Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi - điểm sáng giáo dục vùng biên Nam Giang. Ảnh: N.K
Được thành lập vào tháng 6.2011, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi được xem là ngôi trường cấp 3 đầu tiên hình thành tại địa bàn vùng cao biên giới Nam Giang cho đến thời điểm hiện tại. Theo cô Đinh Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, những năm đầu thành lập do điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường đành phải mượn tạm cơ sở cũ của Trường Tiểu học liên xã Chà Vàl - Zuôih để làm chỗ giảng dạy, sinh hoạt. Trong khi đó, điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt của thầy và trò còn tạm bợ, thiếu thốn suốt một thời gian dài.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, bắt đầu từ năm học 2012 - 2013 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chuyển lên cơ sở mới tại thôn Đắc Rế (xã La Dêê), với 10 phòng học rộng rãi, cùng khu hiệu bộ hai tầng đầy đủ trang thiết bị, khu nội trú giáo viên và khu nội trú học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy học tại vùng biên giới. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng với công tác dạy và học, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên thường xuyên được quan tâm, chú trọng. Đến nay, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 3 giáo viên có trình độ thạc sĩ. “Hiện tại, trường có 42 giáo viên và nhân viên, gần 500 học sinh các khối 10, 11 và 12, đa số là con em đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Mặc dù là ngôi trường vùng biên giới với nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá giỏi tăng dần theo hằng năm. Mỗi năm, trường có từ 10 - 15 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc” - cô Thanh cho biết thêm.
Em Bh’nướch Beo, học sinh lớp 10C1 chia sẻ: “Em rất vui mừng và hạnh phúc khi được học tại ngôi trường khang trang, đóng chân trên quê hương chúng em. Trước đây, do điều kiện vùng miền núi nên việc học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác nhiều rồi”. Còn em Zơrâm Nhíp, một cựu học sinh của nhà trường tâm sự: “Là học sinh khóa đầu tiên của trường, mỗi lần được trở về thăm, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của trường, em vui lắm. Đây thực sự là nơi mà chúng em - những học trò vùng cao luôn xem như ngôi nhà thứ hai của mình vậy, thật hạnh phúc biết bao”.
Học sinh của trường trình diễn cồng chiêng trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Ảnh: N.T
Ông Lê Văn Hường - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang đánh giá cao những nỗ lực của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi trong quá trình xây dựng và phát triển giáo dục tại địa phương. Đồng thời cho biết, qua 5 năm (2011 - 2016), tập thể sư phạm nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong việc dạy và học cho con em đồng bào miền núi. Đây thực sự là niềm tự hào của không chỉ đồng bào vùng cao Nam Giang, mà còn là niềm tự hào chung của ngành giáo dục ở khu vực miền núi. “Sau khi được đầu tư xây dựng mới, nhà trường đã từng bước trưởng thành hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Chúng tôi đặt niềm tin vào sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường. Trong tương lai, hy vọng sẽ tạo được dấu ấn nhiều hơn về công tác giáo dục miền núi” - ông Hường nói.
Tại lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường được tổ chức mới đây, cùng với niềm vui của thầy và trò, là niềm hạnh phúc của không ít đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt của họ khi được đến thăm ngôi trường vùng biên này. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào nơi đây tin rằng, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi sẽ luôn là “mái ấm” của nhiều lớp thế hệ con em đồng bào miền núi Nam Giang.
Năm năm, một chặng đường không quá dài, nhưng với sự cố gắng của các thế hệ thầy và trò nhà trường làm nên những kỳ tích đáng tự hào, trở thành điểm sáng về công tác giáo dục ở các địa phương miền núi Nam Giang.