Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Trải nghiệm thú vị trại hè thiếu nhi Nam Giang năm 2018

Trong 3 ngày, từ 21 - 23/8, Huyện đoàn Nam Giang đã phối hợp với Chương trình vùng huyện tổ chức “Trại hè thiếu nhi” cấp huyện với sự tham gia của gần 200 đội viên, thiếu niên, nhi đồng đến từ 12/12 xã, thị trấn.

Trong khuôn khổ của trại hè, các em thiếu nhi được tham gia và trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích, rèn luyện kỹ năng, được tham gia các trò chơi vận động, tăng cường sức khỏe, các hoạt động công tác xã hội như: Thi cắm lều đẹp; Nào mình cùng chơi; Nhảy lửa truyền thống; Thi hóa trang; Một ngày là chiến sỹ; Thư gửi phương xa; Tuyển thủ trẻ; Hành quân trò chơi lớn; Thi nhảy dân vũ; Thi hóa trang; Thăm tặng quà các gia đình có công với cách mạng, bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo khuyết tật; Ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường; v.v..



Trong không khí vui tươi, đoàn kết, các em thiếu nhi đã cùng nhau nối vòng tay lớn, cùng nhau tham gia các trò chơi, hoạt động ý nghĩa.

Em Trương Thị Bảo Châu - học sinh Trường PT Dân tộc Nội trú THCS Nam Giang chia sẻ: Đa số học sinh vùng cao biên giới ít có điều kiện được vui chơi giải trí trong dịp hè. Chính vì vậy, thông qua trại hè lần này, đã tạo cho các em sân chơi bổ ích, thiết thực sau một năm học tập nhiều áp lực, đặc biệt là đối với thiếu nhi nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đây còn là dịp để các em thể hiện tinh thần đoàn kết, kỹ năng sinh hoạt nhóm, có thêm cơ hội để bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình”.



Anh A lăng Trượp - Bí thư huyện đoàn cho biết thêm: Có thể nói Trại hè thiếu nhi huyện Nam Giang năm 2018 đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa to lớn, bổ ích, tạo một sân chơi lành mạnh cho học sinh, đội viên, thiếu niên nhi đồng, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống, cũng như biết quan tâm, chia sẽ đến cộng đồng, những người thân, bạn bè, những người có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ sự yêu thương, giúp trẻ hình thành nếp sống đẹp, ý thức tự lập, biết tự bảo vệ mình và xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp, đặc biệt hình thành cho các em kỹ năng sống, lối sống kỷ luật. Đồng thời, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong thanh thiếu niên trong toàn huyện, là dịp để đoàn viên thanh thiếu nhi có cơ hội giao lưu, học hỏi, đòan kết, chuẩn bị hành trang thi đua học tập tốt đạt thành tích cao trong năm học mới 2018 - 2019 và tự tin vững bước ở tương lai”.



Trong ngày đầu tiên, các em đã được tham gia hoạt động Nào mình cùng chơi, chứng kiến các em trại sinh vui tươi phấn khởi khi được tham gia các trò chơi dân gian, team building, các trò chơi đã thể hiện tinh thần tập thể, đoàn kết phối hợp giữa các thành viên trong đội như: cõng người bịt mắt đập niêu, chuyền bóng bằng đầu, đi trên giấy, kéo có, chuyền bột mì, bước chân đồng điệu, chui qua vòng...

Tại hoạt động nhảy lửa truyền thống và thi hóa trang, các tiểu đội đã ôn tập lại cho đội viên của mình những bài hát múa truyền thống của đội. Riêng tại phần thi hóa trang, các thí sinh đã mang đến hội trại nhiều trang phục bắt mắt, sáng tạo khi tận dụng được các nguyên liệu từ bao tải, giấy, vỏ lon, lá cây.v.v với ý nghĩa bảo vệ môi trường.



Tiếp tục chuổi hoạt động tại Trại hè thiếu nhi năm 2018, các em trại sinh được hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, bổ ích như: Một ngày là chiến sĩ; Thư gửi phương xa; Hành quân trò chơi lớn và thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng, người bạn nghèo học giỏi, trẻ em khuyết tật; thi nhảy dân vũ.

Tại nội dung Một ngày là Chiến sĩ, các em sẽ được trải nghiệm cảm giác được làm chú bộ đội, được các chú Bộ đội trực tiếp hướng dẫn kỹ năng sống, sinh tồn, kỹ năng chiến đấu, tự bảo vệ; được nghe những câu chuyện về truyền thống lực lượng vũ trang;



Tại nội dung Thư gửi phương xa, các em đã được viết thư hỏi thăm gửi cho những người thân yêu trong gia đình sau những ngày xa nhà, thông qua lá thư, các em đã gởi gắm những tình yêu thương da giết nhất đến cha, mẹ, ông bà, anh chị em… được nói lời cảm ơn và những lời “xin lỗi” khi các em có lỗi với gia đình;

Tại nội dung Hành quân Trò chơi lớn, các em đã được trở lại thời kỳ kháng chiến, vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước, các em đã được thể hiện khả năng dịch mật thư dưới hình thức morse, semphonre, mật thư dưới dạng chữ số, chữ thay chữ, số thay chữ, quả núi, điện thoại và bàn phím số…, tham gia mô phỏng đánh chiếm các vị trí trọng điểm giữa địch và ta, mô phỏng cứu thương và đặc biết là đánh chiếm Đồi A - 1 bắt Tướng địch và đem lại hòa bình cho đất nước;



Tại nội dung Công tác xã hội, các em đã được Ban Tổ chức đưa đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các bạn cùng trang lứa tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn, các bạn bị khuyết tật.v.v Hoạt động càng thêm ý nghĩa khi được nhìn thấy những ánh mắt rưng rưng xúc động của các em học sinh khi đến thăm nhà thanh niên Zơ Râm Thức, một thanh niên bị liệt nửa người và không còn sức lao động. “Năm 2006, khi còn là một thanh niên sung sức, khôi ngôi tuấn tú và đang là một học sinh lớp 10 có học lực khá giỏi của trường. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, là một xã có đường Biên giới với nước bạn Lào. Ngay từ nhỏ Thức đã luôn ý thức giúp đỡ gia đình, tự lao động để kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, nhất là trong dịp nghỉ hè, Thức thường theo chân Cha, Mẹ lên nương lên rẫy, hay là tự đi săn bắt. Mùa nghỉ hè năm 2006, cũng là năm định mệnh của Thức, khi một hôm Thức vào rừng kiếm tổ chim để bán kiếm tiền trang trải và mua sách vở chuẩn bị vào năm học mới. Khi đang cố leo lên một cây cao để lấy tổ chim, Thức bất ngờ bị trượt chân và té ngã xuống đất, độ cao của cây không thể cướp đi mạng sống của Thức, nhưng có lẽ là còn đau khổ hơn khi cú ngã đó đã làm Thức bị liệt nửa người, một chân bên trái của Thức bị teo hoàn toàn, và hơn nữa Thức phải khép lại giấc mơ đi học tiếp và giấc mơ vào Đại học để tìm kiếm nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình. Ngày chúng tôi đến thăm Thức, cũng đã bước vào năm thứ 12 Thức phải nằm liệt trên giường, nhìn vào đôi mắt của Thức, các em học sinh đã không dấu nỗi cảm xúc, hai hàng nước mắt rưng rưng. Đôi mắt của Thức vẫn sáng ngời như chỉ muốn tiếp tục phải sống để chờ đến một ngày có một điều diệu kỳ sẽ đến, rồi Thức sẽ lại được bước đi trên đôi chân của mình và làm việc giúp đỡ gia đình. Nhưng có lẽ điều đó sẽ là quá xa vời khi giờ đây cha mẹ của Thức đã mất và Thức đang sống bên sự giúp đỡ của anh chị mình, nhưng sức khỏe của anh chị càng ngày càng yếu đi. Trong ánh mắt các em học sinh, Ban Tổ chức đã nhìn thấy dường như các em muốn hỏi: Cuộc đời anh Thức rồi sẽ đi về đâu???”.

 Kết thúc Trại hè, Ban Tổ chức đã trao 40 giải cho nhiều nội dung thi, ngoài ra Ban Tổ chức đã trao 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích toàn đoàn cho các đơn vị: Chơ Chun, La Dêê, Chà Vàl, Đắc Pring và Zuôih.

Tác giả: Thế Anh - Y Thơm

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết