Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Chặng đường 10 năm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điều đó, thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta về chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, khẳng định mối quan hệ mật thiết hữu cơ giữa các vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn; trong đó, nông dân giữ vị trí trung tâm, làm hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Để cụ thể hóa chủ trương đó thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 42-CT/HU, ngày 25/11/2008 về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 07/12/2011 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2011-2015; Thông tri 03-TT/HU, ngày 30/7/2013 về tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 06-NQ/HU, ngày 28/10/2016 về đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới… và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khác thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, trên cơ sở thu hút, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ trung ương, tỉnh gắn với khai thác hợp lý các tiềm năng, nội lực tại địa phương; đến nay, nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển đáng kể, đời sống người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cụ thể đó là:

Kinh tế nông nghiệp có bước tăng trưởng khá, bình quân tăng từ 6-8%/năm. Tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 172,4 tỷ đồng, tăng 5,35 lần so với năm 2008; tổng diện tích đất gieo trồng đạt 6.058 ha, tăng hơn 60ha so với năm 2008; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 6.848 tấn, tăng 850 tấn so với năm 2008; 100% diện tích lúa nước đưa vào sản xuất 02 vụ/năm với sản lượng bình quân 32,4 tạ/ha. Đàn gia cầm tăng hơn 74,1% so với năm 2008; tỷ lệ chăn nuôi có chuồng trại đạt 73,2%. Đến nay, toàn huyện đã trồng trên 1.330 ha cao su đại điền, trong đó, đã đưa vào khai thác hơn 640ha; hằng năm duy trì trồng 200ha diện tích rừng phân tán trong nhân dân, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,8%; thực hiện khoán quản lý bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 58.890ha/202 nhóm hộ, qua đó tạo thu nhập, gắn kết lợi ích của người dân vào diện tích rừng, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép tại địa phương.

Đời sống nông dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2017 đạt 15,6 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2008– 2017, tỷ lệ giảm nghèo bình quân toàn huyện đạt 4-5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn 47,24% (theo chuẩn đa chiều); đã hỗ trợ xây dựng được 510 căn nhà cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; xóa 82% nhà tạm cho người dân; ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay hơn 129,7 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đến nay, có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 16,61%, giảm 7,52% so với năm 2008; có 63% người dân được sử dụng nước sinh hoạt từ các chương trình nước sạch nông thôn; 92% dân số đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% các xã, thị trấn đã được phủ sóng internet, truyền thanh – truyền hình về đến thôn. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo, góp phần ổn định đời sống người dân.

Bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2008-2017, huyện đã chi ngân sách trên 996,6 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; trong đó, tập trung vào đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tính đến cuối năm 2017, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 9,8 tiêu chí nông thôn mới, tăng 7,8 tiêu chí so với năm 2010; xã Tà Bhing đạt cao nhất là 15 tiêu chí, không có xã dưới 05 tiêu chí. Toàn huyện có 70% tuyến đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa; 80% diện tích đất sản xuất được chủ động nước tưới; có 11/12 trụ sở làm việc của xã, thị trấn được xây mới theo quy hoạch nông thôn mới; có 11/26 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 42,36%; có 11 trạm y tế được đầu tư xây mới, 5/12 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 41,6% và nhiều cơ sở hạ tầng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao… được đầu tư, mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định các nhiệm vụ đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới đó là “đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và công tác giảm nghèo nhanh, bền vững…” Điều này đã tiếp tục khẳng định các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn luôn là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trên lĩnh vực này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; trong đó cần chú trọng vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra gắn với vận động nâng cao ý thức tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy (khóa XVIII) nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng chăn nuôi; bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu theo tinh thần Nghị quyết 202/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư và nhân rộng các mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành nghề nông thôn.

- Tiếp tục phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện ủy (khóa XIX) về phát triển du lịch; Nghị quyết 09-NQ/HU của Huyện ủy (khóa XIX) về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Duy trì, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch dựa vào cộng đồng. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường liên kết giữa nhà nông–doanh nghiệp–nhà nước trong sản xuất, khai thác, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập và tổ chức hiệu quả các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất tại các địa phương.

 - Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các dịch vụ văn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tinh thần người dân. Chú trọng thực hiện xã hội hóa về giáo dục, y tế; phát triển rộng rãi các phong trào thể dục, thể thao trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; xây dựng môi trường xã hội văn minh, tiến bộ.

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân. Tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi của Trung ương, tỉnh, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Phát huy nội lực của người dân; mở rộng các chính sách tín dụng; giải quyết kịp thời các tranh chấp, vướng mắc phát sinh trong sản xuất ngay từ cơ sở, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Tác giả: Thị An

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết