Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Hiệu quả ban đầu từ dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên

Nhằm nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2014 đến nay, với 5 xã nằm trong vùng dự án là xã Cà Dy, Tà Bhing, Chà Vàl, Đắc Pring và xã Đắc Pre với 4 nội dung hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn; Phát triển sinh kế bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực và truyền thông; Quản lý dự án. Đến nay nhiều hộ gia đình tại các địa phương đã được hưởng lợi từ dự án.

Đến với nhóm nuôi gà tại thôn Pà Xua xã Tà Bhing, nơi đây có 20 hộ được dự án hỗ trợ, mỗi hộ 20 con gà giống và thức ăn để triển khai mô hình nuôi gà nhốt chuồng, vây lưới. Hàng tuần, các chị lại tập trung nhà chị Bling Bu, nhóm trưởng để họp đánh giá về quá trình phát triển của đàn gà, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăn nuôi để điều chỉnh phương pháp nuôi hợp lý. Theo nhìn nhận của các hộ gia đình, từ khi triển khai mô hình nuôi gà nhốt chuồng, vây lưới, gà phát triển nhanh, không có bệnh dịch, tạo nguồn thu nhập và cung cấp dinh dưỡng cho các cháu nhỏ trong gia đình.  Chị Bling Bu - Thôn Pà Xua xã Tà Bhing chia sẻ: trước đây nuôi gà thả truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao, lại hay bị dịch bệnh, từ khi dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ gà giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tôi thấy đàn gà phát triển nhanh. Còn đối với chị A Lăng Thái, ngoài việc có thêm thu nhập cho gia đình, đây cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em.


Chị Bling Bu với mô hình đàn gà nhốt chuồng, vây lưới

 Mô hình nuôi gà tại thôn Pà Xua mới được triển khai, tuy nhiên đã mang lại hiệu quả tích cực về nhận thức trong cách chăn nuôi của người dân, từ đó có những mô hình chăn nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Lê Viết Trung, cán bộ dự án cho biết: Trong năm 2016, dự án triển khai rất nhiều mô hình trên địa bàn huyện Nam Giang. Đối với mô hình nuôi gà, con giống được các thành viên trong nhóm tự lựa chọn, ban quản lý chỉ giám sát và hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Chia tay nhóm nuôi gà, chúng tôi đến với thôn Pà Ting. Trên con đường bê tông đang thi công dài 200m, rộng 2m, được chính người dân ở đây đảm nhận thi công, mỗi người một công việc, vì con đường nằm bên kia cầu treo, nên công tác vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, vật liệu được đóng thành từng bao, rồi vận chuyển bằng xe máy. Tại nơi đang thi công, không khí trở nên nhộn nhịp hơn, mỗi người một việc, họ rất hăng say làm việc. Ông Tơ Ngôl Bơn, người dân thôn Pà Ting chia sẻ, người dân ở đây ai cũng phấn khởi, ngoài việc đi làm có thêm thu nhập, chúng tôi tham gia trực tiếp làm sẽ đảm bảo chất lượng và yên tâm hơn. Đây là con đường phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hoa màu, mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai trên địa bàn huyện được hơn 2 năm, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng có tác động ban đầu trong việc xóa đói, giảm nghèo tại các vùng dự án triển khai, Tin tưởng rằng khi dự án kết thúc vào năm 2019 sẽ có nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững, những công trình dự án mang lại sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện.

Tác giả: Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết