Hàng năm, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện, thể hiện rõ rệt nhất là đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cũng như sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, kết quả công tác giảm nghèo có sự chuyển biến đáng kể, số hộ thoát nghèo 5 năm qua 1.308 hộ, tỷ lệ giảm bình quân 5,95%/năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 36,51%. Đồng chí A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với quyết tâm phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 5-7%. Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định cần tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án đạt kết quả cao nhất để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ chủ trương đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo, như đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo; mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực ưu tiên cho công tác xoá đói giảm nghèo. Hàng năm, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo cho lao động; tập huấn chuyển giao kỹ thuật chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, cách sử dụng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo, góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức để người lao động áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 5 năm qua; Các chính sách xã hội thường xuyên quan tâm, huyện đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 254 nhà ở người có công với cách mạng. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội đạt 3.045 lao động, bằng16,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp 700 lao động, giải quyết việc làm 678 lao động, trong đó xuất khẩu 07 lao động tại các thị trường: Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Arập Xê út…
Trong thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo động lực thúc đẩy cho phát triển; Xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới được đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ. Tập trung ưu tiên 7 nhóm công trình: kênh mương, thủy lợi; giao thông; trường học; thiết chế văn hóa, thể thao; trạm xá xã; hạ tầng trung tâm hành chính mới huyện; các xã xây dựng nông thôn mới, với tổng nguồn vốn đã thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 là 737,698 tỷ đồng. Hệ thống giao thông các tuyến đường ĐH3, ĐH4 và giao thông nông thôn đã nâng cấp, bê tông hóa 19km, kiên cố hóa 17km, đường đến trung tâm các xã Chơ Chun, ĐắcPring, công trình cầu Sông Thanh kết nối khu tái định cư và vùng sản xuất thôn Pà Ong, xã Cà Dy với tổng mức 372,94 tỷ đồng, chiếm 50,55% vốn đầu tư từ ngân sách. Đến nay, có 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 75% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa và 66% đường nông thôn, liên thôn được cứng hóa; 80% đường ngõ, xóm không còn lầy lội; hạ tầng kỹ thuật trung tâm hành chính huyện đã cơ bản được định hình.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và hỗ trợ giảm nghèo cho người dân có những chuyển biến tích cực. Từ các nguồn lực của Trung ương, tỉnh và huyện, đã hỗ trợ nhân dân các loại giống cây ăn quả, cây dược liệu (ba kích tím, đinh lăng), keo Úc, bò và heo cỏ địa phương, với tổng kinh phí 43,6 tỷ đồng; xây dựng 02 mô hình phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó, mô hình bưởi da xanh gồm 6ha và 8 ha bơ; chú trọng tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân, bước đầu mang lại hiệu quả, các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, điều kiện khám chữa bệnh, học tập... được quan tâm giải quyết.
Như vậy, từ kết quả xoá đói giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của huyện, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, sự tuyên truyền vận động hiệu quả của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là khơi dậy và phát huy được nội lực trong nhân dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng, của các đơn vị kinh tế trong các thành phần kinh tế các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn huyện đối với người nghèo, vì người nghèo để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại hạn chế đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo chênh lệnh giữa các xã, thị trấn. Cùng với đó một số người nghèo chưa có ý thức tự giác thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chưa phát huy tốt sự sáng tạo, ý chí tự lực của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Có nơi, có lúc nguyên tắc dân chủ chưa được thực hiện triệt để, việc phân cấp cho cơ sở còn hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội vươn lên làm giàu chính đáng.
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, BCH Đảng bộ huyện Nam Giang sẽ xây dựng Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025, với những nội dung cụ thể, quan điểm chỉ đạo của huyện xoá đói giảm nghèo là sự nghiệp của toàn dân, kết quả thành công phụ thuộc trước hết vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Nhà nước dành nguồn lực ưu tiên đầu tư tạo điều kiện để các xã nghèo phát triển nhanh hơn, cải thiện và nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để chương trình đạt được hiệu quả, các chính sách ban hành và tổ chức thực hiện phải lấy người nghèo làm chủ thể trong việc tiếp cận và hưởng thụ, chương trình sẽ huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội giúp các xã nghèo có điều kiện vươn lên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo sát sao và đồng bộ của chính quyền, sự phối hợp tích cực của MTTQ và các đoàn thể, đồng thời phải tôn trọng và phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình. Mục tiêu của cả giai đoạn là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo. Cùng với đó, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp với đặc điểm từng xã; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng. Phấn đấu hàng năm giảm từ 300-350 hộ nghèo. Về một số giải pháp; huyện tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng gắn với khai thác hợp lý các lâm sản phụ từ rừng; không để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy trái phép xảy ra. Phối hợp với sở, ban, ngành liên quan của tỉnh giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai dự án cao su trên địa bàn, khai thác hiệu quả diện tích cao su đại điền hiện có gắn với công nghiệp chế biến mủ cao su. Xây dựng mô hình thí điểm bảo tồn và phát triển một số loài cây trồng và dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như: bòn bon, sâm bảy lá, tam thất, lan kim tuyến…và việc di thực sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng ở xã Chơ Chun theo đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh.
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Trong đó xác định ngành công nghiệp có lợi thế so sánh để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được quy hoạch. Tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thôn Hoa tại thị trấn Thạnh Mỹ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư an tâm đến sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tiếp tục cùng với nhà đầu tư xúc tiến các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư, quản lý và khai thác hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp CàĐăng tại xã TàBhing. Về thu hút ngành công nghiệp, bên cạnh danh mục ngành nghề đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại cụm công nghiệp thôn Hoa, tập trung ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và phân tán trong dân theo chuỗi liên hoàn, ổn định.
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là hạ tầng giao thông, phấn đấu 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, bê tông hóa. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị Thạnh Mỹ theo quy hoạch, hoàn thành việc chuyển dời các cơ quan còn lại của huyện về Thạnh Mỹ và phấn đấu xây dựng Thạnh Mỹ thành đô thị loại IV. Tăng cường quản lý quy hoạch tại Chàvàl, sắp xếp lại các điểm buôn bán phân tán hiện nay theo hướng tập trung vào đầu mối; khai thác có hiệu quả công trình chợ thương mại Thạnh Mỹ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư hạ tầng, hoàn thiện hồ sơ liên quan về thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, trên cơ sở đó tổ chức khai thác đón đầu để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch qua biên giới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện.
Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển vùng, lĩnh vực trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu mới. Khai thác hiệu quả thế mạnh, lợi thế so sánh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, cửa khẩu, tiềm năng đất đai; đồng thời chủ động liên kết với các địa phương lân cận phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, nâng cao chất lượng quản lý hiện trạng, dữ liệu đất đai, lập quy hoạch đất đai giai đoạn trung hạn và hằng năm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên lâm, khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, tỉnh và nguồn lực xã hội, của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý nguồn lực cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành các nguồn lực của chính quyền và của các cơ quan, đơn vị gắn với làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các nguồn lực đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.
Khai thác tiềm năng, lợi thế Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, thác Grăng, làng nghề truyền thống thổ cẩm Za Ra, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cửa khẩu Nam Giang, lòng hồ thủy điện…liên kết, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ; trong đó phối hợp xây dựng, thực hiện Đề án liên kết phát triển du lịch ba huyện Tây bắc Quảng Nam. Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn, chú trọng phát huy, khai thác tối đa tiềm năng về văn hóa truyền thống bản địa, hình thành thêm các sản phẩm du lịch truyền thống phi vật thể của đồng bào địa phương, nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động của hợp tác xã du lịch cộng đồng, làng dệt thổ cẩm Cơ Tu. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào khu du lịch sinh thái hiện có để mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn đủ sức kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát triển lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bước đầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá quy mô, từng bước phát triển lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bước đầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, kết hợp hiệu quả các nguồn lực cho quá trình phát triển của huyện trong những năm tới.