Đại hội tổng kết một cách toàn diện chặng đường vẻ vang kiên cường, bất khuất trong 18 năm qua của các dân tộc miền Tây Quảng Đà. Báo cáo chính trị nêu bật những thành tựu to lớn, những chiến tích anh hùng mà nhân dân các dân tộc miền Tây của tỉnh đạt được.Trong đó nhấn mạnh: Trình độ giác ngộ của quần chúng ngày càng cao, thể hiện bằng việc nuôi giấu cán bộ, bộ đội trong thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam, cũng như những năm Mỹ - Nguỵ đánh phá ác liệt; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố; sản xuất nông nghiệp phát triển, nhân dân ở nhiều vùng đã bước đầu làm ruộng, làm nà, sản xuất lương thực năng suất năm sau cao hơn năm trước, nạn đói giảm hẳn, nạn lạt muối giảm dần, đời sống được nâng lên, phong trào nhân dân du kích chiến tranh, công tác động viên nhân tài vật lực phục vụ tiền tuyến có nhiều thành tích đáng khích lệ; chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng vững chắc, các tổ chức quần chúng, tổ chức hợp tác lao động ngày càng được củng cố và phát triển.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung: "Phải ra sức xây dựng miền Tây Quảng Đà thành khu vực giàu về kinh tế, mạnh về quân sự, tiến bộ về văn hoá, có cuộc sống văn minh, lành mạnh, từng bước mở thông, xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh. Quyết tâm giương cao ngọn cờ đoàn kết các dân tộc, xoá bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng căn cứ địa vững mạnh về quân sự, kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; động viên đóng góp cao nhất vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".
Đại hội đề ra mục tiêu: Ba năm đến (1973-1975) phải đẩy mạnh phong trào hợp tác lao động sản xuất làm cơ sở hoàn chỉnh các khu vực định canh. Mỗi khu định canh phải có vườn cây, có cánh đồng, đường đi, trạm xá, trường học và những cơ sở phúc lợi khác. Đời sống Nhân dân được nâng cao, nông thôn miền núi phải có sự chuyển biến lớn, miền Tây phải trở nên giàu mạnh, vui tươi, tiến bộ và văn minh.
Những mục tiêu đó đã trở thành niềm tin và sự thật, ngày nay cuộc sống của đồng bào ở miền Tây Quảng Đà (nay là Quảng Nam) đã thay da đổi thịt hằng ngày. Những công trình phúc lợi phục vụ dân sinh được mọc lên, đường sá đi lại từ vùng thấp đến vùng cao được thông suốt, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc, điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt và sản xuất địa phương nào cũng có, phương tiện nghe nhìn, đi lại được trang bị đầy đủ; nhân dân tập trung vào sản xuất lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống không còn đói đau, lạt rách như trước.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể miền núi vẫn chưa tiến kịp miền xuôi. Vì vây, Đại hội các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang lần thứ ba vừa qua (8/5/2019) đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm đến đã nhấn mạnh:
1- Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới. Xác định chính sách dân tộc của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trên địa bàn huyện. Phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc anh em gắn với thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc; tôn trọng và phát huy bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, tạo thành tài sản, kho tàng văn hoá đa dạng của các dân tộc trên địa bàn huyện.
2- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; huy động có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo của nhân dân để khơi dậy tính chủ động, tự giác trong lao động, sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, tự vươn lên thoát nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang.
3- Tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, gắn với giải quyết tốt các vấn đề phát triển sản xuất và chăn nuôi; đẩy mạnh giao đất, giao khoán bảo vệ rừng trong nhân dân, cộng đồng làng quản lý, tạo thu nhập nâng cao mức sống của nhân dân.
4- Phát huy nội lực, tranh thủ lồng ghép nguồn lực từ cấp trên, với nguồn lực của địa phương và nguồn lực trong dân, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
5- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế, dân số, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
6- Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vùng cao, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tăng cường phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước.
7- Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng; xây dựng khu vực biên giới hoà bình, đoàn kết, hữu nghị.
8- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu ngày càng giàu mạnh, văn minh./.