Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Trên con đường huyền thoại - Kỳ 1: Đi tìm chứng nhân lịch sử

Hơn 200 cây số qua địa phận Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại sống trong ký ức của biết bao con người, bao ngôi làng giữa những cánh rừng bạt ngàn phía núi. Chúng tôi đã có một hành trình dọc theo chiều dài hơn 200 cây số ấy, để nghe, để thấy và ghi lại từng mảnh ghép trong muôn trùng ký ức…


Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam. Ảnh: T.CÔNG - ALĂNG NGƯỚC
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam.

KỲ 1: ĐI TÌM CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Mưa rả rích những cánh rừng. Dưới màn mưa, cung đường Hồ Chí Minh càng thêm trắc trở, thử thách sự tập trung đằng sau tay lái. Từ thị trấn P’rao (huyện Đông Giang), chúng tôi ngược hướng thượng nguồn dòng A Vương đang ầm ào reo, dọc con đường ra hướng bắc.

Hai lần tham gia mở đường

Liên tục những khúc cua ngặt. Hai bên đường là màu xanh ngút mắt của rừng. Phía sau lần lượt là những địa danh rất núi: Xà Ơi, Bhlố, Azứt, Aruung… và tận cùng là Atép (xã Bha Lêê, Tây Giang). Atép là làng cuối cùng của Quảng Nam trên đường Hồ Chí Minh về phía tây bắc, giáp với huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Atép có 2 cụm dân cư, đều nằm ngay bên cạnh đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi vào cụm dân cư Atép 2, bên kia cây cầu treo cũ bắc qua sông A Vương. Làng chừng 50 hộ, nằm trên ngọn đồi thấp. Trong kháng chiến, con đường Hồ Chí Minh cũ cũng đi ngang qua làng Atép. Dân làng dời đi, nhường chỗ cho những chuyến xe chở đạn dược, xăng dầu chi viện chiến trường miền Nam. Cả làng tham gia gùi hàng cho cách mạng, sửa đường sau những trận bom càn. Gần 40 năm sau, làng Atép một lần nữa rời đi nhường chỗ cho những công trường thi công đường mới. Ta Rương Avôl là một trong những chứng nhân của làng Atép qua hai lần dời làng ấy.

Già làng Ta Rương Avôl (làng Atép2, xã Bha Lêê, Tây Giang) - người tham gia mở đường Hồ Chí Minh cả trong chiến tranh và hòa bình.
Già làng Ta Rương Avôl (làng Atép2, xã Bha Lêê, Tây Giang) - người tham gia mở đường Hồ Chí Minh cả trong chiến tranh và hòa bình.

Tuổi 65, Ta Rương Avôl còn rắn rỏi như cây pơmu giữa rừng. Năm 1967, đường Hồ Chí Minh về đến Atép, ông Avôl khi ấy 17 tuổi. Cả làng cùng bộ đội phát tuyến, dọn đường. Nhà cửa, vườn tược nhường chỗ cho những chuyến xe. Sau này, khi Nhà nước có chủ trương thi công tuyến đường Hồ Chí Minh, ông cũng là một trong những gia đình đầu tiên hiến đất, hiến vườn, di dời nhà cửa, rồi một lần nữa tham gia phát tuyến, làm đường. Đạn bom của giặc không ngăn được những bước chân trần rắn rỏi. “Hai lần làm đường của Bác Hồ, tôi đều tham gia. Bây giờ, mỗi lần đi trên đường cũng thấy vui vì có công sức của mình, của dân làng” - ông Avôl bộc bạch. Những cánh rừng hai lần xẻ núi ấy, in dấu chân của Avôl và rất nhiều người dân làng Atép. Đó cũng là niềm tự hào của làng, của những trái tim đồng bào Cơ Tu ngày đó đến tận bây giờ…

Tấm lòng người Bh’noong

“Hàng nghìn bà con đồng bào Phước Sơn cùng đổ mồ hôi, xương máu cho con đường này. Thắng giặc, độc lập, làng mới chuyển từ vùng cao về lại Khâm Đức, mới có thị trấn bây giờ. Hòa bình, cũng nhờ con đường này mà Phước Sơn đẹp hơn, phát triển hơn. Dân làm đường, đường giúp dân thoát nghèo, đỡ khổ”. Ông Điều nói về con đường gắn với chiến tranh, với hòa bình của vùng đất này, vỏn vẹn thế. Như thể, mấy chục cây số đường kia đã là một phần tất yếu của đất này, từ rất lâu rồi…

Trái ngược với vẻ thâm trầm ở những bản làng phía Atép, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) thêm tươi mới sau trận mưa lớn đầu chiều. Ông Hồ Văn Điều - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - ngồi trầm ngâm trong căn nhà nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh, nhìn những lượt xe lần lượt vút qua phố núi. Đời ông gắn với con đường này, từ thuở còn tranh đấu cho độc lập. Cõng gạo, gùi vũ khí, suốt nhiều năm chân ông băng qua không biết bao nhiêu cánh rừng. “Thời đó, từ Khâm Đức đi xuống Thạnh Mỹ (Nam Giang) bảo vệ tuyến dẫn dầu chi viện cho chiến trường, hàng chục cây số mà đi hoài không mỏi. Ác liệt nhất là đoạn Thạnh Mỹ. Bom đạn, địch đi càn, nguy hiểm nhiều lắm nhưng bộ đội vẫn đi, dân vẫn đi, vì miền Nam, vì độc lập” - ông Điều kể, giọng nói, ánh nhìn hừng hực khí thế như đang sống lại năm tháng hào hùng. Trong trí nhớ ông, những ngôi làng người Bh’noong đều nằm cách xa đường Hồ Chí Minh hàng chục cây số đường rừng, nhưng hễ cứ có đạn, bom, bà con lại lũ lượt dao rựa, cuốc xẻng tu sửa, bảo vệ cho tuyến đường huyết mạch. Ban ngày vẫn lên rẫy, vào rừng, nhưng khi có hiệu lệnh là hết làng này đến làng khác dồn sức xẻ núi, phát rừng. Đứt đoạn này, mở đoạn khác, cứ thế cho đến ngày độc lập.

“Hàng nghìn bà con đồng bào Phước Sơn cùng đổ mồ hôi, xương máu cho con đường này. Thắng giặc, độc lập, làng mới chuyển từ vùng cao về lại Khâm Đức, mới có thị trấn bây giờ. Hòa bình, cũng nhờ con đường này mà Phước Sơn đẹp hơn, phát triển hơn. Dân làm đường, đường giúp dân thoát nghèo, đỡ khổ”. Ông Điều nói về con đường gắn với chiến tranh, với hòa bình của vùng đất này, vỏn vẹn thế. Như thể, mấy chục cây số đường kia đã là một phần tất yếu của đất này, từ rất lâu rồi…

Huyền thoại thời bình

Alăng Nhom, gương mặt “Thanh niên tiên tiến toàn quốc”, người từng tham gia làm đường Hồ Chí Minh những năm 2000.
Alăng Nhom, gương mặt “Thanh niên tiên tiến toàn quốc”, người từng tham gia làm đường Hồ Chí Minh những năm 2000.

Chiến tranh, những ác liệt của đạn bom khiến đường Trường Sơn xưa thành huyền thoại. Hòa bình, huyền thoại ấy một lần nữa được tô đậm bằng 3.167 cây số từ Bắc vào Nam, mà Quảng Nam là một trong những địa phương ôm lấy đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vào lòng núi. Bạt ngàn rừng thẳm không ngăn được sức người. Thế hệ cháu con góp thêm mồ hôi tiếp nối cha anh. Chúng tôi gặp Alăng Nhom, người thanh niên huyện vùng cao Hiên (cũ, nay là Đông Giang) trong hàng ngàn thanh niên xung phong những năm mở lại tuyến đường Hồ Chí Minh. Ăn rừng, uống suối, ngủ với từng mét đường sâu vào lòng núi, những ngày hừng hực máy móc thi công… vẫn còn là một ký ức đẹp. Anh kể, đoạn đường Hồ Chí Minh từ thị trấn P’rao (Đông Giang) qua Thạnh Mỹ (Nam Giang) dài 50 cây số, các đơn vị phải gồng mình với tiến độ. Từng mét đường xẻ vào núi, chinh phục cả đỉnh Cổng Trời cao gần 65 mét. Ngày xưa, khi mở tuyến đường này qua đây, bộ đội đã làm trận địa giả để Mỹ bỏ bom… giúp hạ thấp độ cao. Bây giờ, cũng tuyến đường này, thanh niên xung phong miệt mài đu bám đỉnh Cổng Trời, đặt mìn, phá núi. Cổng Trời bị “triệt hạ” trong năm 2000. Băng qua Cổng Trời, lại đến Cầu Mây, cứ ủi vào ta luy là lại sập. Cầu Mây nằm đoạn giáp giới giữa hai huyện, đất yếu, lực lượng thi công phải mất ăn, mất ngủ cả tháng trời vừa khắc phục sạt lở vừa tổ chức thi công. Nhom kể: “Về nhà chỉ chừng hơn chục cây số, mà cả tháng trời mình không thấy mặt vợ con. Anh em cùng ở lại, quyết phải làm cho bằng được. Mình vừa là lái xe, vừa quản lý 5 đội công trình, anh em cứ thế động viên nhau, làm đường mà khí thế như là đánh trận”. Chinh phục Cổng Trời, hoàn thành Cầu Mây, Alăng Nhom được Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương “Thanh niên tiên tiến toàn quốc”.

Con đường huyền thoại nay đã vững chãi xuyên qua những cánh rừng. Lần theo con đường ấy, câu chuyện của bao con người, bao thế hệ như mảnh ghép về tuổi đời, về những năm tháng, vang vọng như thanh âm trầm hùng vút lên giữa đại ngàn…

Tác giả: Thành Công - A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết