Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Trên con đường huyền thoại - Kỳ 2: Qua những ngôi làng

Trên con đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam, các bản làng là nơi ghi dấu ký ức của biết bao thế hệ.

Hành trình gần 200 cây số, từ điểm đầu Atép (xã Bha lêê, Tây Giang) đến cầu Đắc Zôn (thôn Long Viên, xã Phước Mỹ, Phước Sơn), dọc theo tuyến đường lịch sử, mỗi ngôi làng cất giữ cho riêng mình câu chuyện dài từ kháng chiến cho đến hôm nay...

Bên kia dòng Nước Mỹ

“Lớp trẻ rồi cũng sẽ quay về làng cũ thôi...” - già làng Đinh Văn Choó (làng Rô, xã Cà Dy, Nam Giang) nói, còn ánh nhìn cứ hướng về đâu đó phía làng cũ. Ở đó, là ký ức những người già như ông với bình nguyên bên kia dòng Nước Mỹ cạnh con đường Hồ Chí Minh, nơi trú chân suốt những năm tháng dài kháng chiến của làng Rô. Chẳng ai nhớ nổi làng Rô được lập từ bao giờ, chỉ biết rằng lúc “nhìn thấy mặt trời” đã theo lưng amế (mẹ) lội sang bên kia sông đến rẫy. Đó cũng là nơi dân làng Rô tìm thấy và cưu mang nhà thơ Tố Hữu và chí sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ, trở thành niềm tự hào của người làng Rô cho đến tận bây giờ. Nỗi nhớ làng cũ cứ thế kéo dài thêm, nhất là khi có ai đó nhắc về thời kháng chiến. “Nhớ chứ. Thời đó vui lắm, đất làng rộng hơn bây giờ. Rẫy của làng cũng còn nguyên ở đó, bên kia sông, chỉ cần lội vài bước là tới” - già Choó kể, như thể mới vừa rời làng cũ.

Làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) hôm nay. Ảnh: THÀNH CÔNG
Làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) hôm nay. Ảnh: THÀNH CÔNG
Già làng Xà Ơi 1 - Arâl Bơơ kể rằng, làng có từ khi còn chưa giải phóng. Chiến tranh, cả làng kéo vào rừng sơ tán, đánh giặc. Hòa bình, lại lũ lượt quay về làng cũ. Con đường trở thành một phần không thể tách rời của làng. Nhiều năm trước, sạt lở xảy ra thường xuyên. Có khi cả tháng trời Xà Ơi bị cô lập. Nhưng dân làng vẫn ở đó, ngay cạnh con đường huyền thoại. Tái định cư, lập lại làng, vẫn chọn vùng đất cũ, san ủi ngọn đồi để dựng nhà. “Làng ở đây, từ khi mới có đường. Quen rồi, đi thì không vui cái bụng” - già Bơơ bộc bạch.

Trong những hoài niệm của già làng, có cả những ký ức đau thương mà hào hùng của người làng Rô trên vùng đất cũ. Bom đạn dội xuống làng từng “xóa sổ” hơn nửa số nóc nhà hay trận đại dịch cướp đi mạng sống của hàng chục người làng Rô, nhưng họ vẫn ở lại với lời thề “một lòng theo cách mạng, dù chết cũng chết trên đất này”. Cả làng Rô đi theo cách mạng, mãi đến khi giải phóng mới chuyển làng đi, sau cuộc vận động của chính quyền địa phương. Vì thế, lớp người như già Choó luôn đau đáu về làng Rô xưa, dù cuộc sống bây giờ đã có phần đủ đầy hơn rất nhiều. “Mình đã sống ở đó, chiến đấu ở đó cùng với dân làng. Người ta biết tới làng Rô là làng cũ, bên kia dòng Nước Mỹ, chứ không phải làng Rô mình đang sống bây giờ. Dù đã ổn định rồi, nhưng vẫn thấy tiếc lắm. Có thể lớp con cháu sau này sẽ giãn dần về phía làng cũ, xem như cùng chung một làng” - già Choó tâm sự. Đã có một số hộ trở về vì những rẫy sắn, rẫy lúa bên kia Nước Mỹ. Trong đó, có cả con trai của già Đinh Văn Choó. Chừng như, cuộc trở về của họ là để giữ lấy mảnh đất giàu truyền thống của làng Rô xưa, bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại…

Kết nối những trái tim

Nằm dưới chân đồi Archát, làng Xà Ơi 1 (xã A Vương, Tây Giang) chìm trong sương trắng mùa đông. Những nóc nhà của làng ôm lấy con đường Hồ Chí Minh, trên mặt bằng mới vừa được san ủi cách đây không lâu. Cư dân của làng dựng nhà lần này đã là lần thứ 4, kể từ khi những bước chân đầu tiên đặt lên mảnh đất này. Có 34 hộ là 34 nóc nhà mới được dựng ngay trên phần đất cũ. “Đất cũ” - là vì mặt bằng tái định cư được san ủi mở rộng ngay chính trên những nền đất ngày trước, nhưng được quy hoạch hoàn chỉnh chống sạt lở theo chủ trương của huyện. Già làng Xà Ơi 1 - Arâl Bơơ kể rằng, làng có từ khi còn chưa giải phóng. Chiến tranh, cả làng kéo vào rừng sơ tán, đánh giặc. Hòa bình, lại lũ lượt gùi chiêng ché, gùi gạo quay về làng cũ. Nhiều người từng là dân công, du kích. Con đường trở thành một phần không thể tách rời của làng. Nhiều năm trước, sạt lở xảy ra thường xuyên. Có khi cả tháng trời Xà Ơi bị cô lập. Nhưng dân làng vẫn ở đó, ngay cạnh con đường huyền thoại. Tái định cư, lập lại làng, vẫn chọn vùng đất cũ, san ủi ngọn đồi để dựng nhà. “Làng ở đây, từ khi mới có đường. Quen rồi, đi thì không vui cái bụng” - già Bơơ bộc bạch.

Chiếc ô tô của ông Hồ Văn Măng (thôn Long Viên, xã Phước Mỹ, Phước Sơn).
Chiếc ô tô của ông Hồ Văn Măng (thôn Long Viên, xã Phước Mỹ, Phước Sơn).
Người đầu tiên mang ô tô về bản
Đường lớn đã mở, gia đình ông Hồ Văn Măng - người Bh’noong ở thôn Long Viên (xã Phước Mỹ, Phước Sơn) dành dụm gần 1 tỷ đồng để sắm ô tô đã khiến không ít bà con ở vùng cao thầm nể phục. Ông Măng bộc bạch: “Hồi xưa đi bộ, leo dốc, chỉ mong mở đường. Chừ có đường rồi, mình mua ô tô chở cả nhà đi cho khỏe”. Để thực hiện ước nguyện ông Măng và con cái cùng góp tiền, xuống TP.Đà Nẵng mua xe rồi thuê người lái về bản. Từ khi đường Hồ Chí Minh được mở, giao thông đi lại thuận tiện, thay vì bỏ rẫy hoang, ông cùng các con đầu tư trồng keo. Thương lái đến thu mua tận rẫy, lợi nhuận từ việc trồng rừng khá ổn định. Số tiền mua xe là nhờ ông tích cóp sau nhiều năm trồng rừng. Gia đình ông Măng cũng là một trong những tấm gương điển hình về phát triển sản xuất, làm kinh tế ở vùng cao.

“Mở đường, già thấy chuyện chi thay đổi nhất?” - chúng tôi hỏi già Bơơ. Ông già chỉ tay về ngôi nhà gỗ đầu làng, đáp gọn: “Chuyện cưới xin”. Ngôi nhà đó là của cặp vợ chồng trẻ. Chồng người Xà Ơi, còn vợ ở tít tận Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Đến các làng khác, hỏi lại, vẫn câu trả lời ấy. Con đường mở ra cánh cửa cho tình duyên đôi lứa, dần hết chuyện gả con, ép cưới vốn vẫn xảy ra ở vùng cao. Trai gái đi chơi, gặp nhau, rồi yêu, về lấy nhau, thành vợ thành chồng. Bhling G., chàng trai ở thôn Atép 2 vừa lấy vợ, kể rằng đường làm xong, tò mò nên mượn xe máy chạy qua tới Alưới để… xem cho biết. Đang đi thì gặp một cô gái Pakô gùi bắp về. Thấy xinh xắn, G. dừng lại làm quen, xin số điện thoại, rồi thi thoảng lại chạy xe máy hàng chục cây số sang thăm. Được chừng một năm thì xin cưới. Vợ là Trần Thị Chi H., người làng Liên Hiệp, xã Hương Lâm (A Lưới, Thừa Thiên Huế), cưới xong thì dọn về Atép 2 ở với chồng. Atép 2 cũng như Long Viên, hai thôn nằm ở địa phận giáp giới giữa Quảng Nam và 2 tỉnh bạn trên trục đường Hồ Chí Minh có hàng chục cặp vợ chồng “xuyên tỉnh” như thế. Lấy nhau ở các huyện lân cận thì đã thành thường. Ông Hồ Văn Kíp, già làng thôn Long Vân có lối so sánh rất lạ, rằng đường mở như là “đổ nước cho cá lội về”. Tự do đi lại, tự do yêu đương, rồi tự do… cưới, thành ra con đường cũng góp công xóa… hủ tục. “Ngày trước đường sá cách trở, làng này qua làng kia có khi mất cả ngày đường, bố mẹ gả con xong cả phần đời còn lại chỉ mong gặp lại được đôi lần. Giờ thì xa lắm cũng chỉ độ một buổi đi xe máy, có việc gì thì lấy điện thoại “alô”, quá khỏe” - già Kíp cười.

Như sợi dây nối kết những ngôi làng, 200 cây số chiều dài của con đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam cất giữ vô vàn câu chuyện riêng chung. Thời gian có thể phai phôi ít nhiều những vết dấu xưa, nhưng ký ức thì vẫn vẹn nguyên trong lòng những con người, những ngôi nhà ở vùng cao. Những ký ức gắn với con đường huyền thoại.

Tác giả: Thành Công - A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết