Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Ngược dòng A Mó

Đặt chân đến dòng sông A Mó, xã La Dê, huyện Nam Giang với một bên là đồi núi điệp trùng xanh ngát và một bên là những bãi đá bồi - nước hòa quyện cùng làn nước trong xanh. Dòng sông ấy được người dân ở đây đặt cho cái tên vô cùng thân thương- dòng sông A Mó. Với tên gọi này chắc chắn sẽ là một câu chuyện dài cho một con sông mà ngoài những người trong làng ít ai biết tới. Già làng Brao Nghiêm, xã La Dê cho biết: “Dòng sông A Mó bắt nguồn từ Đắc Nú giáp ranh giữa Lào và xã La Dê, bởi có tên dòng Sông A Mó là ngày xưa nơi dây có một cô con gái rất đẹp tên là Tru, vì cô nàng quá xinh đẹp, một vẻ đẹp vẹn toàn khiến cho người mẹ phải nhốt con mình trong nhà đề phòng những điều không hay xảy ra. Thế nhưng, vì không thể chịu được cảnh giam mình trong căn nhà kín bưng như vậy mãi, nàng đã khẩn xin mẹ mình cho đi cùng lên nương. Và một lần nọ, người mẹ đã đưa con theo. Lên nương, người mẹ để con gái ngồi trong một bóng cây ven rẫy rồi cứ khoảng 15 phút lại gọi tên con. Tiếng cô nàng vang lên khi trả lời mẹ đã bị thần nước nghe thấy và ông đã khoét ống nước đến tận nơi cô nàng ngồi rồi đưa cô đi. Hai người đã đến với nhau bằng một đám cưới linh đình. Sau một năm họ trở về thăm  nhà mẹ cô gái với 4 đứa con bụ bẩm. Hai vợ chồng để con ở nhà lên nương và dặn người mẹ khi nào các con nàng khóc hãy đổ nước vào thùng cho các con tắm. Người mẹ đã đổ nước vào thùng cho cháu ngoại tắm nhưng lạ thay khi 4 đứa bé vào trong thùng nước thì lại biến thành 4 con rắn. Hoảng sợ, bà đã nấu nước sôi đổ vào. Kì lạ hơn nữa là khi đổ nước sôi vào thì 4 con rắn lại biến thành 4 đứa trẻ. Và vô tình các  cháu của bà đã không ai còn sống. Hai vợ chồng Tru trở  về thì nhìn thấy các con đã chết, thần nước tức giận  hô mưa, gọi gió ngập hết cả bản làng. Dân làng phải lấy nhựa của ong ruồi nặn thành hình hai vợ chồngTru, tìm một con gà trắng bạch cắt cổ và  nhảy tung tung za zá. Khi đó, nước mới cạn, dần trả về sự yên bình cho thôn bản. Hai vợ chồng Tru cũng biến mất theo con nước rút và không quay trở lại nữa. Quá đau buồn và tiếc thương cho con gái mình, ngày ngày người mẹ đã ra bờ sông khóc than thảm thiết và không ngớt gọi con Mó ơi, Mó ơi ( mó là tiếng gọi bằng tất cả tình yêu thương trìu mến mà người Cơ Tu dành cho con của mình). Và kể từ đó, người dân đã đặt cho dòng sông cái tên rất đỗi thân thương-dòng sông A Mó”.

Dòng sông đã gắn bó không tách rời với cuộc sống của người dân nơi đây. Đến đây vào thời điểm nào cũng dễ dàng nhận thấy cảnh người dân đang bắt cá. Điều đáng chú ý là họ chỉ sử dụng những dụng cụ bắt cá thô sơ như lưới, nơm,… mà không hề dùng đến bình châm điện để bảo đảm an toàn cho hệ sinh thái mà dòng sông đang có. Họ cũng luôn nghĩ cho lợi ích hằng ngày mà dòng sông đem lại cho con người nơi đây. Chỉ một lúc thả lưới thôi đã có những mẻ cá tươi ngon, cùng nhau sưởi ấm, rồi nướng cá trên đống lửa ven sông và thưởng thức món cá Niêng thơm khó cưỡng.

Dòng sông không chỉ mang lại cho con người nơi đây nguồn thực phẩm dồi dào mà còn là nơi nuôi giấu những kỉ niệm gắn bó giữa con người với dòng sông. Tiếng nói cười rộn rã mỗi khi đi bắt cá, trẻ nhỏ ríu rít đắm mình trong làn nước xanh trong. Cứ như thế, dòng sông nuôi lớn từng con người trong bản, bản làng lại bảo vệ sự hiền hòa và vẻ đẹp thuần khiết của dòng sông.

Không chỉ đem lại nguồn thực phẩm cá tôm cải thiện từng bữa ăn của người dân, dòng sông còn cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng. Với làn nước trong xanh mát rượi núp dưới tán cây ven rừng, dòng sông là nơi bà con thả mình tắm mát sau những ngày làm việc mệt mỏi, là nơi giặt giũ của đại đa số bà con nơi đây. Vào mùa mưa lũ dòng sông mang một màu vàng đục chở theo phù sa chia nhỏ cho những cánh đồng lúa ven sông. Hằng năm men theo sự bồi đắp mới của phù sa mà người dân đã khai thác thêm những thửa ruộng mới,  dựa theo lượng phù sa bồi đắp mà một xã miền núi biên giới này đã tự trồng ra lúa nước cung cấp cho chính đời sống của mình. Làng có hệ thống kênh mương nối dài  dẫn nước từ dòng sông về các cánh đồng lúa. Nhờ vậy, lúa nước được tưới tiêu quanh năm. Ngay cả những ngày hạn hán khô cằn nhất thì những cánh đồng vẫn vươn lên xanh mướt tốt tươi.

Có công trình dẫn nước, xã tiếp tục đầu tư cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích, chia đều cho hộ gia đình, bình quân mỗi hộ từ hai đến ba sào, tùy theo số nhân khẩu để gieo cấy lúa hai vụ/năm. Có lúa  nên bà con quyết tâm làm sao cho lúa tốt hơn, ăn được no hơn để xây dựng buôn làng. Có ruộng lúa là đã có cái ăn tại chỗ, bà con yên tâm tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng khác. Hiện nay, hộ có ít nhất cũng có từ ba đến năm sào đất, nhiều thì từ năm đến mười ha trồng bắp, sắn và hoa màu. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân năm sau đều cao hơn năm trước. Số hộ nghèo trong buôn đã giảm đi nhiều so với năm năm trước đây.

Sau những ngày được bồi đắp bằng phù sa và nguồn nước dồi dào từ dòng sông A Mó, những cây lúa xanh tốt đã cho ra những hạt gạo trắng ngần, thơm dẻo. Những hạt gạo thơm dẻo ấy được chính những bàn tay cần mẫn của bà con nơi đây nhịp nhàng bên chiếc cối gỗ. Ngày nay, cho dù những chiếc máy xay gạo đã mọc lên nhiều nhưng hạt gạo được giã ra từ những chiếc cối này vẫn mang lại độ thơm ngon nhất. Vì vậy, cái cối là một vật dụng rất thân thiết đối với tất cả mọi người. Các bà, các mẹ, các chị hay những em gái nhỏ đều có thể  giã gạo và trò chuyện cùng nhau cho cơn mệt vơi đi, lại có thể vừa địu con trên lưng vừa giã gạo. Những thói quen làm việc cộng đồng ấy luôn gắn bó với họ bên những công việc hằng ngày: cùng nhau lên nương, cùng nhau ngược dòng A Mó tìm tôm cá,… tíu tít tiếng nói cười. Có thể thấy rằng, dòng sông không những góp phần mang lại giá trị kinh tế to lớn mà còn gắn liền với nét đẹp văn hóa không thể nào phai mờ trong tiềm thức của người dân nơi đây. Dòng A Mó đem lại phù sa, tưới tiêu vụ mùa, những cánh đồng cho ra những hạt thóc căng tràn sức sống, và bà con đã luôn  giữ được nét đẹp văn hóa “giã gạo” để đem lại những hạt gạo dẻo thơm nuôi sống mỗi con người, nuôi dưỡng đời sống tinh thần trong cộng đồng thôn bản.

Trở lại với nhân vật chính của lịch sử hình thành dòng sông A Mó. Cô gái xinh đẹp đã đến tuổi lấy chồng ấy không chỉ có một sắc đẹp tuyệt mỹ mà cô còn là người phụ nữ giỏi giang khi tự tay dệt ra những tấm thổ cẩm với mọi hoa văn tinh xảo. Và đó cũng là tiêu chí để đánh giá sự giỏi giang của một người con gái Cơ Tu, là thước đo giá trị tinh thần mà mỗi người con gái Cơ Tu tự phấn đấu. Chính vì vậy không một cô gái nào trong làng khi lớn lên mà không biết đến nghề dệt thổ cẩm. Mới chỉ 15 tuổi, các cô gái đã học được kỹ thuật dệt vải truyền thống từ bà và mẹ nên họ không khó để thành thạo các ngón nghề, thực hiện được những hoa văn tinh tế trên trang phục của dân tộc mình. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó từ việc nhuộm sợi, chiết suất màu, cách dàn cườm đến tạo ra sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp, cần đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Họ tự  tay  dệt nên những tấm thổ cẩm riêng cho bộ trang phục truyền thống của mình. Các cô gái khoe sắc thổ cẩm trong các lễ hội, hay khi chuẩn bị lấy chồng họ khoác lên mình bộ trang phục truyền thống lộng lẫy nhất cùng nhau lưu lại những tấm ảnh cưới thật đẹp bên bờ dòng sông A Mó, bên vẻ đẹp hoang sơ, hiền hòa của dòng sông, tin vào sự chung thủy dành cho nhau như tình yêu của thần nước dành cho người con gái của mình. Một sự liên kết khó tách rời giữa dòng A Mó với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào nơi đây. Cùng một thời điểm trong ngày, ngoài thời gian lên nương, làm ruộng thì đàn ông có thể bắt cá trên sông, phụ nữ người thì giã gạo, người thì dệt thổ cẩm bên khung cửi.

Có thể thấy những nét đẹp văn hóa cộng đồng quanh dòng A Mó đã làm cho đời sống đồng bào thêm đậm đà bản sắc- tạo nên một vẻ đẹp rất riêng nơi có dòng sông đi qua. Một trong những nét đẹp đó không thể thiếu tục nói lý, hát lý. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian thổi hồn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Ví như chuẩn bị cho lễ hội mừng lúa mới, họ nói lí, hát lí với lời cảm ơn thần linh, cảm ơn dòng sông A Mó đã đem phù sa, đem nước tưới tiêu cho vụ mùa thắng hạt, đem cá tôm cho đời sống buôn làng, họ bày tỏ thái độ yêu quí nâng niu dòng sông như chính những đứa con của mình. Dòng sông A Mó còn vào cả lời hát lí nhằm bày tỏ nỗi niềm mong nhớ người đi xa quê của một ai đó. Mong họ nhớ về dòng sông như nhớ về buôn làng với những kí ức đẹp nhằm thôi thúc họ mau trở về. Nếu như những miền quê khác có cây đa, giếng nước, sân đình thì cộng đồng La Dê lại có dòng sông A Mó- là linh hồn chở che bao bọc buôn làng.

Nói lý, hát lý chính là một nét đẹp văn hóa giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo dựng niềm tin trong lòng đồng bào hướng đến những điều tốt đẹp. Chính điều này làm cho nói lý, hát lý mang tính nhân văn sâu sắc, là nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo bên dòng sông A Mó có một không hai mà đồng bào dân tộc Cơ Tu vô cùng tự hào và luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn.

Khi có được những vụ mùa nặng hạt đồng bào Cơ tu tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Lễ hội mang nhiều ý nghĩa sâu sắc để cảm tạ thần linh của đất trời đã cho thời tiết thuận hòa, cảm tạ thần linh của sông núi trong đó có thần sông A Mó đã ban cho nguồn phù sa cùng dòng nước mát tưới tiêu cho vụ mùa. Trong không khí ngày hội ấy không thể thiếu điệu múa tung tung za zá. Đây là điệu múa gắn liền với không chỉ lễ hội mừng lúa mới mà trong các lễ hội đâm trâu, mừng năm mới, khánh thành Gươl… và trong cả đời sống sinh hoạt, lễ nghi của đồng bào Cơtu nơi đây. Không có một người Cơtu nào xa lạ với vũ điệu này vì nó đã tồn tại và thấm sâu vào tiềm thức của đồng bào. Đây là một nét văn hóa khác biệt giữa dân tộc Cơtu với các dân tộc anh em khác.

Ngược dòng A Mó tìm về nét đẹp hoang sơ, huyền bí của thiên nhiên hùng vĩ dưới những rặng đồi men theo dòng chảy con sông. Tìm về với truyền thuyết của dòng sông, với nét đẹp văn hóa mang đậm nét truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người La Dê cần cù chất phác. Hẹn một ngày gặp lại với sự đổi thay khởi sắc của buôn làng cùng nhịp chảy hiền hòa, đều đặn xanh mát một dòng sông.

Tác giả: Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết