Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Điểm sự kiện nổi bật năm 2019

Năm 2019 đã khép lại một mùa xuân mới lại về trên quê hương Nam giang anh hùng. năm 2019 cùng với cả nước và tỉnh, huyện Nam Giang gặp nhiều khó khăn, trong đó, dịch tả heo Châu phi, lở mồm long móng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế của huyện nhà, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân, tình hình kinh tế- xã hội của huyện đã có bước phát triển đáng mừng. Nhân dịp bước sang năm mới Canh Tý. Chúng tôi điểm lại những sự kiện quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-VH-XH-AN-QP năm 2019 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.

1. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang

Năm 2019, đánh dấu Đảng bộ huyện Nam Giang tròn 70 năm  xây dựng và phát triển Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện.

Ngày 10-3-1948, Châu Bến Giằng được thành lập, đến cuối tháng 12-1948 thực hiện chủ trương của Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh về việc đổi tên Châu Bến Giằng thành huyện Bến Giằng.

Trước tình hình trắng đảng viên ở vùng Bến Giằng, đầu năm 1947, Huyện uỷ Đại Lộc tăng cường về 2 đồng chí đảng viên, đó là: Nguyễn Lâm và Võ Lỵ. Để đi vào hoạt động có hiệu quả, Huyện uỷ Đại Lộc quyết định thành lập tổ Đảng đầu tiên tại Bến Giằng gồm 9 đồng chí do đồng chí Nguyễn Lâm làm tổ trưởng. Đến cuối tháng 4 năm 1948 , trên cơ sở giới thiệu của tổ Đảng Bến Giằng, Huyện uỷ Đại Lộc đã chuẩn y kết nạp thêm 9 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 18 đồng chí.

 Xuất phát từ tình hình đó, đồng thời để lãnh đạo công tác xây dựng căn cứ địa miền núi. Lúc này, toàn huyện đã hình thành được 4 chi bộ với 57 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên người dân tộc thiểu số, đây là tiền đề, là điều kiện để thành lập đảng bộ huyện. Ngày 28/6/1949, Hội nghị toàn thể đảng viên trong huyện được tổ chức tại trại tăng gia sản xuất Thạnh Mỹ đã công bố quyết định của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc thành lập Đảng bộ huyện Bến Giằng - nay là huyện Nam Giang, với danh sách Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện gồm 7 đồng chí ủy viên.

Xuyên suốt 70 năm xây dựng và phát triển. Đảng bộ huyện đã không ngừng phấn đấu hy sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn tiên phong đi đầu mọi phong trào cách mạng ở địa phương. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ huyện luôn chủ động không trông chờ, ỷ lại mà luôn phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tranh thủ, phát huy hiệu quả sử dụng đầu tư của cấp trên để phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với công tác xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, đó là những yêu cầu và nhiệm vụ thường xuyên cấp bách luôn được Đảng bộ huyện phát huy một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

2. Ký kết thống nhất chủ trương nâng cấp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cửa khẩu quốc tế

   Ngày 15/3/2019, đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn làm trưởng đoàn có buổi hội đàm với đoàn công tác của tỉnh Sê Kông (Lào) do đồng chí Thả-von Phôm-mạ-lay-lụn, Phó Tỉnh trưởng làm trưởng đoàn. Buổi hội đàm liên quan đến việc bàn bạc, ký kết biên bản thống nhất chủ trương đề nghị Chính phủ hai nước quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cửa khẩu quốc tế. Tại buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh, thời gian qua quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh kết nghĩa Quảng Nam - Sê Kông không ngừng phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng và ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2018, hai tỉnh đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình hợp tác. Việc hội đàm để thống nhất chủ trương nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cửa khẩu quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai bên và góp phần phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. Đại biểu của hai tỉnh cũng đã trao đổi, đi đến thống nhất các nội dung liên quan và tổ chức ký kết biên bản. Trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, hai bên đồng ý ký kết biên bản với các nội dung: thống nhất đánh giá cặp cửa khẩu chính Nam Giang - Đắc Tà Ọoc được nâng cấp lên cặp cửa khẩu chính vào năm 2006, đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, lực lượng chức năng hai bên đã triển khai đầy đủ đáp ứng việc kiểm soát người, hàng hóa và phương tiện xuất nhập qua cửa khẩu ngày càng tăng; hệ thống giao thông đáp ứng các tiêu chí của cặp cửa khẩu quốc tế. Ngoài ra, hai bên thống nhất làm thủ tục báo cáo Chính phủ hai nước cho phép nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cặp cửa khẩu quốc tế trong tháng 6.2019; đồng thời phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin liên quan để sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định. Sau khi được Chính phủ hai nước đồng ý, hai bên sẽ phối hợp tổ chức lễ nâng cấp cặp cửa khẩu lên thành cửa khẩu quốc tế.

3. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT huyện (9.4.1949-9.4.2019).

Ngày 9.4. 2019; UBND huyện long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT huyện (9.4.1949-9.4.2019).

Ngay sau khi ra đời, LLVT huyện nhà luôn được sự che chở, đùm bọc của nhân dân; sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bến Giằng và sự hỗ trợ về kinh nghiệm của các huyện đồng bằng, nhất là các huyện vùng bị tạm chiếm. Từng bước xây dựng, cũng cố và phát triển lực lượng, tháng 9/1949 phát triển lên Trung đội bộ đội địa phương, tháng 5/1950 phát triển lên Đại đội bộ đội địa phương.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Nam tập trung xây dựng các căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi và khẩn trương xúc tiến xây dựng LLVT nhân dân làm nòng cốt thúc đẩy phong trào khởi nghĩa, đấu tranh của nhân dân và phát triển chiến tranh cách mạng trong tình hình mới. Phong trào đấu tranh cách mạng của huyện Nam Giang có bước phát triển mạnh mẽ, các trận đánh mở đầu trong kháng chiến chống Mỹ đã giành được những thắng lợi như trận Gợp ngày 05/9/1959; trận Ga Lâu; trận đánh đồn A ró… tiêu biểu như trận đánh đồn Bót Xít khoảng 01 Đại đội lính bảo an chốt giữ, do đồng chí A Lăng Bin chỉ huy với quân số 70 đồng chí, chủ yếu súng trường và thủ pháo, lựu đạn, chỉ sau 30 phút chiến đấu ta làm chủ đồn, tiêu diệt gần 60 tên, bắt sống 20 tên…góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân đất mẹ Quảng Nam, là “tiếng pháo lệnh”, “hồi kèn xung trận” của LLVT và đồng bào các dân tộc huyện nhà cổ vũ phong trào LLVT tỉnh từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Những chiến công tiêu biểu của LLVT huyện Nam Giang viết nên bằng lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí kiên cường và lòng yêu quê hương, đất nước lớn lao. Trong chiến đấu, LLVT huyện đã sản sinh ra nhiều tấm gương sáng ngời tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan góc, mưu trí sáng tạo như: Tấm gương của Pơ Loong Nhập trong trận quân Mỹ dùng chiến thuật “Phượng hoàng bay”, “Trực thăng vận” ở Bến Yên- Thạnh Mỹ, đã dùng súng trường 3693 chọn địa thế thuận lợi bên gốc cây cổ thụ, giương súng chờ máy bay địch khi bổ nhào để ném bom để bắn cháy tại Làng Dung, mở đầu cho phong trào dùng súng bộ binh bắn máy bay Mỹ của LLVT tỉnh Quảng Nam; đ/c Pơ Loong Nhập được Bộ tư lệnh Quân khu 5 tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3…

4. Kinh tế huyện Nam Giang tiếp tục tăng trưởng mạnh

Năm 2019, kinh tế Nam Giang tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh.  Theo đó, huyện Nam Giang đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó,  có 13/18 chỉ tiêu vượt và 05/18 đạt kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019, đạt gần 249 tỷ đồng; Công tác thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 855,450 tỷ đồng/528,045 tỷ đồng, bằng 162% dự toán; trong đó, Thu nội địa trên địa bàn: 198,5 tỷ/239,530 tỷ, bằng 82,9% kế hoạch; Chi Cục Thuế và các ngành của huyện quản lý thu thực hiện năm 2019 là 43,395 tỷ đồng/23,890 tỷ đồng, bằng 181,6%. Theo kết quả điều tra năm 2019, toàn huyện có 2.569 hộ nghèo/7.036 hộ toàn huyện, giảm 476 hộ/450 hộ theo chỉ tiêu giao, chiếm tỷ lệ 36,51%, giảm 7,83% so với năm 2018. Đến nay, đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Thôn Hoa

 5. Sông Thanh được vinh danh Khu bảo tồn thiên nhiên xuất sắc

Ngày 19.12.2019, Hiệp hội Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, Trung tâm GreenViet tổ chức trao Giải thưởng bảo tồn thiên nhiên 2019. Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được trao giải thưởng này. Đây là giải thưởng vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và góp phần tuyên truyền quảng bá cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.

Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm, là một thành phần quan trọng trong cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn của vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

Đây là vùng lõi chủ yếu của vùng cảnh quan có vị trí ưu tiên của quốc gia, khu vực và toàn cầu do giá trị đa dạng sinh học cao với các loài đặc hữu đã được ghi nhận. Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được thực hiện đạt hiệu quả, nổi bật là các hoạt động bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng. 

   6. Thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang

  Ngày 15 tháng 10. Tại xã Tà Pơ, UBND huyện Nam Giang tổ chức công bố quyết định thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang. Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang trực thuộc UBND huyện Nam Giang trên cơ sở bàn giao nguyên trạng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) để thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển đối với diện tích hơn 55.510ha rừng nằm trên lưu vực sông Bung (thuộc địa phận của các xã Chơ chun, Chaval, La Dê, La Ê, Ta Bhing, Tà Pơ, Zuôih, Đắc Pre, Đắc Pring, Đắc Tôi và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Diện tích đất có rừng của lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang được rà soát và thống kê theo Quyết định 145/QĐ-UBND ngày 11.1.2018 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả lồng ghép số liệu kiểm kê rừng năm 2016 với số liệu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện kiểm kê rừng bổ sung là hơn 41.690ha (toàn bộ là rừng tự nhiên). Theo quyết định được công bố, ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiêm chức danh Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang.

  7. Hỗ trợ huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Koong xây dựng công trình nhà ở nội trú trường cấp 2.3

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2019, UBND huyện Nam Giang phối hợp với Ủy ban Chính quyền huyện Đắc Chưng tổ chức lễ Khánh thành và bàn giao công trình nhà ở nội trú trường cấp 2.3 huyện Đắc Chưng- Sê koong- Lào. Công trình này càng thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa hai huyện.        Công trình nhà ở nội trú được xây dựng  theo quy mô 5 phòng ở, cùng hệ thống nhà vệ sinh khép kín, đảm bảo việc sinh hoạt nội trú cho 70 học sinh địa phương, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí thực hiện công trình, ngoài trích từ ngân sách của địa phương còn có một phần đóng góp hỗ trợ ngày lương của các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại huyện Nam Giang. Công trình nằm trong hoạt động hỗ trợ theo Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng giữa hai địa phương tại hội nghị thường niên lần thứ IV năm 2017.        

8. Các VĐV Nam Giang đạt 06 Huy chương gồm 02 HCV, 02 HCB và 01 HCĐ tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI khu vực II năm 2019.

Từ ngày 23-27/5/2019 tại tỉnh Đắc Nông diễn ra Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI khu vực II năm 2019. Tham gia hội thi có các đoàn VĐV của 17 tỉnh khu vực phía nam và Tây Nguyên tham gia tranh tài ở 07 môn thể thao gồm bắn nỏ -ná, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bóng đá nam 05 người, bóng chuyền nam, nữ và chạy việt dã. Đoàn VĐV tỉnh Quảng Nam tham gia tranh tài ở hai nội dung là bắn ná và đẩy gậy với 10 VĐV, trong đó huyện Nam Giang đóng góp 06 VĐV. Kết quả Đoàn VĐV Quảng Nam đạt 8 huy chương các loại, trong đó các VĐV Nam Giang gặt hái thành tích cao khi đóng góp 06 Huy chương gồm 02 HCV, 02 HCB và 01 HCĐ. Đây là thành tích nổi bật của các VĐV huyện nhà đóng góp vào thành công chung của đoàn VĐV tỉnh Quảng Nam.

9. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết: Trong năm 2019,  toàn huyện có 295 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

 Trung tâm Y tế huyện đã thành lập các đội xung kích là thành phần cán bộ y tế xuống các hộ gia đình trên địa bàn 10 tổ của thôn Dung của thị trấn Thạnh Mỹ, Thôn A Bát xã Chà Val cùng chung tay với nhân dân trực tiếp xử lý môi trường, các biện pháp phát quang bụi rậm để loại trừ nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi, tổ chức cùng các hộ gia đình diệt lăng quăng, bọ gậy và hướng dẫn các biện pháp phòng chống muỗi đốt. Bên cạnh đó đã triển khai 3 đợt phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch tại các hộ gia đình thuộc thôn Dung, thôn Thạnh Mỹ II và thôn A Bát xã Chà Val trong vùng phạm vi có dịch bán kính 200 m…

10. Dịch tả heo Châu phi xuất hiện trên địa bàn huyện Nam Giang

Theo đó, tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Tà Bhing đã ghi nhận trường hợp lợn chết dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiến hành tiêu hủy 30 con lợn. Sau đó, huyện Nam Giang đang triển khai phun tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi của người dân, thành lập các tổ chốt chặn, tổ tuần tra lưu động để kiểm tra việc vận chuyển lợn và thịt lợn ra vào địa bàn huyện. Theo thống kê của các ngành chức năng, đến cuối năm 2019, toàn huyện có 12 xã, thị trấn/31 thôn/531 hộ xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu phi, số lượng lợn bị mắc bệnh đã tiêu hủy là 2.590 con/76.507 kg.



Tác giả: Văn Thủy

Nguồn tin: Tổng hợp

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết