Mảnh đất giàu truyền thống
Tà Bhing là một trong những xã vùng thấp của huyện Nam Giang. Trong những năm kháng chiến, gồm 9 thôn của các xã: A Xáh, Ra Rang, Ra Công hợp lại, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo yêu cầu chung của đất nước, đến ngày 09/01/ 2011, Chính phủ ra Nghị quyết số 03/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, đã chia tách đơn vị hành chính gồm 2 xã Tà Bhing và Tà Pơ. Xã Tà Bhing hiện nay có diện tích tự nhiên hơn 22.842 ha gồm 7 thôn với 2.971 khẩu.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Tà Bhing đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm bảo vệ vững chắc mảnh đất quê hương, đã tham gia đánh địch bằng cung tên tẩm thuốc độc trên 12 trận, chặn quân địch tại đồn Pốt Sít tiêu diệt 14 tên địch, thu 5 súng trường, 1 dao găm, chặn lùi bước tiến của quân địch lên các xã vùng cao trong huyện … Từ những chiến công đó của xã đã tiếp thêm sức mạnh và củng cố niềm tin với Đảng, Bác Hồ, xây dựng được khối đoàn kết thống nhất các dân tộc anh em, ngày đêm hăng say sản xuất vũ khí tự tạo làm được 35.000 cây chông, 2.500 hầm chông, 3.400 thò lao, 23.000 cung tên, 6.700 giáo mác, đồng thời bổ sung hàng trăm thanh niên cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và không ngừng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ xã Tà Bhing đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng dân quân du kích vừa sản xuất, vừa xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, tham gia hơn 50 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 255 tên địch, bắn bị thương 25 tên, bắt sống 20 tên, bắn rơi 5 máy bay, thu trên 50 súng các loại, phá hủy 2 xe quân sự và nhiều quân trang khác của địch.
Ghi nhận những công lao đó, ngày 16 tháng 12 năm 2014, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Bhing huyện Nam Giang.
Những đổi thay trên mảnh đất anh hùng
Trở lại Tà Bhing hôm nay, chúng ta được chứng kiến một Tà Bhing đang dần chuyển mình trên bước đường đổi mới. Đồng chí A Lăng Văng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ xã Tà Bhing luôn vinh dự và tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của các lớp thế hệ đi trước. Những năm qua, cán bộ và nhân dân trên dịa bàn đã không ngừng nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực. Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Nam Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, Đảng bộ xã đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp có sự phát triển khá, bước đầu đã có một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; đạt 13/19 tiêu chí về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; các ngành nghề truyền thống ngày càng được duy trì và mở rộng, mạng lưới thương mại, dịch vụ và du lịch được mở rộng, 5 năm qua, xã Tà Bhing đã đón 52 lượt khách du lịch trong và ngoài nước, đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 18,5 tỷ đồng; Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện chu đáo. Công tác an ninh, quốc phòng được tăng cường và đảm bảo.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Toàn Đảng bộ hiện có 11 chi bộ với 161 đảng viên, tỷ lệ các chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh hàng năm tăng dần, bình quân đạt 85%, không có chi bộ yếu kém, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh 3 năm liền (từ 2012-2014). Trong 5 năm qua, đã kết nạp được 50 đảng viên. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm, hiện đang từng bước đào tạo đạt 3 chuẩn.
Với những mục tiêu đã đề ra tại Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Bhing huyện Nam Giang tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế... để cải thiện đời sống cho nhân dân một cách bền vững.