Chiều 24.7, Lễ hội VH-TT các huyện miền núi lần thứ XIX năm 2018 đã được bế mạc tại Nhà thi đấu thể thao huyện Nam Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban tổ chức lễ hội đến dự. Diễn ra từ ngày 21 đến 24.7, đây được xem là sự kiện VH-TT quan trọng của 9 huyện miền núi của tỉnh, thu hút sự tham gia của hơn 1.500 diễn viên, vận động viên quần chúng và lực lượng vũ trang. Nội dung lễ hội bao gồm: trưng bày, triển lãm, biểu diễn trống chiêng và trang phục truyền thống, nghi thức, ẩm thực truyền thống và hội diễn nghệ thuật quần chúng; thi đấu thể thao ở các môn như bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, bắn ná, kéo co, chạy việt dã leo núi...
Sáng 24.7, 3 trận chung kết cuối cùng của lễ hội đã diễn ra khá hấp dẫn. Góp mặt ở cả 3 trận chung kết song Nam Giang chỉ thành công và giành huy chương vàng ở 2 môn là bóng đá nam và bóng chuyền nam. Trận chung kết còn lại, các cô gái bóng chuyền Nam Giang thất bại trước Tiên Phước. Sau hơn 1 tuần tranh tài, với tổng số điểm 1.540, đoàn Nam Giang giành ngôi nhất toàn đoàn. Đoàn Phước Sơn xếp thứ nhì với 915 điểm và Tiên Phước thứ ba với 900 điểm.
Dịp này, Ban tổ chức lễ hội cũng đã trao cờ đăng cai Lễ hội VH-TT các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XX cho huyện Phước Sơn, tổ chức vào năm 2022.
|
Những chàng trai, cô gái Cơ Tu huyện Nam Giang vui đón khách trong ngày hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
1. Những ngày qua, Nam Giang chào đón hơn 1.500 người anh em đến từ các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức,… hội ngộ trong ngày hội văn hóa cộng đồng vùng cao. Họ mang đến những tài năng và sản vật của vùng, góp thêm vào ngày hội chung sắc màu tươi mới và độc đáo. Nhiều vận động viên của các đoàn, khi nói về ngày hội, về sự đón tiếp nồng hậu của chủ nhà Nam Giang, đều bày tỏ tình cảm khá đặc biệt. Suốt những ngày có mặt lễ hội, không ít lần chúng tôi chứng kiến chủ nhà Nam Giang “nhường sân” cho khách, từ bố trí không gian ưu tiên để trưng bày triển lãm văn hóa ẩm thực, cho đến hỗ trợ sân khấu chạy chương trình nghệ thuật và nhiều hoạt động liên quan khác. Chưa kể, đội tình nguyện viên luôn có mặt tại các điểm thi đấu, cùng hướng dẫn, hỗ trợ mọi thông tin cho khách khi họ có nhu cầu. Anh Alăng Trượp - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang chia sẻ, xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội, hơn 300 đoàn viên thanh niên đến từ các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đã làm tốt nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn tham gia. Sự nhiệt tình và phục vụ có trách nhiệm của các bạn trẻ đã góp thêm vào thành công chung của lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Giang. Buổi tối, cứ sau mỗi chương trình nghệ thuật, trình diễn văn hóa, trang phục truyền thống kết thúc, những thành viên của đội tình nguyện Nam Giang làm sạch vệ sinh môi trường tại khu tổ hợp sân vận động của huyện. Có hôm, phải đến tận khuya, các thành viên của đội mới được nghỉ, rồi sáng sớm đã lại làm nhiệm vụ phục vụ lễ hội. Nhiều thành viên nói đùa rằng, ai trong số họ cũng chỉ được phục vụ một lần trong đời cho công việc tình nguyện tại lễ hội miền núi ở địa phương. Bởi phải đến… 36 năm sau, Nam Giang mới “giáp vòng” cơ hội đăng cai lần nữa, vì kỳ lễ hội diễn ra theo định kỳ 4 năm một lần tại 9 huyện miền núi.
2. Buổi sáng cuối cùng ở lại Nam Giang, nhiều vận động viên các huyện miền núi tranh thủ tham quan thị trấn Thạnh Mỹ, trước khi cùng đoàn ra về, chào tạm biệt vùng đất này. Dù không quen biết nhau, nhưng trên gương mặt của người dân Nam Giang đều nở nụ cười tươi chào đón những vị khách của mình. Tại một quán bánh mì ven đường Hồ Chí Minh, chủ quán vừa bán bánh mỳ cho khách, vừa hỏi thăm tình hình về các môn thi đấu của các đoàn khiến nhiều người cảm thấy thích thú. Trước đó, tại không gian trình diễn ẩm thực truyền thống, rất nhiều người dân địa phương, du khách và vận động viên các đoàn đã cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, truyền thống của các dân tộc anh em ở 9 huyện miền núi. Tiếng trống, nhịp chiêng vang lên, rộn rã như thắt chặt những con người miền núi gần nhau hơn trong ngày hội chung này.
Và hơn thế nữa, lần đầu tiên một kỳ lễ hội miền núi Quảng Nam có sự tham gia của những người bạn ngoại quốc, từ phía bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ. Họ là những cư dân của Lào, trong đội nghệ thuật quần chúng huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông), được mời đến tham gia giao lưu chung vui với ngày hội. Chăn Phêng, một thành viên của đội nghệ thuật quần chúng huyện Đắc Chưng tâm sự, lần đầu tiên sang Việt Nam nhưng chị cảm thấy khá thoải mái. Bởi khi đến đây, chị và các thành viên trong đoàn đều được đón tiếp rất chu đáo, từ chỗ ăn nghỉ đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật. “Tôi rất thích nơi này, thích trang phục và các điệu múa truyền thống của các bạn” - Chăn Phêng nói. Ít phút sau, đến lượt biểu diễn giao lưu của đoàn nghệ thuật của Chăn Phêng, khi những cô gái Lào xuất hiện với điệu múa lăm vông quyến rũ, những tràng vỗ tay cứ thế dài theo câu hát…