Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Dự án phát triển vùng huyện Nam Giang: Hướng đến cuộc sống cộng đồng

Thông qua các hoạt động bảo trợ lồng ghép về y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng cuộc sống, Dự án phát triển vùng huyện Nam Giang do tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ đã và đang thực hiện có hiệu quả ở Tà Pơơ, Chà Vàl, Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ.


Vì trẻ em vùng cao

Kể từ khi công trình xây dựng tường rào tại điểm trường thôn Hoa thuộc Trường Mẫu giáo Thạnh Mỹ được đầu tư, nhiều giáo viên và người dân địa phương đã an tâm đưa con em đến trường học tập. Điểm trường này nằm sát quốc lộ 14B nhưng lại thiếu hệ thống tường rào nên rất nguy hiểm cho các em học sinh đang học tập tại đây. Theo cô giáo Kring Tơn, do các em rất hiếu động nên cứ mỗi giờ ra chơi các cô giáo của trường phải thường xuyên theo dõi từng em nên rất vất vả. “Kể từ khi hệ tường rào, cổng trường được đầu tư xây dựng kiên cố từ chương trình Dự án phát triển vùng huyện Nam Giang, các em học sinh vui chơi được đảm bảo hơn, phụ huynh và giáo viên của trường cũng an tâm hơn khi các em đến trường học tập” - cô Tơn chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống tường rào, cổng trường, trong năm học 2017 - 2018, Dự án phát triển vùng huyện Nam Giang còn mở rộng phối hợp đầu tư xây dựng nhiều công trình xã hội hóa giáo dục tại các điểm trường trên địa bàn huyện, nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở dạy học đảm bảo an toàn, thân thiện cho trẻ em miền núi. Thông qua các chương trình dự án hỗ trợ dán xốp tường bao quanh cho các điểm trường mầm non, mẫu giáo; nâng cao phương pháp dạy học mới cho giáo viên mầm non, tiểu học và cho ra mắt mô hình thư viện thân thiện… đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng dạy học, vui chơi cho học sinh tại các vùng dự án. Cô giáo Lê Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Zơ Nông (thị trấn Thạnh Mỹ) cho hay, mô hình thư viện thân thiện sau khi được ra mắt đã trở thành điểm đến của rất nhiều học sinh, giáo viên nhà trường, giúp việc đọc sách hàng ngày, cũng như tạo nên không gian mở để các em tìm đến đọc sách. “Nhờ mô hình thư viện thân thiện này mà các em tiếp cận được nhiều thông tin ý nghĩa về cuộc sống xung quanh và nâng cao dần khả năng giao lưu tiếng Việt cho các em học sinh dân tộc thiểu số” - cô Thảo bộc bạch. Ngoài ra, nhiều chương trình hướng về cộng đồng, hỗ trợ kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai… cũng được Dự án phát triển vùng Nam Giang triển khai có hiệu quả trong thời gian qua, giúp các bà mẹ ở địa phương miền núi có thêm phương pháp chăm sóc trẻ em, cách nuôi con khỏe, cũng như nâng cao kiến thức về chế độ dinh dưỡng và cách phòng bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ, nhằm góp phần hạn chế mức thấp nhất tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Ông Văn Bá Tài - Trưởng chương trình Dự án phát triển vùng huyện Nam Giang cho biết, cùng với hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở trường học và thành lập các câu lạc bộ chăm sóc trẻ em, thời gian qua đơn vị còn triển khai các chương trình lồng ghép, hỗ trợ trực tiếp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi. Theo đó, ngoài hỗ trợ hơn 4,7 nghìn gốc chuối cho 30 hộ dân tại các thôn Thành Mỹ 3 (thị trấn Thạnh Mỹ) và thôn Pà Căng (xã Cà Dy), dự án còn triển khai chương trình tập huấn cho 316 gia đình có trẻ em đặc biệt khó khăn về kiến thức và kỹ thuật tạo nguồn thực phẩm tại địa phương, qua đó nhằm giúp cải thiện nguồn thực phẩm bổ sung trong bữa ăn hàng ngày, cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình người dân thuộc vùng dự án. “Trong năm 2017, chúng tôi đã thực hiện 4 nhóm dự án hỗ trợ cộng đồng, liên quan đến giáo dục, y tế, dinh dưỡng và xây dựng năng lực cộng đồng đem lại hiệu quả cho người dân và trẻ em miền núi. Thông qua các dự án này, chúng tôi giúp người dân nâng cao năng lực, tạo điều kiện để phát triển và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi” - ông Tài cho biết thêm.



Chương trình Phát triển vùng huyện Nam Giang hỗ trợ cung cấp con giống cho người dân

Phó Trưởng ban Quản lý chương trình phát triển vùng huyện Nam Giang - ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ, bên cạnh hỗ trợ lồng ghép, dự án cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp liên quan đến cải thiện nguồn thực phẩm bổ sung và nâng cao thu nhập cho các hộ có trẻ em dưới 5 tuổi, gồm các địa phương Tà Pơơ, Chà Vàl, Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ. Cụ thể, đến nay đã cấp 1.353 con gà thả vườn; 728 con vịt xiêm; hơn 500  cây đu đủ giống; cùng các vật liệu làm chuồng trại và các loại phân bón cho cây trồng của các hộ sản xuất chăn nuôi nằm trong vùng dự án. Ngoài ra, dự án cũng đã kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện thành lập 8 nhóm hộ chăn nuôi heo cỏ địa phương với 104 hộ tham gia; đồng thời cấp 112 con heo giống, cùng vật liệu làm chuồng trại và các dụng cụ thú y cần thiết cho 8 nhóm hộ chăn nuôi. “Qua quá trình triển khai tổ chức thực hiện các chương trình dự án, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm phối hợp từ các địa phương trên địa bàn huyện, từ đó góp phần đem lại hiệu quả tốt nhất cho người dân vùng dự án. Đến nay, tất cả nhóm dự án cơ bản đã được triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từng bước giúp cải thiện nguồn thực phẩm bổ sung cho trẻ em và nâng cao năng lực cộng đồng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn dự án” - ông Bình nói.

Tác giả: Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết