Đảng bộ tiên phong trong lửa đạn.
Trãi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện là một chặng đường đầy khó khăn và thử thách. Nhưng trong thời điểm lịch sử đó, truyền thống cách mạng kiên cường của đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy mạnh mẽ. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, với những nỗ lực vượt bậc, quân và dân Nam Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến, bảo vệ được căn cứ địa vững chắc, tạo được một vùng giải phóng quan trọng, bảo vệ các binh trạm hành lang Bến Giằng, Ôccrung, Pa tôih và Đhơngôh, nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công để làm đường, làm hệ thống kho tàng, đi dân công vận chuyển gạo, muối, quân trang, quân dụng, thuốc men, tải thương và bảo vệ hành lang an toàn phục vụ chi viện cho chiến trường; Và cùng với nhân dân cả nước góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu".
Có thể nói, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn về mọi mặt, vừa vận động kháng chiến, vừa chống địch càn quét, đánh phá, vừa xây dựng căn cứ địa miền núi vững chắc; song Đảng bộ huyện đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo cách mạng ở địa phương, với phương châm “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng hòa cực khổ với dân; trong đó thành công lớn nhất là vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, tiến tới xóa bỏ nạn “giặc mùa”, nạn “ăn đầu, trả đầu”, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, khôi phục lòng tin giữa các dân tộc anh em, tạo sự đoàn kết trong kháng chiến và giữ vững vùng tự do thành hậu phương, hậu cứ vững chắc của cách mạng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đồng bào các dân tộc trong huyện đã dũng cảm đương đầu với các hình thức chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và tay sai; chúng huy động bộ máy chiến tranh tập trung đánh phá nặng nề, ác liệt với mọi thủ đoạn tàn bạo, bằng mọi loại vũ khí và phương tiện hiện đại nhằm hủy diệt sự sống, đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng địa phương... nhưng suốt hơn 20 năm vẫn không khuất phục được lòng yêu nước và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân Nam Giang. Chính bản lĩnh và ý chí kiên cường của người dân nơi đây đã làm nên những trận đánh, địa danh đã đi vào lịch sử núi rừng như: trận đánh địch ở dốc Gợp, đánh hạ đồn Gơ- Lâu, bao vây đồn Atép, đồn A roó, đồn Đắc - Ploong; tiêu biểu là trận đánh đồn Bốt Xít ngày 23/10/1960, tiêu diệt đồn địch đầu tiên trên đất Nam Giang đã gây tiếng vang lớn, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào đồng khởi ở Miền núi.
Những tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan góc, mưu trí của du kích xã Đắc Pring, du kích làng Cha Đó xã Zơ Nông bắn rơi máy bay địch được nhân rộng ra toàn tỉnh học tập. Nhiều tấm gương bất khuất của anh Pơ Loong Nhập; A Lăng Bin; chiến sỹ giao liên Kapa Hương; xã đội trưởng Bnướch Đố, mẹ Căn Zơh và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác mãi mãi đi vào sử sách. Đặc biệt, cuộc tiến công của lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã Chà Vàl, Đắc Pring, ĐắcTôih, Tà Pơơ, Coong Năng vào cứ điểm Coong Zêl tháng 4 năm 1965 đã đưa địch vào thế bị bao vây, cô lập hoàn toàn ở giữa núi rừng, chúng vội vã bốc quân rút chạy về xuôi, chốt điểm cuối cùng của Mỹ-Ngụy bị xóa bỏ, huyện Nam Giang hoàn toàn được giải phóng (ngày 24/4/1965). Từ đây phong trào cách mạng ở Nam Giang bước sang một trang sử mới, nhân dân được hoàn toàn tự do làm chủ núi rừng, tập trung đẩy mạnh xây dựng và giữ vững căn cứ địa cách mạng vững chắc của chiến trường Quảng Nam và khu 5.
Trong những năm tháng chiến tranh, tuy kẻ thù dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc và tàn bạo, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất, song Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân giữ vững phong trào cách mạng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng ở các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Và cùng với nhân dân cả nước, địa bàn Nam Giang trở nên nhộn nhịp trong công tác vận tải phục vụ chiến trường, khẩn trương hoàn thành con đường mang tên "thắng lợi" và sửa chữa đường 14 phục vụ cho bộ đội hành quân đưa vũ khi tấn công giải phóng Thượng Đức, đập tan hệ thống phòng thủ bảo vệ thành phố Đà Nẵng của địch. Làm cơ sở tiến công nổi dậy tiêu diệt địch, giải phóng các huyện đồng bằng, thị xã Tam Kỳ và thành phố Đà Nẵng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những đổi thay trên mảnh đất Nam Giang Anh hùng.
Sau ngày hòa bình lặp lại trong bộn bề gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung sức phát triển kinh tế, phá gỡ bom mìn, tiến hành thực hiện cuộc vận động định canh định cư, phát triển sản xuất đưa nền kinh tế của huyện đi dần vào thế ổn định, hằng năm đều có bước tăng trưởng khá, văn hóa xã hội đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, hệ thống chính trị luôn được củng cố; một số phong trào được ghi nhận dẫn đầu các huyện miền núi trong tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, huyện đã dồn sức triển khai thực hiện nhiều chương trình đầu tư phát triển, cải thiện an sinh xã hội. Để chọn bước đi thích hợp, Nam Giang đã xác định cơ cấu kinh tế “Nông- lâm, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch”. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định 03 nhiệm vụ đột phá đó là: (1) đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; (2) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và công tác giảm nghèo bền vững; (3) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Với sự đầu tư hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ huyện, vì vậy, nền kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, Quốc phòng- an ninh được củng cố tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Từ 2015 đến nay, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,73%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì và phát triển ổn định, tốc độ tăng 24,22%; thương mại, dịch vụ tăng trưởng 31,92%; thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng bình quân hàng năm là 39,6%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,8%; việc thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo đem lại hiệu quả thiết thực, những năm qua đã cơ bản xóa nhà tạm cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, các hộ nghèo làm cho đời sống, sinh hoạt của bà con có bước cải thiện đáng kể, đến nay cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân giảm 5,42% (năm 2018 còn 44,34 %). Mạng lưới hạ tầng trên địa bàn huyện được triển khai khá đồng bộ, đến nay có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 70% đường thôn, xóm và 65% đường trục chính nội đồng được bê tông, cứng hóa; cải tạo, nâng cấp 70 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 7,2 km kênh mương do xã quản lý, đáp ứng 65% nhu cầu nước tưới cho sản xuất; 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 12/12 xã, thị trấn có điện lưới về đến trung tâm xã, cơ bản phủ mạng điện thoại, sóng phát thanh truyền hình. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã và đang trở thành phong trào rộng lớn; các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; tỉ lệ bác sĩ/số dân thuộc diện cao trong toàn tỉnh, bình quân 1 bác sĩ/1.000 dân. Giáo dục- đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều năm liền huyện nhà được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Công tác thương binh- xã hội có nhiều cố gắng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách và người có công cách mạng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện chuyển biến rõ rệt; bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị huyện hầu hết có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở xã, thị trấn cũng đã dần được chuẩn hóa với hơn 85% có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó trên 50% có trình độ chuyên môn đại học. Qua đó, đã từng bước đáp ứng việc chuẩn hóa cán bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Song song với việc chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, khóa XII của Đảng; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố; nếu từ khi thành lập Đảng bộ huyện (28/6/1949) chỉ có 04 chi bộ/ 57 đảng viên, thì đến nay đã phát triển lên 2.669 đảng viên/54 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc; công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương thường xuyên được quan tâm, các xã Tà Bhing, Cà Dy, Chà Vàl và thị trấn Thạnh Mỹ đã hoàn thành công trình lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ; các xã Đắc Pring, La Ê, La Dê đang triển khai sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ của địa phương mình. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng luôn bám sát cơ sở, bám dân, tuyên truyền giáo dục nhận thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những đổi thay dễ nhận thấy nhất trên quê hương là nhiều dự án, công trình được đầu tư như: Khu trung tâm hành chính huyện gắn với sự phát triển mở rộng của đô thị Thạnh Mỹ; hệ thống các thủy điện bậc thang trên dòng sông Bung, nhà máy xi măng Xuân Thành, các tuyến đường quốc lộ Hồ Chí Minh, 14B, 14D, Đông Trường Sơn, hệ thống giao thông, điện nối với các xã vùng cao biên giới; khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang-ĐắcTàOoc và 02 cụm công nghiệp tại Thôn Hoa (Thạnh Mỹ) và Aliêng (TàBhing) đã và đang được triển khai… sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phồn thịnh của Nam Giang trong tương lai
Một số kinh nghiệm rút ra.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Nam Giang vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định; nhưng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự đồng thuận của nhân dân và khơi dậy các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực con người Nam Giang, huyện nhà sẽ không ngừng phát triển phồn thịnh. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm sau.
Thứ nhất, Đảng bộ huyện ra đời, trưởng thành do nhiều yếu tố, trong đó đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, đấu tranh yêu nước và cách mạng. Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, truyền thống đó luôn phát huy cao độ, yêu nước gắn liền với yêu Đảng, trung thành với lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, xuyên suốt 70 năm hoạt động, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ huyện đã gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhiều lần bị kẻ thù đánh phá, mất liên lạc với cấp trên, tưởng chừng như không thể vượt qua; nhưng cũng chính trong những năm tháng gian khổ đó, đã sáng ngời lên tinh thần bất khuất, kiên trung và tôi luyện ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên quê hương Nam Giang anh hùng.
Thứ ba, Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, sự lãnh đạo của Đảng bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của các phong trào cách mạng ở địa phương, đặc biệt là sự vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra những nhiệm vụ, biện pháp và cách làm thích hợp, sát đúng để lãnh đạo các phong trào cách mạng huyện nhà đạt nhiều kết quả.
Thứ tư, Nhiệm vụ mới đặt ra cho thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới là hết sức nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phải tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí phấn đấu cao hơn nữa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo. Tập trung đầu tư phát triển kinh tế- văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đảm bảo QP-AN.
Trước mắt từ nay đến năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, phải đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, tạo sinh khí mới trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân để phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đã đề ra; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015- 2020.