưởng rằng, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội, phát huy nội lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương Nam Giang ngày càng phát triển.

Tác giả: A Lăng Mai

Nguồn tin: Bản tin Nam Giang

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết