Ảnh: Khu vực xã Cà Dy ngày nay
Tròn 60 năm trước, hưởng ứng chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi do Tỉnh ủy Quảng Đà phát động, bộ đội địa phương Nam Giang tổ chức đánh tập kích mạnh bằng hỏa lực vào Đồn Coong Zêl (xã La Dêê ngày nay). Do bị bao vây, cô lập hoàn toàn ở giữa núi rừng nên ngày 24/4/1965, địch vội vã cho hàng chục chiếc trực thăng đổ xuống Coong Zêl bốc quân rút chạy về xuôi. Chốt điểm cuối cùng của Mỹ - Ngụy trên vùng đất Bến Giằng bị xóa bỏ, Nam Giang hoàn toàn giải phóng.
Chiến công vang dội
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam về tập trung xây dựng các căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi đã cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn huyện Nam Giang bước qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở ra các trận đánh lịch sử và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Tiêu biểu như trận đánh ở đồn Bốt Xít vào năm 1960 do ông Alăng Bin chỉ huy, chỉ trong 30 phút đã tiêu diệt gần 60 tên địch và bắt sống 20 tên, được xem như “tiếng pháo lệnh” cho quyết tâm của quân và dân Nam Giang trong hành trình bám đất, giữ làng.
Ông Nguyễn Văn Pháo, cán bộ lão thành cách mạng huyện Nam Giang kể, đầu năm 1955, Mỹ - Diệm xúc tiến chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” rộng khắm miền Nam, đánh phá phong trào cách mạng các huyện miền núi và thành lập quận Hiên - Giằng. Sau khi đưa lực lượng xâm nhập vào vùng thấp Bến Giằng, địch thành lập khu hành chính tại Thạnh Mỹ. Trong khi đó, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Nam Giang gặp muôn vàn khó khăn, căn cứ địa cách mạng nhiều nơi bị bể vỡ, một số đảng viên hoạt động đơn tuyến; Huyện ủy mất liên lạc với Tỉnh ủy và Liên khu V…
Ảnh: Phà Bến Giằng ngày xưa
Dù vậy, bằng tinh thần đoàn kết, quân và dân Nam Giang dần lấy lại thế trận, mở rộng phát triển phong trào cách mạng và đấu tranh mạnh mẽ. “Từ năm 1960, với việc thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), phong trào cách mạng toàn miền Nam nói chung và của huyện Nam Giang nói riêng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện đến ngày 24/4/1965 huyện Nam Giang hoàn toàn được giải phóng, thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Mỹ - Ngụy. Từ đây phong trào cách mạng của huyện Nam Giang bước sang trang sử mới, nhân dân hoàn toàn tự do” - ông Pháo nhớ lại.
Trong các phong trào đấu tranh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như ông Pơloong Nhập - người bắn rơi máy bay địch bằng súng trường tại làng Dung; hay tấm gương của Tiểu đội trưởng gan dạ Alăng Bin - chỉ huy tiểu đội tiêu diệt đồn Gơ Le và bắn cháy tại chỗ 1 máy bay trực thăng địch; cùng nhiều tấm gương chiến sĩ khác ở vùng cao, góp phần lập nên những chiến công vang dội, hiển hách với nhiều trận đánh ngoan cường, giành thắng lợi sau này.
Ảnh: Làng Rô (nay là thôn Pà Dá, xã Cà Dy) nhìn từ trên cao
Những bước chuyển mình
Bước qua khói lửa chiến tranh, từ một huyện miền núi khó khăn của tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, những năm qua Nam Giang có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Đặc biệt, tập trung phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu nông - lâm - công nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch.
Xác định thế mạnh trong sản xuất nông - lâm nghiệp, thời gian qua, Nam Giang tập trung đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả đặc sản địa phương kết hợp dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi bò, nuôi heo bản địa... Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực hằng năm bình quân đạt hơn 6.800 tấn; chăn nuôi phát triển với hàng nghìn gia súc, gia cầm; các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ từng bước phát triển, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục như dệt thổ cẩm, đan lát…
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, giai đoạn hiện nay, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Ngoài xã La Dêê và Tà Bhing đã được công nhận đạt chuẩn vào năm 2024, Nam Giang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm 2025 đối với xã Đắc Tôi. Bằng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm từ 69,12% (năm 2011) xuống còn 25,76% (năm 2024).
“Dấu ấn rõ nét nhất trong những năm gần đây, toàn huyện đã giảm được hơn 1.300 hộ nghèo, với tỷ lệ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 4,46%. Chất lượng y tế, giáo dục được nâng lên, với 8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 18/24 trường học đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2020 - 2025, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn huyện đạt hơn 2.143 tỷ đồng, tăng bình quân 21,9%/năm, vượt 11,9% so với Nghị quyết đề ra.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông - lâm, thủy sản đạt 377 tỷ đồng/năm, tăng116 tỷ đồng so với năm 2020; tăng bình quân 7,64%/năm. Diện tích gieo trồng hằng năm duy trì ở mức 6.015ha/năm; các biện pháp canh tác tiến bộ được quan tâm áp dụng phù hợp, nâng sản lượng cây lương thực có hạt đến cuối năm 2024 đạt 7.470 tấn, tăng 1,5% so với năm 2020” - ông Chương cho biết thêm.
Theo ông Chương, những năm gần đây, Nam Giang tập trung chăm lo sức khỏe cho nhân dân, theo đó mạng lưới y tế luôn được củng cố và phát huy, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường. Tỉ lệ bình quân 9,5 bác sĩ/1 vạn dân; 10/12 trạm y tế có bác sĩ, chiếm tỷ lệ 83,33 %. Đến nay, Nam Giang có 18/26 trường học đạt chuẩn quốc gia,bình quân hàng năm tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt hơn 97%...
Vượt qua mọi thách thức và trở ngại, Nam Giang đang từng ngày đổi mới, tạo bước chuyển giao mạnh mẽ trong thế kỷ vươn mình của dân tộc, mở ra cơ hội phát triển đầy triển vọng mới.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Nam Giang tổ chức đánh hơn 341 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.329 tên địch, bắn rơi 37 máy bay và thu 121 súng các loại. Với những thành tích đạt được, toàn huyện có 10/12 xã, thị trấn là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, 3 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 33 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng; nhân dân và cán bộ huyện Nam Giang vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...
Hưởng ứng chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi do Tỉnh ủy Quảng Đà phát động, bộ đội địa phương huyện Nam Giang đã tổ chức đánh tập kích mạnh bằng hỏa lực vào đồn Coong Zêl (xã La Dê ngày nay), do bị bao vây, cô lập hoàn toàn ở giữa núi rừng, nên ngày 24 tháng 4 năm 1965, địch vội vã cho hàng chục chiếc trực thăng đổ xuống Coong Zêl bốc quân rút chạy về xuôi, chốt điểm cuối cùng của Mỹ- Ngụy trên núi rừng Nam Giang bị xóa bỏ, huyện Nam Giang hoàn toàn giải phóng và trở thành vùng hậu cứ vững chắc của chiến trường Quảng Đà.