Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Di dời trung tâm hành chính Nam Giang

Nắm bắt cơ hội phát triển Từ khi đi vào hoạt động (năm 1999) đến nay, trung tâm hành chính (TTHC) huyện Nam Giang đặt tại Bến Giằng (xã Cà Dy) bộc lộ những hạn chế, bất cập ngày càng rõ hơn. Di dời TTHC đang không chỉ là mong mỏi của cán bộ, nhân dân địa phương mà còn là nhu cầu bức thiết để Nam Giang bắt kịp nhịp độ phát triển chung. Một lộ trình di dời TTHC về lại thị trấn Thạnh Mỹ đang được vạch ra…

Nhiều bất cập

Hàng trăm cán bộ đang công tác tại các cơ quan, ban ngành của huyện Nam Giang đang phải ngày ngày vượt hơn 12km để đến nơi làm việc, tính từ thị trấn Thạnh Mỹ. Đây là thực trạng kéo dài nhiều năm, từ khi các trụ sở làm việc tại TTHC Bến Giằng khánh thành và đi vào hoạt động. Nằm cách xa thị trấn, nơi này càng thêm heo hút vì trong bán kính 10km chỉ có chưa đến 2 nghìn dân. Trong khi đó, diện tích quy hoạch cho các đơn vị hành chính chỉ gói gọn chưa đầy 3ha đất. Bị “bao vây” bởi ngã ba sông Thanh, sông Mỹ và đồi núi cao xung quanh, khả năng mở rộng diện tích để đáp ứng với nhu cầu xây dựng các trụ sở làm việc và công trình, dân cư là không thể thực hiện. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang bày tỏ, trong nhiều năm qua, nhiều cơ quan của huyện như Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Y tế... không có đất để xây dựng trụ sở. Các doanh nghiệp nhiều lần tìm đến khảo sát nhưng rồi cũng đành lắc đầu ra về. “Đã bị bó cứng trong không gian đó, mưa lũ, sạt lở đất trở thành mối đe dọa thường trực đối với các công trình xây dựng tại TTHC. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nơi này hầu như giẫm chân tại chỗ suốt nhiều năm” - ông Mai nói.

Do nằm ở ngã ba sông, TTHC Nam Giang hiện tại bị đe dọa bởi sạt lở, mưa lũ.
Do nằm ở ngã ba sông, TTHC Nam Giang hiện tại bị đe dọa bởi sạt lở, mưa lũ.

Ngay cả những cán bộ tiền nhiệm từng “hồ hởi” với chủ trương di dời TTHC lên Bến Giằng ngày trước nay cũng đã thừa nhận những bất cập trong quá trình hoạt động của TTHC này. Ông Zơrâm Ul - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang thời điểm di dời TTHC lên Bến Giằng cho biết, khi lựa chọn địa điểm, chính quyền đã thiếu tính toán đến chiến lược phát triển, hầu như chỉ lưu ý đến mặt bằng xây dựng khối trụ sở làm việc tập trung của các đơn vị hành chính. “Ở thời điểm đó, mặt bằng hiện tại được đánh giá là quá lý tưởng, sơn thủy hữu tình. Thậm chí, huyện còn định đặt tên cho khu hành chính là thị trấn Mỹ Thanh, bởi nơi đây nằm ở ngã ba sông Thanh và sông Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động, nơi này lại biến thành trở lực kìm hãm sự phát triển của địa phương” - ông Ul chia sẻ.

Theo khảo sát, quy mô đầu tư về cơ sở hạ tầng tại Bến Giằng chủ yếu gồm 3 trụ sở chính của cơ quan Đảng, HĐND - UBND và trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, còn một số cơ quan ban ngành khác xây dựng sơ sài. Thiếu đất, một số tiểu thương buộc phải xây dựng nhà cửa, hàng quán nằm chênh vênh bên bờ sông Thanh, phải cơi nới, lấn chiếm hành lang an toàn của đường Hồ Chí Minh. Trong khi đó, 95% doanh nghiệp, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và hệ thống trường học, cơ sở y tế... đều đóng tại thị trấn Thạnh Mỹ.

“Muốn phát triển, phải thay đổi!”

Theo thông báo kết luận số 107-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX ngày 21.11.2011, việc di dời TTHC huyện Nam Giang về lại thị trấn Thạnh Mỹ là nhu cầu hợp lý. Tỉnh ủy yêu cầu, chính quyền địa phương làm việc với các ngành chức năng để điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đề xuất cơ chế tài chính và các nội dung có liên quan với mục tiêu đảm bảo sự phát triển và tránh lãng phí. Gần đây nhất, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nam Giang vào tháng 5.2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách tỉnh kết hợp phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đặc thù theo từng năm ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng TTHC huyện tại thị trấn Thạnh Mỹ, thay thế TTHC hiện tại ở Bến Giằng.

Theo quy hoạch tổng thể mạng lưới đô thị Quảng Nam, đến 2025 Thạnh Mỹ sẽ là đô thị loại 4, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương liên vùng. Từ năm 2000, khi tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14B được Chính phủ đầu tư xây dựng, cơ hội phát triển của vùng bắt đầu được đánh thức. Đến nay, thị trấn Thạnh Mỹ trở thành điểm kết nối của 3 trục đường huyết mạch: đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14B và đường Trường Sơn Đông, nằm trên trục lộ cửa ngõ đi Tây Nguyên, Nam Bộ và TP.Đà Nẵng. Phía tây, cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc được khai mở, đưa Thạnh Mỹ đứng trước cơ hội phát triển rất lớn. Ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang khẳng định, đó cũng chính là một trong những áp lực buộc địa phương phải điều chỉnh theo hướng sát với thực tiễn. Ông Nhiên cho hay: “Quy hoạch cũ của TTHC huyện đã không còn phù hợp với nhu cầu của địa phương hiện nay. Trong bối cảnh hiện tại, muốn phát triển, bắt buộc phải thay đổi. Di dời TTHC về lại Thạnh Mỹ là việc cần làm, để khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đây sẽ là nền tảng tạo ra nền hành chính thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp”.

Không phải đến bây giờ chính quyền huyện Nam Giang mới nhìn thấy những bất cập của việc xây dựng TTHC tại Bến Giằng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ trước, khu hành chính này đã được đánh giá là trở ngại đối với yêu cầu xây dựng trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện, cũng như không thuận lợi về quốc phòng, an ninh. Theo Báo cáo số 49-BC/HU của Huyện ủy Nam Giang, ngày 17.9.2011, sự tồn tại của TTHC Bến Giằng được xem là thiếu tính chủ động, thiếu tầm nhìn chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy hoạch vùng, ngành. Địa phương cũng đã kiến nghị và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương chuyển dời TTHC về lại trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ. Từ định hướng đó, tháng 4.2012, Huyện ủy Nam Giang đã xin chủ trương cấp trên và chính thức ban hành Nghị quyết về việc di dời TTHC huyện về lại Thạnh Mỹ. “Chính quyền địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém, vào tồn tại của TTHC hiện nay, tính toán, cân nhắc trên cơ sở sự đồng thuận của nhân dân, của các ban, ngành để từ đó đưa ra quyết định di dời TTHC về lại Thạnh Mỹ. Những bất cập đã bộc lộ hiện nay, cùng với cơ hội phát triển của Thạnh Mỹ cho thấy đây là nhu cầu cấp bách, dựa trên những tính toán khoa học và chiến lược. Đây là sự điều chỉnh cần thiết trước yêu cầu của thực tiễn” - ông Alăng Mai khẳng định.

Không đập bỏ trụ sở cũ!

Trước những băn khoăn của dư luận về việc gây ra lãng phí lớn do di dời trụ sở, chính quyền huyện Nam Giang cam kết sẽ chuyển công năng sử dụng, hạn chế thấp nhất việc tiêu tốn ngân sách đầu tư. Phương án tận dụng trụ sở cũ được vạch ra để giải quyết những khó khăn đang còn tồn tại.

Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khi có chủ trương di dời, địa phương đã tính tới việc chuyển mục đích sử dụng các trụ sở cũ sao cho hạn chế thấp nhất việc lãng phí ngân sách nhà nước. Trong đó, các trụ sở cũ được tận dụng để giải quyết cho những khó khăn của xã Cà Dy, nơi TTHC huyện này đang đóng chân. Theo phương án bố trí, sử dụng cơ sở hạ tầng tại TTHC Bến Giằng, một phần trụ sở sẽ được giữ lại giao cho ngành giáo dục quản lý để bố trí cho trường THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing, Trường Mầm non Cà Dy, phần còn lại giao cho UBND xã Cà Dy làm TTHC của xã theo quy hoạch nông thôn mới. Đối với đất và công trình trụ sở của một số cơ quan nhỏ lẻ thì sẽ tổ chức thanh lý, bán đấu giá, khai thác quỹ đất, lồng ghép với các nguồn vốn để tái đầu tư xây dựng các công trình TTHC tại thị trấn Thạnh Mỹ. Ngoài ra, trụ sở cơ quan Công an, cơ quan Quân sự huyện vẫn sẽ tiếp tục sử dụng làm trại tạm giam, đội cảnh sát giao thông, cơ sở huấn luyện và thao trường bắn. Các cơ quan thuộc tỉnh, giao các ngành tổ chức thanh lý, bán đấu giá và tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng công trình tại TTHC mới của huyện, trong giai đoạn 2016 - 2020, tùy theo điều kiện của từng ngành. “Nhìn chung, cơ sở hạ tầng kiên cố ở Bến Giằng hiện nay không nhiều, chủ yếu là các hạng mục công trình trụ sở làm việc cấp 4. Một số công trình đã xuống cấp, hư hỏng, giá trị sử dụng còn lại không lớn. Do đó, sẽ không lãng phí trong quá trình thực hiện chuyển dời TTHC huyện về thị trấn Thạnh Mỹ” - ông Mai khẳng định.

Nhiều trụ sở, công trình sẽ được giữ lại để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nhiều trụ sở, công trình sẽ được giữ lại để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ba trụ sở hành chính lớn tại Bến Giằng có giá trị còn lại khoảng 7,8 tỷ đồng
Từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, nhiều trụ sở tại TTHC Bến Giằng đã xuống cấp, cũ kỹ. Theo Thông tư 162 của Bộ Tài chính ban hành năm 2014 quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, giá trị khấu hao của 3 trụ sở TTHC Bến Giằng gồm: trụ sở Huyện ủy, trụ sở HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các công trình phụ trợ đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 7,8 tỷ đồng. Dự kiến, giá trị còn lại đến 2020 chỉ còn xấp xỉ 5,2 tỷ đồng.

Chủ trương bố trí, sử dụng lại cơ sở hạ tầng tại Bến Giằng đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. Bởi đây trở thành giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn hiện tại của địa phương. Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho hay, nhiều năm liền ngành đã kiến nghị địa phương trong việc đầu tư xây dựng trường học cho xã Cà Dy, bởi học sinh của xã này đang phải theo học chung tại điểm trường THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing. Hiện số lượng học sinh đang theo học tại trường này có hơn 360 em và đang tăng dần theo từng năm. Trong khi cơ sở vật chất của trường đang xuống cấp, chật chội. Nằm sát bên bờ sông Thanh, tình trạng sạt lở xảy ra nhiều năm đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học. Đó là chưa kể đến việc nhiều học sinh phải đi học khá xa do điểm trường này nằm tách biệt với các thôn còn lại của xã Cà Dy. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách nên việc đầu tư xây dựng trường học mới vẫn đang bị trì trệ. Nếu được tiếp nhận, chuyển công năng sử dụng, sẽ tạo thuận lợi tại trường liên xã Cà Dy - Ta Bhing. Các trụ sở hiện tại có khuôn viên tương đối đảm bảo cho việc cải tạo, nâng cấp thành trường học. Đồng thời nếu tách trường, chỉ phải bổ sung biên chế cán bộ quản lý, vì số lượng giáo viên đã tương đối đảm bảo, áp lực biên chế là không lớn.

