Lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam từ lâu luôn được xem là niềm tự hào chung của cộng đồng các tộc người với những nét đẹp tinh túy, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang rơi vào tình trạng dần bị mai một và có nguy cơ biến mất.
Những “báu vật của làng”
Không chỉ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống, những di sản phi vật thể của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Tà Riềng,... ở các huyện vùng cao của tỉnh còn được xem là những “báu vật” của dân làng. Trong đó, mỗi di sản đều mang giá trị và ý nghĩa thiêng liêng với nhiều câu chuyện huyền bí của mỗi tộc người sinh sống ở vùng núi cao.
Theo già làng Bh’ling Hạnh, nghệ nhân ở thôn Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang), trong nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu, giá trị không chỉ ở nhạc cụ trống chiêng, mà còn là sự kết hợp giữa vũ điệu tâng tung da dá; điệu nói lý - hát lý; điệu khóc trâu và lễ hội đâm trâu truyền thống. Chính sự kết hợp đó đã tạo được sức lôi cuốn, giúp văn hóa cồng chiêng thêm giá trị và ý nghĩa, tồn tại được trong đời sống cộng đồng của đồng bào Cơ Tu. “Cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, với nét đẹp rất đặc trưng. Bởi vậy, khi nói về giá trị của văn hóa cồng chiêng, là nói cả về giá trị của vũ điệu tâng tung da dá và lễ cúng đâm trâu truyền thống trong ngày hội làng của đồng bào Cơ Tu”, già Hạnh bộc bạch. Văn hóa truyền thống và tập tục của đồng bào các dân tộc thường mang các yếu tố về con người và tâm linh vũ trụ, hội tụ các giá trị về vật thể và phi vật thể. Cuộc sống đời thường đã tạo nếp sống riêng biệt, giúp đồng bào vùng cao thích ứng và gần gũi với cuộc sống hoang dã đầy màu sắc. Vì thế, ngoài văn hóa cồng chiêng, đồng bào Cơ Tu còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo khác như: nghề dệt thổ cẩm, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, đan lát, điệu nói lý - hát lý,... trở thành những di sản, nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao.
|
Các già làng Cơ Tu ứng khẩu điệu nói lý - hát lý tại hội làng truyền thống. |
Cũng như đồng bào Cơ Tu, dân tộc Co ở huyện miền núi Bắc Trà My cũng giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao theo chủ trương chung. Già làng Lê Văn Diệu (dân tộc Co, ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) cho hay, ngoài cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống, đồng bào Co hiện còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo trong đời sống như: lễ cầu mưa, lễ giả rạ, lễ ăn cơm mới, lễ ăn trâu,... Cùng với các loại hình nghệ thuật lễ hội văn hóa truyền thống, trong bức tranh chung của đồng bào Co còn lưu giữ khá nhiều giá trị về văn hóa âm nhạc, kiến trúc và nghệ thuật đan lát, dệt trang phục rất phong phú và đa dạng. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật trang trí cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống của người Co vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Góp chung trong kho tàng “báu vật của làng” còn phải kể đến văn hóa lễ cưới của người Bh’noong ở huyện Phước Sơn; điệu đinh tút trong lễ hội truyền thống của đồng bào Tà Riềng (Nam Giang); nhạc cụ và điệu múa mừng ngày mùa của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở các huyện miền núi Nam - Bắc Trà My.
Bảo tồn di sản quốc gia
Thông tin về loại hình nghệ thuật nói lý - hát lý của đồng bào Cơ Tu vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã đem lại niềm vui cho hàng nghìn người dân miền núi. Bởi sau điệu múa tâng tung da dá; nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu; cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống của đồng bào Co; điệu nói lý - hát lý trở thành di sản phi vật thể thứ 4 của đồng bào vùng cao được công nhận cho đến thời điểm này. Vì vậy, hơn bao giờ hết công tác bảo tồn cần được quan tâm đặc biệt, nhất là tạo sự khuyến khích lớp trẻ miền núi - những chủ thể của văn hóa bản địa thích nghi dần với việc sống cùng di sản để từng bước bảo tồn trong chính giá trị của di sản. Tuy nhiên, trong thời buổi hội nhập như hiện nay, để bảo tồn nguyên giá trị của di sản không phải là chuyện dễ dàng. Bởi trên thực tế, không ít văn hóa phi vật thể của đồng bào vùng cao trở nên bị biến dạng, đang đứng trước nguy cơ thất truyền và dần bị mai một. Do vậy cần phải cụ thể hóa từng bước và mang tính khả thi trong công tác bảo tồn, tránh để tình trạng “sân khấu hóa” quá nhiều khiến di sản dần chết mòn chính trong quy hoạch tưởng chừng hiệu quả nhất.
Là người am hiểu về văn hóa Co, nhạc sĩ Dương Trinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My cho rằng, cần phải có quá trình hợp tác bền bỉ giữa chính quyền địa phương, những người làm công tác văn hóa và cộng đồng dân cư miền núi. Theo đó, phải xác định trách nhiệm bảo tồn theo hướng “chung cuộc”, tức dựa vào cộng đồng và từng cá nhân để xác định trách nhiệm cuối cùng trong công tác bảo tồn. “Vai trò của các nghệ nhân, những già làng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được chú trọng và khuyến khích kịp thời. Bởi chính họ là những người có khả năng bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình để truyền dạy cho con cháu. Khắc phục tình trạng mai một của văn hóa, đầu tiên phải phát huy vai trò của nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng vùng cao” - nhạc sĩ Dương Trinh cho biết thêm.
|
Ấn tượng với vũ điệu tung tung da dá của chàng trai, cô gái Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền các địa phương miền núi trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong những năm qua. Ở nhiều địa phương, giá trị văn hóa bây giờ đang dần vực dậy, trở thành niềm tự hào và góp phần đưa trách nhiệm bảo tồn trong đời sống văn hóa của từng cá nhân, làng bản. Đó là hiệu quả từ các câu lạc bộ nói lý - hát lý; đội cồng chiêng thôn, xã; mô hình làng dệt thổ cẩm truyền thống ở các thôn, bản đồng bào Cơ Tu tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,... được thành lập trong những năm gần đây. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, để di sản văn hóa vùng cao tiếp tục phát huy hiệu quả, trước hết là cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền sở tại. “Do tính cộng đồng của đồng bào miền núi rất cao nên ngoài việc tuyên truyền mang tính chủ trương, cần phải biết dựa vào sức mạnh của cộng đồng để bảo tồn. Bởi chính cộng đồng bản địa mới thực sự là chủ thể của văn hóa vùng cao, có thể quyết định việc bảo tồn theo cách riêng phù hợp với phong tục, văn hóa, con người trên tinh thần đưa chủ trương đi vào cuộc sống” - bà Thủy nói.
Còn nhiều nỗi lo...
Vui nhiều nhưng không ít nỗi lo. Đó là chia sẻ của rất nhiều già làng, nghệ nhân, những người làm công tác văn hóa ở miền núi khi đề cập công tác bảo tồn bản sắc truyền thống của đồng bào. Những trăn trở bao giờ cũng xuất phát từ hiện trạng thực tế ở địa phương, từ chính sâu thẳm đáy lòng của các nghệ nhân, già làng.
Khi vũ điệu tâng tung da dá đang dần bị “sân khấu hóa”; chất liệu dệt thổ cẩm cũng dần “hiện đại hóa”; kể cả kiến trúc nhà mồ, gươl làng Cơ Tu,... trở nên biến dạng theo thời gian. “Cũng may là ở nhiều vùng, hiện vẫn còn một số nghệ nhân, già làng uy tín có đủ sự nhiệt huyết, say mê văn hóa bản địa để giúp thế hệ trẻ thấm nhuần ý thức cộng đồng, chung tay gìn giữ giá trị di sản của đồng bào mình” - bà Thủy tâm sự, như một kỳ vọng và niềm tin ở thế hệ trẻ của buôn làng.