Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Xây dựng hệ thống chính trị ở huyện Nam Giang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Đảng bộ huyện Nam Giang có 54 chi, đảng bộ cơ sở, với 2.669 đảng viên.  Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện luôn đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đạt được một số kết quả quan trọng. Huyện ủy luôn xác định việc củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tập trung chỉ đạo đồng bộ trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, các cấp ủy đảng luôn chủ động, kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với cụ thể hóa sát với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính khả thi cao để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Cùng với đó, đã thường xuyên làm tốt công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Công tác xây dựng TCCSĐ, Huyện ủy và các cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phân công cấp ủy viên dự, theo dõi sinh hoạt chi bộ, chú trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở xã, thị trấn, nhằm phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh, vướng mắc, bức xúc thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề. 100% TCCSĐ hoàn thiện quy chế làm việc, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ. Đánh giá, phân tích chất lượng TCCSĐ và đảng viên được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, nội dung và thực chất; nhiều TCCSĐ đạt TSVM tiêu biểu 5 năm liền. Số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, trên địa bàn huyện bước đầu đạt một số kết quả như: sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện; thành lập Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật nông, lâm nghiệp và Chi Cục thú y huyện; thành lập Trung tâm Văn hóa thể thao-Truyền thanh-Truyền hình huyện trên cơ sở sáp nhập Trung tâm VHTT, Đài Truyền thanh-Truyền hình và Đội Điện ảnh huyện; chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất và đội quản lý trật tự và xây dựng để thành lập Ban Quản lý Quỹ đất - Đô thị huyện; thực hiện việc sáp nhập thôn, theo đó đã giảm được 13 thôn (từ 63 thôn, hiện nay còn 50 thôn) và thực hiện bố trí các chức danh cán bộ thôn đảm bảo theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, có 100% thôn thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; tinh giản biên chế theo đúng lộ trình đã được phê duyệt,…

Công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay được nâng lên rõ nét, cụ thể: Cán bộ cấp xã: trình độ trung cấp chuyên môn trở lên chiếm 66,41%, trung cấp chính trị trở lên chiếm 93,75%; Công chức cấp xã: trình độ trung cấp chuyên môn trở lên chiếm 94,33%, trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 71,63%; Cấp ủy huyện: trình độ đại học trở lên chiếm 81,39%, cao cấp lý luận chính trị chiếm 81,40%; Cán bộ, công chức là trưởng, phó phòng và tương đương có trình độ đại học chuyên môn chiếm 85,72%, cao cấp lý luận chính trị chiếm 71,42%.

Tỷ lệ cán bộ là người địa phương tham gia các cơ quan trong hệ thống chính trị: cấp uỷ xã 95,72%, cán bộ cấp xã 95,31%; công chức cấp xã 95,04%; cấp uỷ huyện 62,79%; trưởng, phó phòng cấp huyện 34,92%. Nhiều đồng chí đã trưởng thành trong thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Trong thực hiện công tác cán bộ, luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy yêu cầu công việc, chất lượng cán bộ làm thước đo khi bố trí cán bộ. Đồng thời, huyện đã làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: đã tuyển dụng 110 công chức xã, 21 công chức huyện; quy hoạch cán bộ các nhiệm kỳ được tiến hành đồng bộ, đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo phương châm “động” và “mở”; đào tạo lý luận chính trị 1.120 đồng chí (121 cao cấp, 535 trung cấp, 464 sơ cấp), chuyên môn 191 đồng chí (02 thạc sỹ, 189 đại học). Những kết quả đó trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện nhà; giúp các cấp ủy đảng chủ động trong việc bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Cùng với xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tổ chức, việc xây dựng Đảng về đạo đức cũng được Huyện ủy và các cấp ủy cơ sở quan tâm thực hiện. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đạt được một số kết quả thiết thực, làm chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc nhận thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đươc giao; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới, đã lựa chọn nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri dư luận xã hội quan tâm để ban hành nghị quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Công tác giám sát được chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu HĐND để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương trên các lĩnh vực như chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân,... Hiệu lực quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và chất lượng hoạt động của các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện trên các lĩnh vực từng bước được nâng lên, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được tiếp tục đẩy mạnh; công tác tiếp công dân, công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực hiện ngày càng tốt hơn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, đa dạng và phong phú hơn, từng bước đi vào thực tế cuộc sống của hội viên và các tầng lớp nhân dân, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên; tích cực phát huy vai trò trong tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Sự phối hợp có trách nhiệm của chính quyền, các ngành liên quan ngày càng chặt chẽ, rõ nét hơn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào hành động cách mạng, từ đó mà chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy đảng cơ sở còn hạn chế, nhất là việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng cấp trên vào tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn với việc tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chưa rõ, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động quần chúng của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do một số nơi, cấp uỷ nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của TCCSĐ; chưa xác định và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ xã, phường, thị trấn, nhất là lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; còn lúng túng trong xác định mối quan hệ giữa tổ chức đảng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở. 

Xuất phát từ thực tiễn trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện Nam Giang thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian đến như sau: 

1. Cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các cấp.

2. Cần làm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhận thức đúng về vai trò, vị trí của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó, tổ chức đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở. Trên cơ sở đó, từng tổ chức phải xây dựng và hoàn thiện thực hiện quy chế làm việc, xác định rõ các mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

3. Thường xuyên chăm lo công tác củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, trong đó coi trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, coi đoàn kết trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ và trong nhân dân là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị  biết chọn vấn đề, chọn khâu đột phá để chỉ đạo thực hiện.

4. Các cấp uỷ đảng chăm lo công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên; coi trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Bởi đây là nhân tố quyết định chất lượng lãnh đạo của TCCSĐ. Thường xuyên chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú ý lựa chọn người đứng đầu cấp uỷ thực sự có trình độ, năng lực, có khả năng tập hợp và là trung tâm đoàn kết, thống nhất trong nội bộ tổ chức đảng.

5. Phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế phối hợp, quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang (28.6.1949-28.6.2019) là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống quý báu vẻ vang của Đảng bộ; càng tự hào về truyền thống quê hương anh hùng, mỗi chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của huyện nhà. Vì vậy, nhìn nhận lại những kết quả, kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống chính trị sẽ tạo một tiền đề thuận lợi để Nam Giang có những bước đi vững chắc, phù hợp cho những năm tiếp theo. Việc đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nam Giang luôn phát huy cao độ truyền thống cách mạng, ý chí, nghị lực, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống của một huyện anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước giao phó; quyết tâm xây dựng huyện Nam Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Tác giả: Phan Văn Bình

Nguồn tin: Bản tin Nam Giang

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết