Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý, đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp giáo dục ở Nam Giang

Ngày Nhà Giáo Việt Nam năm nay đến cùng thời gian cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vừa tổng kết 10 năm, thực hiện chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2014 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" (NG&CBQLGD)

     Ở Nam Giang, hơn 10 năm triển khai, các cấp ủy, chính quyền, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị đạt nhiều kết quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đội ngũ NG&CBQLGD đối với ngành giáo dục và xã hội được nâng cao. Tổ chức đảng trong các cơ sở giáo dục được củng cố, kiện toàn và phát triển. Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng và phát huy năng lực đội ngũ NG&CBQLGD được quan tâm, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa và nâng chuẩn, chú trọng phát triển lực lượng giáo viên, trong đó có giáo viên người dân tộc thiểu số và cán bộ trẻ có năng lực. Trình độ chuyên môn, chính trị, trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy mới; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Bước đầu thực hiện bổ nhiệm CBQL trường học theo quy trình chặt chẽ, mang lại kết quả tích cực. Huyện và các địa phương nỗ lực đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, bổ sung trang thiết bị phục vụ quản lý, dạy học. Đội ngũ NG&CBQLGD của huyện cơ bản đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng các mặt được nâng lên rõ rệt so với trước khi có Chỉ thị, góp phần quan trọng vào phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

     Trong 10 năm qua, đội ngũ nhà giáo phổ thông - mầm non của huyện được bổ sung thường xuyên, nâng tổng số lên gần 400 người. Cụ thể: Giáo viên Mầm non: 105 người; tỉ lệ giáo viên/lớp: 1,25 (Định mức trung bình khoảng 02 giáo viên/1 lớp/25-30 cháu bán trú và 01 giáo viên/1 lớp không bán trú). Giáo viên Tiểu học: 197 người; tỉ lệ giáo viên/lớp: 1,30 (Định mức 1,5 giáo viên/1lớp 2 buổi/ngày và 01 giáo viên/1 lớp học 1 buổi/ngày). Giáo viên THCS: 99 người; tỉ lệ giáo viên/lớp: 2,06 (Định mức 1,90/1 lớp). Giáo viên THPT: 60 người; tỉ lệ giáo viên/ lớp: 2,2 (Định mức 2,25 giáo viên/1 lớp). Nếu so sánh với định mức ở Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV thì toàn huyện còn thiếu trên 60 biên chế giáo viên các cấp học.

     Đội ngũ nhà giáo các cấp đảm bảo cơ cấu bộ môn, độ tuổi theo quy định; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo được đảm bảo, trong 10 năm qua, ở các bậc học, cấp học tỉ lệ đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống được tập thể đánh giá xếp loại hàng năm, loại tốt đạt từ 85 - 90%, khá 10 - 15%, loại trung bình chiếm dưới 0,5%.

     Trình độ đào tạo được nâng lên rõ rệt; giáo viên mầm non 96% đạt chuẩn, trên chuẩn  4%;  giáo viên tiểu học 80% đạt chuẩn, 16,7% trên chuẩn; giáo viên THCS 85%  đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 10%, giáo viên THPT 100% đạt chuẩn; số giáo viên chưa đạt chuẩn đang được vận động đi đào tạo để đạt chuẩn hoặc chuyển sang làm công tác khác phù hợp với năng lực và nguyện vọng khoảng 0,5%.

     Về năng lực sư phạm; hầu hết nhà giáo đều đạt yêu cầu trở lên, số giáo viên đạt loại giỏi khoảng 20%, khá 69%, trung bình gần 11%, không có giáo viên yếu kém. Hai giáo viên tiểu học là Phạm Thị Hải Yến và Khương Bùi Hải Yến được Bộ GD&ĐT công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Hàng năm, tỉ lệ nhà giáo được tham dự bồi dưỡng chương trình thay sách giáo khoa phổ thông đạt từ 96 - 98%; hầu hết được cập nhật kiến thức ngoại ngữ, tin học phục vụ giảng dạy, quản lý.

     Toàn ngành, có trên 300 lượt chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi, lao động tiên tiến; hai nhà giáo Phạm Thị Hải Yến và Khương Bùi Hải Yến được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia; trên 169 sáng kiến kinh nghiệm của nhà giáo đạt giải ở các cấp; trong đó, cấp tỉnh 05, cấp huyện 164; sáng kiến kinh nghiệm của cô Mai Thị Kiên, được trao giải A cấp tỉnh;  ngoài ra, có nhiều nhà giáo vinh dự được nhận bằng khen, giấy khen các cấp hàng năm.

     Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp hiện có 65 người; so với năm 2004 tăng 12 người.Trình độ lý luận chính trị được nâng lên có 5 cử nhân, cao cấp, 35 trung cấp, số còn lại đang theo học lớp trung cấp lý luận chính trị. Năng lực của hầu hết CBQLGD đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;tất cả CBQLGD được đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước, quản lý giáo dục, trong đó 65 có chứng chỉ nghiệp vụ quản lý. Hầu hết đội ngũ CBQLGD các cấp đảm bảo phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, trình độ quản lý giáo dục, đa số được đào tạo lý luận chính trị.

     Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Tỉnh ủy, toàn huyện cử tuyển được 73 con em người dân tộc thiểu số vào học ngành sư phạm, trong đó đại học 24, cao đẳng 49. Tuy nhiên, đến nay, mới tuyển dụng được hơn 50 sinh viên tốt nghiệp, ra trường vào ngành giáo dục.

     Các chế độ, chính sách đối với NG&CBQLGD được thực hiện cơ bản đầy đủ, đúng và kịp thời, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và dạy học.Ngoài chế độ, chính sách chung của Nhà nước quy định, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách đối với cán bộ, giáo viên ở đồng bằng lên công tác ở miền núi và cán bộ giáo viên từ miền núi về đồng bằng (Nghị quyết 146/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 42/QĐ-UBND của UBND tỉnh); chính sách đối với giáo viên mầm non trong thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập (Nghị quyết 159/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh).Nghị quyết 146/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ra đời đã cơ bản giải quyết được sự tồn đọng của đông đảo CB,GV công tác lâu năm ở các huyện miền núi chưa được chuyển về đồng bằng. Trong 4 năm (2011 - 2014), toàn huyện Nam Giang xét, đồng ý cho luân chuyển về các huyện, thành phố đồng bằng 77 trường hợp; chưa kể số lượng giáo viên luân chuyển của các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT.

     Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm chú trọng, ngoài việc quán triệt những quan điểm của Đảng về phát triển GD&ĐT thì công tác theo dỏi, giới thiệu quần chúng ưu tú để đề nghị bồi dưỡng kết nạp Đảng luôn được quan tâm. Với sự nhận thức đúng đắn và theo yêu cầu cao của Huyện uỷ, các cấp uỷ đảng đã có nhiều cố gắng trong công tác phát triển Đảng. Đến nay toàn ngành giáo dục có 27/ 27 cơ sở trường học, đơn vị giáo dục có đảng viên, trong đó có 16 chi bộ sinh hoạt độc lập, đảng viên các đơn vị còn lại sinh hoạt ghép tại các chi bộ nói trên, với tổng số Đảng viên là 205 đồng chí, chiếm tỷ lệ 42% tổng số CCVC toàn ngành.

     Các chi bộ trường học luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các đơn vị trường học theo các quy định của Ban Bí thư. Thực hiện khá tốt Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên trong các trường học”. Có 75 - 85% chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm.

     Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc nâng cao chất lượng NG&CBQLGD ở huyện còn những bất cập, hạn chế do chưa thực hiện triệt để việc phân cấp quản lý nên chưa phát huy được vai trò, vị trí của phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THCS, Tiểu học, Mầm non trong các hoạt động tự chủ, nhất là tự chủ tài chính, nhân sự và thanh tra hành chính; chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút đội ngũ NG&CBQLGD gắn bó lâu dài với sự nghiệp GD&ĐT tại địa phương; bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn; việc nhận xét, đánh giá cán bộ, giáo viên đôi lúc, đôi nơi chưa phản ánh đúng thực chất; nội dung đánh giá chưa cụ thể, chưa sát nhiệm vụ được giao, chưa kịp thời động viên, phát huy người tốt, người giỏi, chấn chỉnh các vi phạm, khuyết điểm. Hiện nay, còn có điểm chưa thống nhất trong văn bản hướng dẫn thực hiện về nhận xét, đánh giá phân loại NG&CBQLGD theo Luật Công chức, viên chức với đánh giá NG&CBQLGD theo quy định Chuẩn nghiệp vụ viên chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành; hầu hết các trường THCS chưa bố trí được giáo viên làm công tác thiết bị - thí nghiệm. Có đơn vị trường học, CBQL chưa phải là đảng viên nên việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng gặp khó khăn nhất định. Công tác quy hoạch CBQLGD ở một vài đơn vị chưa được quan tâm thực hiện theo quy định, có trường hợp CBQLGD sau khi bổ nhiệm không phát huy tác dụng. Đội ngũ giáo viên có nơi thiếu, nơi thừa nhưng chưa điều hòa được; nhiều địa phương, số lượng học sinh ít nhưng cư trú dàn trải ở nhiều thôn, bản nên nhu cầu giáo viên nhiều hơn định mức biên chế được giao dẫn đến thiếu kinh phí hợp đồng giảng dạy; một số vị trí việc làm cần thiết theo điều lệ trường học nhưng chưa được bổ sung định biên như: Văn thư, thủ quỹ, thư viện, y tế, cấp dưỡng, thiết bị. Công tác nghiên cứu khoa học ở nhiều đơn vị còn rất hạn chế, số đề tài, số người nghiên cứu, kết quả đạt được còn ít, chất lượng, việc phổ biến và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm nhìn chung còn yếu. Một bộ phận nhà giáo, nhất là giáo viên hệ cử tuyển chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục, ít nghiên cứu, cập nhật, tích lũy kiến thức, vẫn còn dạy học theo lối truyền thụ một chiều, áp đặt, ít sử dụng thiết bị và ít làm thí nghiệm thực hành; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn hạn chế; chế độ, chính sách đối với đội ngũ NG&CBQLGD có điểm chưa thoả đáng, bất hợp lý so với nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Chế độ thâm niên chỉ áp dụng cho viên chức đang trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục công lập; số cán bộ, công chức ở Phòng Giáo dục và Đào tạo không được hưởng chế độ này nên việc điều động, luân chuyển viên chức từ các đơn vị sự nghiệp giáo dục về công tác tại các cơ quan quản lý ngành gặp nhiều khó khăn, không thu hút được người giỏi về làm công tác quản lý; phụ cấp trách nhiệm đối với NG&CBQLGD các trường PTDTBT cấp tiểu học không có; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, nhà công vụ giáo viên, nhà ở và các công trình phụ trợ của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thốn, bất cập, nên chưa tạo điều kiện thật tốt để đội ngũ NG&CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục và dạy học. Đời sống của không ít viên chức còn gặp khó khăn, nhất là đối với nhà giáo trẻ trước yêu cầu đào tạo nâng cao trình độ.

     Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra nhằm tiếp tục nâng cao chất lương NG&CBQLGD của huyện Nam Giang từ đây đến năm 2020, chủ yếu tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, viên chức đạt chuẩn về trình độ, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống mẫu mực, tâm huyết với nghề, đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, làm trụ cột thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hướng tới sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

     Phấn đấu đạt và vượt các tiêu chí về phẩm chất đạo đức, lối sống 100%  giáo viên đạt chuẩn; về chính trị, cán bộ quản lý của toàn ngành phải qua đào tạo 5% cao cấp, 70 % trung cấp, 25% sơ cấp; đối với đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng chính trị hè hằng năm đạt 100 %.

     Về chuyên môn, đội ngũ giáo viên từ Mầm non đến THPT phải đạt 100% chuẩn về kiến thức và kỹ năng sư phạm. Trong đó, giáo viên Tiểu học người dân tộc thiểu số chiếm 40 %; THCS 30 %; THPT 50%. Phấn đấu đủ số lượng giáo viên theo quy định để chấm dứt tình trạng giáo viên dạy thay, dạy thế nhiều bộ môn trái với chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.

     Giáo viên dạy giỏi: Phấn đấu và duy trì số lượng giáo viên dạy giỏi cấp trường hằng năm từ 50- 70%, dạy giỏi cấp huyện từ 25- 30%, dạy giỏi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước từ 20 đến 50%.

     Công tác phát triển Đảng trong trường học: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 34- CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII)  về tăng cường công tác tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển Đảng viên trong các trường học. Từ nay đến năm 2020  nâng tỷ lệ Đảng viên lên trên 30 % trong toàn ngành.

        Đạt 100% cán bộ quản lý, hiệu trưởng, hiệu phó là Đảng viên. Phấn đấu xây dựng 100% cơ sở giáo dục, trường học có chi bộ Đảng sinh hoạt độc lập.

     Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, lạc quan từ những kết quả về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLGD của huyện Nam Giang trong 10 năm qua; thiết nghĩ, trong thời gian đến với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, sự đồng thuận của toàn xã hội và với nỗ lực, phấn đấu của mỗi NG&CBQLGD, sự nghiệp GD&ĐT của địa phương sẽ không ngừng phát triển, vươn lên./. 

Nguồn tin: namgiang.edu.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết