Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Những thầy giáo góp sức cho giáo dục miền núi Nam Giang

Những năm tháng trôi đi thật nhanh, những thế hệ thầy, cô giáo từ các huyện đồng bằng lên công tác tại huyện miền núi cao Nam Giang có người đã nghỉ hưu, có người vẫn đang miệt mài âm thầm đóng góp cho sự nghiệp trồng người nơi miền núi cao, biên giới còn nhiều khó khăn để góp sức cho sự nghiệp trồng người, nơi họ coi Nam Giang như là quê hương thứ 2 của mình

Thầy giáo Võ Tuấn Anh, hiệu phó Trường tiểu học bán trú xã Zuôih, huyện Nam Giang đã có 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi huyện miền núi cao Nam Giang, thầy chia sẻ, sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, năm 1997, sau khi tốt nghiệp ra trường tôi được phân công lên huyện Giằng (Bây giờ là huyện Nam Giang) công tác và được phân công giảng dạy tại xã La Ê, những ngày đầu khó khăn chồng chất phải đi bộ gần 3 ngày mới tới được điểm trường xã, cơ sở vật chất thì tạm bợ, ngôn ngữ bất đồng, ban ngày đi dạy, ban đêm soạn giáo án bên ánh đèn dầu, nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi cùng các thầy, cô giáo lúc bấy giờ đã luôn xác định phải nỗ lực cố gắng bám trường, bám lớp để gieo cái chữ cho học sinh nơi vùng cao này và đến hôm nay đã hơn 25 năm công tác tại vùng cao Nam Giang, nhìn lại bản thân tôi luôn tự hào đã góp một phần công sức cho sự nghiệp giáo dục của huyện Nam Giang như ngày hôm nay, thầy Anh chia sẻ.


Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã La Dê- Đắc Tôi

Cũng như thầy Võ Tuấn Anh, thầy Nguyễn Văn Bảy, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã La Dê- Đắc Tôi đã có 27 năm trong ngành giáo dục và bấy nhiêu năm, bước chân của thầy đã có mặt ở hầu hết các xã vùng cao, biên giới của huyện Nam Giang, thầy Bảy tâm sự, còn 1 năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu theo chế độ nhưng những năm tháng giảng dạy ở huyện Nam Giang là những ngày tháng không thể nào quên, từ những ngày đầu lên đây với muôn vàn khó khăn từ cơ sở vật chất đến học sinh,nơi ăn, chỗ ở nhưng sự yêu mến của các em học sinh và sự quan tâm của phụ huynh cùng các cấp lãnh đạo từ huyện đến xã nên bản thân tôi và các thầy, cô giáo luôn động viên nhau phải nỗ lực cố gắng để mang cái chữ cho các em và hôm nay trải qua 27 năm công tác nhìn lại tôi thấy rất tự hào vì nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và nhiều em đã trở thành lãnh đạo huyện, xã và nhiều em thành đồng nghiệp của mình thầy Bảy tâm sự:

Tại Trường Phổ thông bán trú THCS Liên xã La Ê- Chơ Chun, thầy giáo Phan Hùng Lực, quê ở huyện Thăng Bình đã có 28 năm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo huyện Nam Giang, thầy Lực chia sẻ, năm 1995, tôi được phân công công tác tại huyện Nam Giang, lúc bấy giờ với sức trẻ và xác định cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy, cô giáo luôn động viên nhau phải yêu nghề, quyết tâm, nhiệt tình, tận tâm để gieo mầm cho sự nghiệp giáo dục miền núi, bằng sự chân thành đó, chúng tôi luôn nhận được sự tin yêu của các em học sinh nơi đây và sự quan tâm, động viên, chia sẻ của các cấp lãnh đạo nên đã vượt qua mọi khó khăn để đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục ở huyện Nam Giang có được những thành quả như ngày hôm nay, thầy Lực cho biết:

Theo Ông La Lim Hậu- Phó Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Nam Giang, những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, sự nghiệp giáo dục của huyện nhà tiếp tục được củng cố và dần hoàn thiện, đạt được những kết quả đáng tự hào: Hệ thống mạng lưới trường, lớp học được duy trì ổn định; cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, mở rộng đều khắp các thôn xã; số lượng học sinh ra lớp đúng độ tuổi ngày càng tăng theo các cấp học; chất lượng đội ngũ CQBL, giáo viên ngành giáo dục được chuẩn hóa đáp ứng với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông; chất lượng học sinh được nâng lên hằng năm, nhiều em học sinh đạt nhiều giải cao trong các hội thi cấp tỉnh; tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 vào trường PTDTNT tỉnh năm sau cao hơn năm trước.


Để đến được Trường, trước đây (năm học 2012-2013)Thầy và trò Trường tiểu học xã Zuôih phải vượt qua con sông Bung (ảnh tư liệu)

Vượt qua những thách thức về bệnh thành tích, phong trào thi đua đã có những khởi sắc thể hiện đúng vai trò, ý nghĩa thực hiện có hiệu quả và đều khắp từ các đơn vị vùng thấp đến vùng cao với các hoạt động phong phú, sinh động; công tác Kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng thư viện chuẩn đã đạt được những kết quả đáng kể. Toàn huyện có 16/24 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 66,7% (trong đó Mầm non-Mẫu giáo 04 trường; Tiểu học 07 trường, THCS có 05 trường). Một trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác Phổ cập giáo dục được duy trì hằng năm và đạt ở mức cao nhất. Phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục đã có chuyển biến tích cực, mô hình “trường học thân thiện-học sinh tích cực” và “trường học hạnh phúc” được các địa phương và các trường hưởng ứng tích cực đã làm thay đổi diện mạo của từng đơn vị.

Ðể có được những thành công như vậy, có công lao đóng góp vô cùng to lớn của các thầy, cô giáo, đặc biệt những thầy, cô giáo từ đồng bằng lên công tác đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời của  mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà có được những thành quả như ngày hôm nay, Ông Hậu nói:

Đây chỉ là một trong những thầy giáo từ đồng bằng lên công tác giảng dạy ở vùng cao Nam Giang mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, họ như những chiến sĩ thầm lặng, những đóa hoa tỏa sáng giữa đại ngàn trường sơn vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án để tô đẹp cho đời, góp sức cho giáo dục miền núi Nam Giang đang ngày một phát triển.



Tác giả: Văn Thủy- Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết