Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Nhiều chương trình giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19

Dự án Hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế (World Vision) tại Việt Nam triển khai từ tháng 10 đến tháng 12/2020 với ngân sách là 83.395 USD, tương đương với 1.934.764.000 đồng. Tại huyện Nam Giang đã thực hiện các hoạt động bao gồm 2 hợp phần cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sinh kế bằng việc hỗ trợ bồn nước, hạt giống rau, mô hình chăn nuôi gà cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo có trẻ với mục đích giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế hộ, từng bước ổn định cuộc sống sau dịch COVID-19.



Ông Hồ Thanh Sơn, Trưởng Chương trình vùng huyện Nam Giang cho biết: Từ nguồn ngân sách dự án KOICA, Chương trình vùng Nam Giang thực hiện các hỗ trợ như: cấp phát 78 bồn nước inox 1.000 lít với ngân sách là trên 194 triệu đồng, lồng ghép hướng dẫn sử dụng và bảo quản bồn nước nhằm kịp thời giúp trẻ em và cộng đồng cải thiện khả năng tiếp cận nước sinh hoạt thường xuyên và nâng cao thực hành vệ sinh tại hộ gia đình, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày đang diễn ra phức tạp.

Anh Bnước Đa, thôn Pà Dá, xã Cà Dy chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi phải luân phiên nhau đi lấy nước sinh hoạt tại bể nước của thôn cho cả gia đình sử dụng. Thường thì người dân ở đây đều tập trung để lấy nước nên mọi người phải xếp hàng rất lâu mới lấy được nước. Vào mùa khô thì nguồn nước cũng không đủ để dùng. Khi nghe thông tin từ trưởng thôn là gia đình tôi được nhận bồn nước từ Chương trình vùng, vợ chồng tôi vui lắm. Bồn nước này giúp vợ chồng tôi có thể dự trữ nước trong nhà mà không cần phải đi lấy nước hàng ngày nữa.”

Do đặc thù tại huyện Nam Giang trên 81% là đồng bào thiểu số, chủ yếu hộ gia đình nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo như không lên rừng hái được măng bán, không đi làm thuê và hạn chế đi lại mua bán các sản phẩm nông nghiệp... Vì vậy, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có nguồn thu nhập ngắn hạn cải thiện kinh tế, dự án đã hỗ trợ hạt giống rau cho 220 hộ với tổng ngân sách trên 39 triệu đồng và mô hình gà 1 ngày tuổi cho 320 hộ với ngân sách mua con giống hơn 425 triệu đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ hạt giống và con giống, dự án còn hỗ trợ lưới rào B40 để đảm bảo việc nuôi trồng mang lại hiệu quả cao hơn với ngân sách hơn 747 triệu đồng.


Với mô hình chăn nuôi gà 1 ngày tuổi, Ban quản lý Chương trình vùng huyện đã chỉ đạo cho Trung tâm Kỹ thuật - Nông nghiệp theo dõi sát sao để hỗ trợ cho các hộ dân kỹ thuật chăn nuôi gà theo phương pháp tập huấn FFS (lớp học nông dân tại hiện trường – Famer Field School) theo từng giai đoạn phù hợp đối với vật nuôi, nhằm giúp hộ hưởng lợi có kiến thức và sau đó áp dụng kiến thức để thay đổi thực hành trong chăn nuôi. Tổng ngân sách dành cho hoạt động tập huấn này trên 61 triệu đồng, trong đó ngân sách của Chương trình vùng là hơn 39 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chương trình vùng cũng đã tổ chức thêm các lớp tập huấn hiện trường cũng như hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi sạch bằng việc sử dụng điệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh để chế biến thức ăn cho vật nuôi từ nguồn ngân sách năm của Chương trình.

Anh Nhiêu – trưởng nhóm nuôi gà thôn Pà Dá chia sẻ: “Trước khi nhận gà, chúng tôi đã họp và phân công lịch chăm sóc gà là 2 người/ 1 ngày. Do đó mọi người trong nhóm đều được tập huấn và biết được quy trình chăm sóc gà, tiêm vắc xin… Nhờ mô hình hoạt động theo nhóm, nên tinh thần và trách nhiệm đều được các hộ gia đình được chú trọng hơn. Người tham gia thường xuyên, tích cực sẽ được tuyên dương vào mỗi lần họp nhóm”.

Anh Đỗ Thanh Tâm, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuât Nông Nghiệp huyện cho biết: “Trước kia đã có nhiều dự án của nhà nước cùng hỗ trợ con giống tuy nhiên tỷ lệ sống thấp do con giống không thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương. Nay áp dụng mô hình Gà 1 ngày tuổi này, Gà được thích nghi trong giai đoạn 30 ngày đầu, vì vậy tỷ lệ sống rất cao, sau 30 ngày cấp về hộ gia đình thì Gà phát triển tốt, người dân rất hưởng ứng mô hình này. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình úm Gà này ra các xã ngoài vùng dự án để người dân học tập theo.”

Tác giả: Văn Khanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết