Ảnh: Mô hình nuôi Dúi của anh Alăng Khái bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về mặt kỹ thuật, anh A Lăng Khái trú thôn Pa Lan (xã La Êê) quyết định mở rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi của hộ mình. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi hơn 70 con heo đen bản địa. Được chăm sóc tốt và đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn heo phát triển ổn định, hộ A Lăng Khái có thu nhập nhờ cung cấp heo thịt và con giống cho người dân trên địa bàn La Êê và các xã lân cận.
A Lăng Khái cho biết thêm, năm 2023, gia đình anh được Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 hỗ trợ 20 con dúi giống. Đến thời điểm này, đàn dúi đã phát triển lên 40 con. Cùng với đó, những cây giống cam Vinh mà Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 trao tặng đã có thể thu hoạch. Tính ra, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng.
Hộ A Lăng Khái là điển hình của người được thụ hưởng từ phong trào “Hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”, cùng việc được đào tạo nghề cơ bản để mưu sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Có thể khẳng định, huyện Nam Giang quan tâm đến công tác đào tạo nghề bằng hành động cụ thể đã tạo động lực, cơ hội học tập và việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên DTTS. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, bổ sung kỹ năng, năng lực tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Ảnh: Đào tạo nghề may cho lao động miền núi tại Trung tâm Đào tạo miền núi Quảng Nam
Ông Bùi Đông Hà - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Giang cho biết, trong năm 2024, ngành đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn và một số văn bản chỉ đạo, phối hợp để thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp. “Cạnh đó, chúng tôi phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp du lịch Âu Việt Á tổ chức tuyển sinh, mở 4 lớp đào tạo nghề cho 470 người lao động trên địa bàn” - ông Bùi Đông Hà chia sẻ.
Theo thống kê, giai đoạn 2019 - 2024, huyện Nam Giang đã đào tạo, phối hợp đào tạo cho 1.850 lao động người DTTS ở các lớp nghề trình độ dưới 3 tháng, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, trang điểm, chế biến thức ăn, đan lát mây tre, nề hoàn thiện, trồng chuối, chăn nuôi gia súc...Tổng kinh phí đào tạo hơn 4,3 tỷ đồng. Các chính sách đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người lao động hiểu biết, nắm bắt về kỹ thuật, khoa học công nghệ. Bản thân chính họ tự tạo việc làm cho mình để có thu nhập, cải thiện cuộc sống và tiến tới giảm nghèo bền vững.
Thành quả đạt được đáng phấn khởi, khi Nam Giang đã giới thiệu 468 lao động đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh. Cạnh đó, 1.100 lao động tự tạo việc làm tại địa phương hoặc đi làm ở các địa phương khác. Đặc biệt, huyện có 237 lao động được tuyển chọn đi làm việc tại THAGRICO (nước bạn Lào). Ngoài ra, hàng năm còn Nam Giang đã đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho khoảng 300 lao động nông thôn, dựa trên điều kiện thực tế và các thế mạnh của huyện. Nguồn lực này để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tuyển dụng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu lao động.
Ảnh: Tư vấn học nghề cho thanh niên tại huyện Nam Giang.
Thời gian tới, huyện Nam Giang sẽ tiếp tục tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm. Ngược lại, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực có nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động.
Ông Bùi Đông Hà cho hay, huyện đã liên kết và phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành tư vấn, đào tạo nghề và đưa lao động của địa phương sang làm việc tại Nhật Bản và Liên bang Nga. Đây là 2 thị trường lao động đầy tiềm năng và hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên địa phương có việc làm ổn định, hưởng mức lương cao để cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo và góp phần dựng xây quê hương.