Liên quan đến chủ trương tái sử dụng trụ sở tại Bến Giằng, nhiều cán bộ xã Cà Dy bày tỏ sự phấn khởi, bởi điều này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng quy hoạch nông thôn mới của xã. Theo ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy, TTHC đang vừa là nơi làm việc, vừa là kho trữ gạo cấp phát cho các đối tượng chính sách, khá chật hẹp. Nếu được chuyển đổi, vị trí tại trụ sở TTHC Bến Giằng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn này. Ông Bh’nướch Phước nói: “Trong nhiều năm, chúng tôi cũng đã kiến nghị mở rộng trụ sở hành chính do quá chật hẹp, nhưng không thể triển khai vì thiếu đất. Thông tin chuyển đổi mục đích sử dụng khu TTHC Bến Giằng, trong đó có chủ trương bàn giao cho xã quản lý sử dụng sẽ giúp chính quyền địa phương hoạt động thuận lợi hơn. Đây cũng là điều kiện để xã Cà Dy đạt được các tiêu chí nông thôn mới theo quy định hiện hành”.

Lộ trình hợp lý

Quyết định di dời trung tâm hành chính (TTHC) về lại Thạnh Mỹ được huyện Nam Giang cân nhắc suốt một thời gian dài. Một lộ trình đầu tư xây dựng phù hợp đang là yêu cầu buộc địa phương phải tính toán để không phá vỡ cấu trúc đô thị của Thạnh Mỹ, đồng thời phù hợp với điều kiện nguồn lực hiện tại.

Vạch lộ trình

Trước khi có quyết định chính thức về việc chuyển dời TTHC, Nam Giang đã tiến hành nhiều cuộc trưng cầu ý kiến đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ hưu trí và khảo sát tâm tư của người dân thông qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Tại hội nghị Huyện ủy mở rộng tháng 8.2011, hơn 92% số ý kiến đồng ý với chủ trương di dời, đồng thời người dân hết sức ủng hộ bởi đây là mong chờ từ rất lâu. Sự đồng thuận này đã tạo tiền đề cho việc ban hành nghị quyết di dời TTHC Nam Giang về lại Thạnh Mỹ của Huyện ủy Nam Giang vào năm 2012.

Theo chính quyền huyện Nam Giang, việc di dời TTHC không làm phá vỡ quy hoạch hiện tại của Thạnh Mỹ.
Theo chính quyền huyện Nam Giang, việc di dời TTHC không làm phá vỡ quy hoạch hiện tại của Thạnh Mỹ.

Tháng 2.2015, quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) của khu TTHC huyện Nam Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt, dựa trên quy hoạch chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, việc xây dựng TTHC chủ yếu tập trung vào các hạng mục chính gồm trụ sở Huyện ủy, HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, trung tâm hội nghị và khu tái định cư. “Di dời nhưng không phải là đập bỏ để xây dựng một TTHC tập trung, mà là xây dựng lại trong phạm vi quy hoạch, không phá vỡ cấu trúc cũng như những gì đã có của thị trấn Thạnh Mỹ. Đây là trách nhiệm của chính quyền trong thời điểm hiện tại. Nếu không dám nhìn nhận vào sự thật, không dám làm, thì không thể phát triển được, nhất là khi người dân rất đồng tình, ủng hộ với chủ trương này” - ông Mai nhấn mạnh.

Trong vòng 5 năm tới, huyện Nam Giang sẽ tập trung cho việc di dời các hạng mục hành chính. Việc di dời này không tạo hiệu ứng rầm rộ, tập trung như ở những nơi khác. Trong đó, các ngành dọc sẽ vẫn tiếp tục hoạt động, tính toán di dời hay ở lại sao cho đảm bảo tính hiệu quả. Theo kế hoạch, việc thực hiện di dời sẽ được triển khai từ năm 2016 - 2020, ưu tiên tập trung xây dựng 3 trụ sở làm việc chính. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, trong đó tỉnh chủ trương hỗ trợ 70% tổng định mức, nhưng không quá 100 tỷ đồng trên lộ trình 5 năm, với bình quân tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Thừa nhận việc di dời TTHC không thể tránh khỏi lãng phí, tuy nhiên trước yêu cầu của thực tiễn, lộ trình di dời, đầu tư đã được chính quyền nghiên cứu để vừa hạn chế tối đa việc phát sinh kinh phí đầu tư, vừa hoạt động hiệu quả. Theo ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, từ khi có chủ trương di dời đến thời điểm xây dựng được quy hoạch chi tiết, địa phương đã phải mất 5 năm hoàn thiện các thủ tục hành chính. “Quá trình di dời mới chỉ dừng lại ở thủ tục hành chính. Mặc dù đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, nhưng việc đầu tư phân bổ nguồn lực vẫn phải đang chờ HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp sắp tới” - ông Nhiên nói thêm.

Người dân đồng thuận

Để tạo sự đồng thuận, từ nhiệm kỳ trước, chủ trương di dời TTHC đã được thông báo rộng rãi đến nhân dân các xã, thị trấn trong các cuộc họp, hội nghị, tiếp xúc cử tri. Nguyện vọng của người dân là di dời nhưng phải đảm bảo phát huy tính hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phát triển chung của địa phương. Ngoài ra, việc di dời, xây dựng trụ sở mới cần phải hết sức tiết kiệm, phù hợp và tránh lặp lại sai lầm một lần nữa. Ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, qua khảo sát, người dân địa phương cũng đồng tình với chủ trương di dời. “Thạnh Mỹ đang ngày càng phát triển, bắt đầu mang hình dáng của một đô thị. Do vậy, TTHC đặt tại Thạnh Mỹ sẽ tương xứng hơn. Ngoài ra, cùng với hệ thống các trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa, sẽ thuận tiện hơn cho người dân khi tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, cũng như giải quyết thủ tục hành chính” - ông Phước chia sẻ.

Tại các điểm dân cư của thị trấn Thạnh Mỹ, chủ trương này đã được chính quyền phổ biến từ nhiều năm và nhận được sự đồng tình. Ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho hay, theo quy hoạch chi tiết, vị trí xây dựng các trụ sở không ảnh hưởng quá nhiều đến các hộ dân. Do đó, quy hoạch xây dựng sẽ giúp diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ phát triển hơn, đồng thời cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại. Đây cũng là mong muốn chung của nhân dân Thạnh Mỹ trong thời gian qua. “Qua nhiều năm, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhân dân đã nhiều lần phản ánh về tính bất hợp lý của TTHC hiện nay. Do đó, chủ trương di dời TTHC được người dân biết và hết sức ủng hộ” - ông Bình nói.

Ông Chờ Rum Nhiên cho biết thêm, đầu tư theo lộ trình 5 năm là hơi ngắn, địa phương sẽ phải đối diện với nhiều áp lực. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, chính quyền sẽ dốc sức, tập trung cho công tác này. Sau khi HĐND tỉnh thông qua cơ chế đầu tư, địa phương sẽ tìm nguồn vốn phù hợp lồng ghép để đưa TTHC về lại thị trấn Thạnh Mỹ theo chủ trương chung. Cùng quan điểm, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang - ông Zơrâm Ul cho rằng, thuận lợi của việc di dời là nhiều trụ sở đã được đầu tư và vẫn hoạt động tại thị trấn Thạnh Mỹ. Dựa trên điều kiện hạ tầng hiện tại, điều quan trọng là cần có lộ trình phù hợp với nguồn lực đầu tư, trong bối cảnh khó khăn chung về ngân sách. “Tất nhiên, việc di dời trụ sở TTHC không tránh khỏi hoàn toàn sự lãng phí. Chủ trương di dời lần này cần được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế việc tiêu tốn ngân sách đầu tư. Theo tôi, cần chuyển mục đích sử dụng các trụ sở cũ một cách hợp lý, phát huy hiệu quả, đồng thời không phá bỏ quy hoạch hiện tại của Thạnh Mỹ để đảm bảo theo đúng với kỳ vọng của người dân địa phương” - ông Ul nói.

Tác giả: A Lăng Ngước - Thành Công

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết