Là loại hình nghệ thuật mang tính dân gian thuần Việt, nghệ thuật hát chèo ra đời từ cuộc sống của những người dân lao động. Với hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, chèo không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, tết hay hội hè, đình đám mà trong cả những sinh hoạt dân dã của nhân dân.
Thời gian gần đây, trên mảnh đất Nam Giang, những làn điệu chèo ngọt ngào lại xuất hiện, với những nghệ sĩ không chuyên, họ là những cán bộ đã nghỉ hưu và những người cao tuổi, sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa đến Nam Giang lao động, làm việc và gắn bó với mảnh đất này.
Ông Nguyễn Xuân Cấp - Hội trưởng hội đồng hương Thanh Hóa huyện Nam Giang cho biết, xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và mong muốn của anh, chị em hội viên, Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống của hội được ra đời, bước đầu có 20 thành viên là những người yêu thơ, yêu văn nghệ, ca hát. Hàng tháng, các thành viên tập trung tại gia đình thành viên, tập văn nghệ, sưu tầm các bài hát truyền thống, không ai bảo ai, nhưng họ đều tập luyện hăng say, như chính mạch nguồn văn nghệ đã chảy trong máu của mình, Ông Cấp chia sẻ.
Vốn là người yêu văn nghệ, thích các điệu chèo truyền thống và hò khoan của người dân xứ Thanh, mỗi lần các thành viên tập trung, Ông Vương Đăng Hùng - thôn Pà Dấu 1 đều tham gia nhiệt tình, ông Hùng cho biết, mình tham gia các hoạt động này vừa tạo niềm vui, vừa động viên con, cháu thấy yêu quê hương, đất nước và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của những người con xa quê, chẳng có niềm vui nào lớn hơn sau những lúc lao động mệt nhọc. Lời ca tiếng hát gắn kết tình cảm anh em làng xóm. Người già quan tâm đến lớp trẻ, lớp trẻ kính trọng người già, sân khấu chèo là nơi để chúng tôi hòa mình vào đó, trao gửi những thương yêu đồng ruộng, xóm làng, gia đình, bè bạn". Câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng, phát triển nhờ nhiều hạt nhân văn nghệ có tâm, có tình. Ông Hùng chia sẻ.
Thời điểm huy hoàng nhất của những môn nghệ thuật truyền thống đã đi qua, giờ đây trong một xã hội phát triển như vũ bão về công nghệ, những ai yêu thích môn nghệ thuật truyền thống cũng phải cùng với nó vượt qua khó khăn. Thế nhưng, CLB cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Bằng cách xây dựng những thông điệp của cuộc sống đến với bà con như hãy gìn giữ môi trường, đừng sa đà vào các tệ nạn xã hội, hãy sống đẹp, sống có ích với cuộc đời hơn… Tất cả được chuyển tải một cách linh hoạt thông qua hình thức sân khấu hóa vừa nhẹ nhàng dễ hiểu, vừa thiết thực đi vào lòng người và giữa núi rừng Nam Giang, ngoài những điệu múa tân tung, za zá, hay những âm thanh ngọt ngào từ điệu Đinh tút truyền thống của người Cơ tu hay Tà riềng, còn có các điệu chèo truyền thống hay hò khoan của người con xứ Thanh, góp phần tạo một loại hình nghệ thuật phong phú hơn trong đời sống của những con người nơi đây.