Tảo hôn là một tập tục (hủ tục) tồn tại lâu đời ở nhiều nhóm cộng đồng và các dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam thời kỳ thập niên 80 trở về trước, nạn tảo hôn ở đồng bào miền núi rất cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, ở các huyện miền núi Quảng Nam cũng chiếm tỷ lệ rất cao, sau khoản thời gian thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực công tác Dân số - GĐ&TE, nạn tảo hôn này giảm dần qua từng năm. Sau khi thực hiện Nghị định số 14/2009/NĐ-CP giải thể bộ máy công tác Ds-GĐ&TE chuyển giao lĩnh vực này về các đơn vị quản lý khác, nhiệm vụ lĩnh vực công tác này cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ tảo hôn tăng trở lại, nhất là các năm gần đây tỷ lệ tảo hôn diễn ra ở hầu hết các địa phương đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí có cả con em người kinh, có trường hợp con em cán bộ đảng viên đã lỡ mang thai ngoài ý muốn chấp nhận về chung sống thành vợ chồng. Tảo hôn không chỉ gây hại cho sức khoẻ, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc.
Trường hợp tảo hôn ở xã vùng cao Đắc Pring , huyện Nam Giang
Thực trạng tại địa phương huyện Nam Giang, Quảng Nam tình trạng tảo hôn vẫn đang diễn ra, chủ yếu là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, một số ít tại các xã vùng thấp, thị trấn. Qua điều tra khảo sát tỷ lệ tảo hôn của cán bộ dân số cơ sở, số liệu thu thập kho dữ liệu dân cư tại Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho thấy số liệu qua các năm như sau:
Năm 2010 có : 30 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 01
Năm 2011 có : 44 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 01
Năm 2012 có : 59 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 02
Năm 2013 có : 55 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 01
Năm 2014 có : 59 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 02
Năm 2015 có : 51 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 02
Năm 2016 có : 43 trường hợp tảo hôn; Hôn nhân cận huyết thống 02
Tảo hôn đã mang đến sự nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội, hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ dị tật, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng...)
1/ Về sức khỏe :
Về sức khỏe: Khi trẻ em nữ mang thai, các hệ sinh sản chưa phát triển đầy đủ sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ non ( thiếu tháng), có nhiều trường hợp quan hệ tình dục có thai ngoài ý muốn không phát hiện kịp thời, mang thai đến tháng thứ 3 thứ 4 mới biết mình mang thai, tinh thần hỗn loạn suy sụp, thiếu kiến thức hiểu biết về chăm sóc sức khỏe khi mang thai dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân, hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác, làm mẹ quá trẻ thiếu kiến thức hiểu biết chăm sóc con sau sinh dẫn đến trẻ bị sinh dinh dưỡng dẫn đến chất lượng dân số thấp. Đây chính là sự cảnh báo thầm lặng về sức khỏe, bởi các nguyên nhân cốt lõi của tử vong và bệnh tật của người mẹ không được quan tâm đúng mức.
2/ Về giáo dục đào tạo:
Về môi trường giáo dục: Trẻ em kết hôn sớm buộc phải bỏ học nửa chừng, không có điều kiện và thời gian nên ít khi được tiếp tục việc học hành, cản trở, đứt đoạn việc học hành của trẻ cũng như thiếu hy vọng về sự độc lập, không tiếp thu được những kiến thức giáo dục, thiếu kỹ năng sống dẫn đến giảm sút tối đa về nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em;
3/ Về kinh tế gia đình và xã hội
Về kinh tế gia đình và xã hội : Tảo hôn dẫn đến không có công ăn việc làm, không có thu nhập, nghèo đói, túng thiếu khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế gia đình cũng như xã hội.
Về tinh thần: Khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi, tham gia những hoạt động giải trí , cũng như không được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phù hợp với lứa tuổi, cuộc sống bị hụt hẩn, thiếu kỹ năng ý thức bảo vệ hạnh phúc, dễ bị kích động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút chích..
Về mặt xã hội: Tảo hôn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, một xã hội mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ly hôn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em, trẻ em trong hoàn cảnh gia đình ly hôn thường chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp vi phạm các tệ nạn xã hội .
Những ảnh hưởng lớn do việc tảo hôn đối với trẻ em không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Vì một tương lai tươi sáng cho các em, để cho các em có được sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như tâm sinh lý, được tham gia học tập, giao tiếp với cộng đồng và xã hội... mỗi chúng ta cần phải có những hành động thiết thực, như nghiên cứu, tìm hiểu, vận động, tuyên truyền cho người thân về những hậu quả to lớn của việc tảo hôn để phòng tránh và các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa mới có tác dụng vừa giáo dục, vừa răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất tình trạng tảo hôn đang diễn ra hiện nay.