Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Âm vang ngày hội buôn làng

Tiếng nhạc đinh tút réo rắt, trầm bổng hòa nhịp chiêng vui, say cùng những bước chân nhún đều, nhịp nhàng theo vũ điệu tâng tung, dá dá truyền thống. Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” vừa được huyện Nam Giang tổ chức càng gắn chặt thêm sự kết đoàn của đồng bào vùng cao.

Theo nhịp chiêng vui

Hôm diễn ra liên hoan, không khí thật hối hả, chừng như ráng chiều cũng xuống rất nhanh. Đêm hội đón những bước chân của đồng bào bằng nhịp chiêng vui rộn rã. Tạm gác lại mọi công việc thường ngày, những người con của núi “chung chiêng” đến với hội làng, cùng hội tụ sắc màu truyền thống. Không gian văn hóa cồng chiêng - chủ thể trong đêm hội của đồng bào với những màn trình diễn đặc sắc, say đắm lòng người. Sự kết hợp hài hòa giữa trống chiêng, vũ điệu truyền thống, cùng với tiếng khèn, đinh tút,... đã tạo nên không gian ngày hội thêm chiều sâu văn hóa, mang âm sắc đại ngàn.

Hoạt cảnh tái hiện lễ “ăn giùm” của đồng bào Cơ Tu xã Zuôih.
Hoạt cảnh tái hiện lễ “ăn giùm” của đồng bào Cơ Tu xã Zuôih.

Vùng đất Nam Giang là nơi cộng cư của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... với nhiều màu sắc văn hóa truyền thống còn được gìn giữ. Thật lạ và ấn tượng với màn trình diễn kết hợp giữa vũ điệu tâng tung, da dá của người Cơ Tu với rê rê, ting tít của người Ve, cùng giai điệu trống chiêng và những nhạc điệu truyền thống của khèn, đinh tút đầy hấp dẫn, lôi cuốn lạ thường. Tất cả như hòa quyện vào nhau, réo rắt, trầm bổng theo nhịp chân nhún đều đẹp mắt, tạo không gian hội tụ sắc màu văn hóa đầy đặc trưng của vùng đất bên dòng sông Bung thơ mộng. Không chỉ có trống chiêng, nhạc cụ truyền thống, đêm hội cồng chiêng của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang còn tái hiện không gian ngày cưới rất độc đáo, ấn tượng. Đó là hoạt cảnh đóng vai con trâu trong ngày cưới của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Pơơ; lễ  “ăn giùm” cho đôi vợ chồng trẻ của xã Zuôi; hay hoạt cảnh tái hiện những bó củi hứa hôn của đồng bào Ve ở xã Đắc Pring,... mang giá trị rất đặc trưng về chiều sâu văn hóa vùng miền.

Đua tài khéo tay trong phần thi dệt thổ cẩm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đua tài khéo tay trong phần thi dệt thổ cẩm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đêm thi trình diễn trang phục truyền thống cũng được xem là “điểm nhấn” của liên hoan, với nhịp chiêng và sắc màu văn hóa đặc trưng được các chàng trai, cô gái vùng cao thể hiện đầy tự tin. Những bước chân thoăn thoắt, kết hợp với bàn tay cầm nỏ, giáo mác, vai đeo gùi,... đã phần nào tái hiện được cuộc sống đời thường ở vùng cao. Bởi vậy, niềm vui của đồng bào hòa cùng nhịp vỗ tay tán thưởng và tiếng hò reo. Hiên Thị Tựng, cô gái người Ve, đại diện cho dân làng thôn 56B (xã Đắc Pre) không giấu được cảm xúc sau đêm trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào mình. Bởi với Tựng, khoảnh khắc đẹp nhất của chị là khi khoác lên mình tấm thổ cẩm hoa văn cùng các vòng cườm đa màu sắc của đồng bào mình. “Cảm giác khi mặc trang phục truyền thống rất khó tả, xen lẫn giữa niềm vui, sự trân trọng và lòng tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Khi mặc trang phục truyền thống, tôi thấy mình đẹp hơn ngày thường rất nhiều” - Tựng chia sẻ.

Cùng nhau khoe sắc, đua tài

Không còn cảm giác ngại ngùng khi trình diễn trước nhiều người xem như trước, những chàng trai, cô gái vùng cao Nam Giang giờ đây đã tự tin hơn để cùng nhau khoe sắc, đua tài, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào, dân làng mình đến với du khách. Sự tự tin đã mang đến cho ngày hội thêm màu sắc hội tụ, tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng người xem và du khách thập phương. Không chỉ đơn thuần mục đích quảng bá về hình ảnh của mảnh đất và con người Nam Giang, liên hoan “Âm vang cồng chiêng” còn là dịp để đồng bào giao lưu, học hỏi và tạo sự đoàn kết gắn bó, thông qua các chương trình thi trình diễn trang phục truyền thống, thi điêu khắc, dệt thổ cẩm,... cùng với không gian văn hóa đa sắc màu.

Tham gia Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” Nam Giang, chúng tôi chú ý đến một nghệ nhân của đoàn xã Tà Bhing với dáng người nhỏ, bước đi rất khó khăn nhưng lại là “tổng đạo diễn” của gần năm mươi nghệ nhân trong đoàn. Dù đôi chân không lành lặn như bao người khác, nhưng bù lại ông có tài năng bẩm sinh về đan lát truyền thống Cơ Tu khiến nhiều người ngưỡng mộ. Có không ít những vật dụng, đạo cụ phục vụ cho đêm hội cồng chiêng của đoàn là do tay ông làm, rất tỉ mỉ và công phu. “Đẹp và có hồn”, lời khen của nhiều người đứng xem ở vòng tròn quanh trụ cây nêu dành cho đoàn Tà Bhing trong đêm hội, ít nhiều cũng là nhờ một phần khả năng truyền đạt của ông cho lớp trẻ địa phương. Ông là Hôih Còi, ở thôn Pà Vả - một nghệ nhân thực thụ, luôn được đồng bào nể trọng. Suốt đêm hội, người “nghệ nhân của làng” quấn quanh mình bộ trang phục truyền thống Cơ Tu, cùng góp nhịp trống thêm âm vang giữa núi rừng Nam Giang.

Sôi nổi trong cuộc thi điêu khắc và dệt thổ cẩm truyền thống là sự quyết tâm, so tài năng của đồng bào - những nghệ nhân chân đất thực sự, với những màn trình diễn độc đáo, thu hút người xem và cổ vũ. Dù lần đầu tiên được đưa vào chương trình của ngày hội, nhưng phần thi điêu khắc và dệt thổ cẩm truyền thống đã tạo được sức hút không chỉ đối với các nghệ nhân, đồng bào bản địa, mà còn cả du khách trong và ngoài tỉnh. Là nghệ nhân trẻ tuổi nhất tham gia thi dệt thổ cẩm, Zơrâm Thị Thon (21 tuổi, ở thôn 49B, xã Đắc Pring) luôn gây được sự chú ý của nhiều người bởi khả năng thể hiện các động tác trên khung dệt truyền thống một cách điêu luyện. Học dệt từ nhỏ, Thon cho biết ở nhà nếu không bận việc nương rẫy lại mang khung dệt ra biểu diễn với lũ trẻ trong làng. Dòng chảy của hiện đại đã và đang khiến nhiều bản làng đồng bào vùng cao dần phai mờ bản sắc, chuyện học nghề truyền thống vì thế cũng dần vắng bóng, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Bởi vậy, Thon cũng là trường hợp khá hiếm hoi trong câu chuyện dài về bảo tồn bản sắc truyền thống. “Càng học dệt, càng thấy thích nên say mê luôn. Nhiều bộ trang phục truyền thống của gia đình là do tay mình dệt tặng, ai cũng khen đẹp” - Thon bộc bạch.

Theo ông Trần Dư - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang, sản phẩm cuối cùng của ngày hội chính là cơ hội quảng bá hình ảnh văn hóa, khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống cho đồng bào địa phương. “Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng phòng trưng bày để bảo lưu toàn bộ sản phẩm văn hóa truyền thống có được từ các đợt thi điêu khắc, dệt thổ cẩm,... trong các dịp liên hoan. Qua đó tạo không gian mở giúp đồng bào càng tự hào và trân trọng hơn với những sản phẩm văn hóa của mình, để cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị” - ông Dư nói.

Tác giả: A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết