Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở Nam Giang, thành tựu, khó khăn và giải pháp

Tăng trưởng kinh tế điều kiện quan trọng, là nhân tố cơ bản để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giảm nghèo là nhân tố đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế mang tính bền vững, chúng vừa có tính đồng thuận, vừa có tính mẫu thuẫn. Với ý nghĩa to lớn đó, xuyên suốt các kỳ Đại hội đảng bộ của huyện, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả quan trọng đối với sự phát triển KTXH và giảm nghèo tại địa phương.




Kết quả trong 5 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (Tính trên cơ sở kết quả giá trị sản xuất các ngành kinh tế) đều đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh và Huyện giao hàng năm. Tổng giá trị sản xuất đạt 10.724,9 tỷ đồng, trong đó :

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp đạt 1.286 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,35%/năm, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh và huyện giao hàng năm. Kết quả trên đã góp phần tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi, đảm bảo kế hoạch an ninh lương thực. Các mô hình trồng cây cao su, cây keo, cây loòng boong, các loại giống lúa, bắp, phát triển chăn nuôi bò, heo cỏ địa phương… bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lao động và vận dụng những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, bước đầu nắm bắt được quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Công tác xây dựng nông mới, đến cuối năm 2018 toàn huyện đạt bình quân 9,8 tiêu chí/xã, trong đó, xã Tà Bhing đạt cao nhất 15/19 tiêu chí và xã đạt thấp nhất là Chơ Chun mới đạt 5/19 tiêu chí. Như vậy đến cuối năm 2018, chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong khi đó huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2015 có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế như thu nhập tính trên đầu người đạt thấp, thiếu việc làm, thiếu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho người dân, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất lạc hậu, tình hình tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành còn nhiều hạn chế. Do đó một số mục tiêu của chính sách ban hành chưa đạt được... dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tình trạng khai thác tài nguyên lâm, khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn khá phức tạp. Đây là những yếu tố được coi là những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển KTXH ở địa phương, nếu không được giải quyết thì mọi sự đầu tư của Nhà nước vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều khó đem lại hiệu quả mong muốn.


Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Kết quả, tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 6.935,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 53,83%/năm, thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh và huyện giao hàng năm. Có thể khẳng định tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất đáng trân trọng, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng lĩnh vực này là sự phát triển của các nhà máy thuỷ điện, từ đầu năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện đã có 5 công trình Thuỷ điện đã được khởi công và đi vào hoạt động, ngoài ra có sự đóng góp của Nhà máy xi măng Xuân Thành và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác mỏ vật liệu xây dựng … hàng năm đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên lĩnh vực này thời gian qua chưa đóng góp nhiều cho việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu như quy mô dự án, môi trường làm việc, chính sách tiền lương của doanh nghiệp cho công nhân, trình độ, nhận thức của người dân, chất lượng nguồn nhân lực thấp …còn nhiều hạn chế đang là thách thức đối với sự phát triển KTXH và giảm nghèo tại địa phương.

Lĩnh vực Thương mại, dịch vụ: Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ  giai đoạn 2014-2018 đạt 2.503 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,92%/năm, hàng năm đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh và huyện giao. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, thương mại và dịch vụ tại Nam Giang phần lớn mới dừng lại ở đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất của nhân dân. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân...mặt khác do ngân sách eo hẹp chúng ta chưa đầu tư xây dựng được mạng lưới chợ xã. Bên cạnh đó, lượng hàng hoá qua lại cửa khẩu không nhiều, nguồn thu từ hoạt động thương mại, dịch vụ tại đây quá thấp. Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư nên cơ sở hạ tầng khu kinh tế của khẩu Nam Giang vẫn chưa được hoàn thiện, tuyến đường 14D nối từ đường HCM lên của khẩu chưa được đầu tư mở rộng.

Đối với công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 62,67% (năm 2013) xuống còn 44,34% (năm 2018). Số lượng hộ nghèo giảm trong 5 năm là  527 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo trong các năm qua tuy có giảm bình quân 3,66%/năm, nhưng Nam Giang là một trong các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Nam. Công tác giảm nghèo đang gặp rất nhiều khó khăn

Như vậy, xét một cách tổng quan tình hình tăng trưởng kinh tế ở Nam Giang luôn đạt ở mức cao, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm theo. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng kinh tế tác động đến giảm nghèo không đều. Để phát huy mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững tại địa phương, cần nghiên cứu, xem xét các giải pháp sau :

Thứ nhất; Trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp cần phát động phong trào cho nhân dân trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo đúng tinh thần Nghị định 75/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch phát triển cây dược liệu Nghị quyết 202/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngoài ra chú trọng phát triển cây bản địa có giá trị kinh tế cao như cây long bon, cây gáo vàng, sâm bảy lá; Triển khai thực hiện hiện tốt Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sớm giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc còn thiếu đất sản xuất.

Thứ hai; Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp thôn Hoa, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động, đồng thời rà soát bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại các xã xã Tà Bhing, Chà Vàl và khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực đầu tư về phát triển hạ tầng trong cụm công nghiệp, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách

Thứ ba; Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch cần phát triển mạng lưới chợ tại các xã có điều kiện, tổ chức tốt công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp có lợi thế ở địa phương tham gia chương trình OCOP Quảng Nam. Tổ chức hội chợ thương mại tại trung tâm các xã vùng cao tại Chà Vàl. Khuyến khích, tạo môi trường cho phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các điểm cảnh quan đẹp, hoang sơ chưa bị khai thác và thương mại hóa như Thác Grăng, hệ thống lòng hồ các công trình thuỷ điện, đồng thời khai thác tài nguyên du lịch nhân văn như ẩm thực dân tộc Cơtu, nghề truyền thống, nhà gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá của người Cơtu để làm nền móng cho sự phát triển du lịch tại địa phương. Đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tiểu khu kinh tế, thương mại, dịch vụ, cụm công nghiệp A Dinh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế của khẩu Nam Giang và sớm đầu tư mở rộng tuyến đường 14D nối từ đường HCM lên của khẩu Nam Giang.

Thứ tư; Tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm bảo đảm tính chính xác, dân chủ, công khai và phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp trợ giúp như hỗ trợ vay vốn, đất sản xuất, phương tiện sản xuất; Hỗ trợ học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động. Đối với các đối tượng hộ nghèo yếu thế: đơn thân, già cả không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật không tự tạo được việc làm …không có nguồn thu nhập cần huy động các nguồn lực của cộng đồng và xã hội quyên góp, hỗ trợ.

Thứ năm; Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền tới các thôn, người dân thì cấp uỷ và chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để thực thi có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước đã ban hành. Vì suy cho cùng con người là nhân tố đóng vai trò quyết định của sự phát triển.

Kế thừa, phát huy những thành tích đã đạt được cùng với tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với các huyện miền núi khác trong tỉnh như vị trí địa lý, hệ thống giao thông, tài nguyên đất đai, lâm khoáng sản. Hy vọng trong những năm tiếp theo huyện nhà sẽ đạt được những thành quả tốt hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương Nam Giang ngày một phát triển, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn ./.

Tác giả: A Vô Tô Phương

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết