Về qui mô dân số: Năm 2011 là 24.113 người, năm 2013 là 24.598 người tăng lên 485 người, dự kiến đến 30/12/2015 tăng lên đến 25.539 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2.49% (2011) xuống còn 1.93 % (2014) và dự kiến đến năm 2015 chỉ còn 1.65 %. Mật độ dân số trung bình là 13 người/ km ². Số trẻ em mới sinh ra sống tăng từ 494 trẻ năm (2011) lên đến 593 trẻ năm (2013), dự kiến đến năm 2015 là 592 trẻ. Tỷ suất sinh thô (CBR) tăng từ 20.49 ‰ (2011) lên đến 24.11‰ (2013), ước tính đến năm 2015 tỷ suất sinh thô giảm xuống 23.18‰. Nhìn chung giai đoạn (2011- 2015) mức sinh trên địa bàn huyện có xu hướng tăng, do số lượng lớn phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ tăng lên. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, có chiều hướng tăng từ 19.64% (2011) lên 21,92% (2013) và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ giảm xuống mức 19,93%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hằng năm tăng, giảm không đồng đều và kết quả chung trong 5 năm 2011-2015 không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra.
Đ/c A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm trưởng ban chỉ đạo phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ds - KHHGĐ
Về cơ cấu dân số theo giới tính (tính đến 30/12/2014): Nam chiếm 48,6 %, nữ chiếm 51,3%. Cơ cấu theo nhóm tuổi: Từ 0-14 tuổi chiếm 29,3%, nhóm từ 15-59 tuổi chiếm 63,4% và nhóm từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 7,3%. Nhìn từ gốc độ cơ cấu theo nhóm tuổi chúng ta có thể thấy rằng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao hơn người phụ thuộc, phản ánh được tính dồi dào về nguồn nhân lực của địa phương, nếu chúng ta có khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Về cân bằng giới tính khi sinh, có thể nói huyện Nam Giang là một trong những huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cụ thể: năm 2011 ở mức 110 bé trai/100 bé gái, trong năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và công tác kiểm tra, kiểm soát về các hoạt động siêu âm tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện về chẩn đoán thai nhi nên đến cuối năm 2014 tỷ số này đã về mức 100 bé trai/100 bé gái khi sinh. Tình hình phân bổ dân cư giữa thành thị và nông thôn qua các năm có sự biến động ở thành thị chiếm tỷ lệ từ 30,3% (2011) giảm còn 30,2% (2013) và ở nông thôn từ 69,6% (2011) giảm còn 59,7% (2013). Tốc độ tăng dân số của huyện là khá cao khoảng 1.500 người, bình quân mỗi năm tăng xấp xỉ 300 người, tỷ suất sinh thô qua các năm tăng giảm không ổn định, trung bình mỗi cặp vợ chồng là 2,40 con.
Đ/c Lê Văn Hường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy tặng giấy khen cho tập thể , cá nhân đã có thành tích trong 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ
Công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt các biện pháp tránh thai an toàn đã có sự chuyển biến tích cực về nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Tuy nhiên do thực hiện không đảm bảo theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn nên đã xảy ra những trường hợp mắc các bệnh phụ khoa, bệnh viêm nhiễm đường sinh sản.v.v. đã gây tâm lý hoang mang trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai. Mặt khác, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, phá thai và viêm nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng tăng, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang có chiều hướng quay trở lại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ngày càng tăng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng công tác tuyên truyền, cuộc vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương dừng ở 2con để nuôi dạy cho tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ từ huyện đến cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng phục vụ, chú trọng trong việc đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Thường xuyên triển khai thực hiện công tác " Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn ”. Phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ không sinh con thứ 3+ trở lên ở các xã, thôn biên giới của huyện.
Tóm lại:
Trong 5 năm qua, công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện được các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đã tích cực vận động thực hiện các chính sách về Dân số-KHHGĐ thông qua các chương trình, kế hoạch…nhờ đó, nhận thức của người dân về hôn nhân và sinh đẻ đã có chuyển biến; quy mô gia đình nhỏ có từ 1 đến 2 con dần trở thành chuẩn mực phổ biến trong xã hội; tỷ lệ giảm sinh trong 5 năm là 0,58%0; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức 15%; một số địa phương đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của Câu lạc bộ không sinh con thứ 3+ . Với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng trong 5 năm qua chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện có những chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm, y tế, giáo dục ngày càng nâng cao chất lượng.v.v. Kết quả đó có sự tác động mạnh từ việc nâng cao chất lượng Dân số- KHHGĐ trên địa bàn huyện trong suốt 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số-KHHGĐ tại địa phương.