Đ/c A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được thông tin về hiện trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả tại Việt Nam và khu vực Tây Nguyên; định hướng quy hoạch vùng trồng tập trung và vùng trồng mới tiềm năng các loại cây mít, bơ và sầu riêng trên địa bàn huyện.
Nam Giang là một huyện nghèo, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; diện tích đất tự nhiên 184.659,54 ha trong đó hơn 90% là đồi núi. Đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao với hơn 47%, kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng và sản xuất nương rẫy, thu nhập mang lại thấp do cơ cấu cây trồng vẫn xoay quanh các loài cây truyền thống như lúa, ngô, đậu các loại… có giá trị kinh tế không cao.
Hội thảo cũng đã tập trung đánh giá những hạn chế, khó khăn, xác định mục tiêu, giải pháp phát triển một số cây ăn quả như: Mít, bơ và sầu riêng, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc; thực hiện toàn diện các giải pháp về giống chất lượng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến; liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã tạo ra chuỗi giá trị… Với mục tiêu là tạo ra sản phẩm có uy tín, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát biểu tại hội thảo, Ông A Lăng Mai-Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả đã và đang là xu thế của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây nói chung, Mít, bơ, sầu riêng, nói riêng theo hướng bền vững. Tích cực chọn giống tốt, có năng suất cao; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái tại vườn cho các hộ nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.