Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Gian nan hành trình truy quét vàng tặc

Với diện tích rộng lớn, tài nguyên phong phú, có nhiều khu vực có hàm lượng vàng lớn; lại nằm trong rừng sâu, đường sá đi lại hết sức khó khăn, cách trở, nên nhiều đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, gây khó khăn trong công tác quản lý và đặc biệt dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường rừng tự nhiên. Mặc dù, huyện Nam Giang và các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng khai thác đã bất chấp nguy hiểm lén lút khai thác.


Đốt lán trại của các đối tượng vàng tặc

Kỳ 1: Kỷ niệm khó quên qua những lần truy quét

Trong đợt truy quyét lần này, đoàn kiểm tra liên ngành gồm 25 thành viên, với đầy đủ các lực lượng từ huyện đến xã, gồm Công an, Biên Phòng, Kiểm Lâm, Tài nguyên môi trường và lực lượng công an, dân quân các xã Tà pơ, Chà và , Đắc Pre, Đắc Pring. Và điều may mắn với tôi trong chuyến đi này, được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị chung quanh các đợt truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Đặc sản là mì tôm

Anh Zơ Râm Lượn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang cho biết, đây là lần thứ 18, anh tham gia các đợt truy quét do huyện triển khai và mỗi lần tham gia đều có những kỷ niệm khó quên, anh Lượn cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các đợt truy quét trước, đợt này các thiết bị máy móc được các ông chủ bãi vàng chôn rất kỹ và rất sâu, có nơi đến gần 2m dưới lớp đất đá nhằm gây khó khăn cho đội truy quét và cố thủ bảo vệ tải sản, đồng thời các đối tượng được chia nhau phân tán khắp nơi rãi rác trên các đỉnh đồi, cùng với thiết bị quan sát như ống nhòm có thể nhìn xuống quan sát nhất cử nhất động của đoàn để tìm cánh đối phó”, về những kỷ niệm đáng nhớ, anh Lượn cho biết thêm, ngoài việc leo núi, băng rừng vất vả, việc ăn, ở của anh em trong đoàn cũng rất đáng nhớ, vì các đợt truy quét thường kéo dài, công tác hậu cần rất quan trọng, nhiều lúc thiếu thốn, anh em phải ăn mì tôm liên tục, vì vậy, với anh em tham gia đoàn truy quét thì mì tôm luôn được coi là món đặc sản, cũng theo anh Lượn, trong những lần truy quét trước, nửa đêm anh em đang ngủ ngon thì các đối tượng cử lực lượng xuống theo dõi đoàn và đã dùng đá ném vào các trại của lực lượng, đoàn phải nổ súng cảnh cáo họ mới rút lui.

Suýt chết vì đốt lán trại

Tiếp thêm câu chuyện trong chuyến đi, anh Zơ Râm Hinh- cán bộ văn phòng - địa chính xã Tà Pơ cho biết, mình tham gia đã 16 đợt cùng anh em trong đoàn, nhưng kỷ niệm không bao giờ quên đó là vào năm 2017, sau khi phá hủy máy móc, phương tiện của các đối tượng, lúc đoàn sắp về, anh em tập trung củi, dầu, bạt để đốt lán trại, lúc đoàn đi được khoảng 300m thì một loạt tiếng nổ đanh thép từ lán trại bốc khói nghi ngút, thì ra tiếng nổ đó phát ra từ lán trại mới đốt và đó là tiếng mìn nổ do các đối tượng khai thác vàng cất dấu dưới đất, anh em trong đoàn ai cũng được một phen hú vía, vì thoát chết trong gang tấc, anh Hinh chia sẻ.

Và đây chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi được anh, em chia sẻ và qua mỗi đợt truy quét, anh, em trong đoàn lại có thêm kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong những lần sau.


Bữa mì tôm giữa rừng của anh em đoàn truy quét

Kỳ 2 : Câu chuyện của một phu vàng

ở Nam  Giang, các bãi vàng tuy nằm trong rừng sâu, cách xa khu dân cư, nhưng các bãi vàng như: đồi Thạnh mỹ 1; Thạnh Mỹ 2; Thạnh Mỹ 3 hay khe Tà Vạc; Đồi năm tầng, Khe Vàng Xanh...cách nhau cũng từ 1,5 đến 2 tiếng đi bộ. Tại các khu vực khai thác, nhiều đối tượng và thành phần khác nhau nên việc tranh dành địa phận, hay xưng hùng, xưng bá, kể cả chuyện hút, chích cũng xảy ra như cơm bữa, trong chuyến đi lần này, tôi được nghe câu chuyện kể về cuộc đời của một phu vàng.


Đồi Thạnh Mỹ 1 nhìn từ trên cao

Đó là anh Phạm Văn Đạo, sinh năm 1972, quê quán ở Hậu lộc - thanh Hóa, anh Đạo cho biết, do gia đình đông anh em, nên cách đây 10 năm đã theo các anh, em vào địa phận huyện Nam Giang làm vàng, đến năm 2014 do mâu thuẫn với một người tên Thanh nên trong lúc uống rượu đã thách thức nhau và xảy ra xô sát, Đạo đã dùng dựa chém bạn làm vàng bị trọng thương và bị bắt, xử 6 năm tù giam, anh Đạo cho biết: Lúc còn trong trại giam nghe tin cha, mẹ ở quê mất, trong lòng rất nghẹn ngào nhưng không biết làm sao, nhiều lúc thấy hối hận, muốn làm lại cuộc đời nhưng do không nghề nghiệp, không đất đai, nên vừa mới ra tù anh Đạo lại quay lại nơi cũ làm vàng, xót xa là vậy, nhưng sau khi ra tù, muốn về quê thắp cho cha, mẹ nén hương nhưng không có tiền, đành lên lại làm vàng và hôm chúng tôi gặp Đạo là lúc anh mới ra tù được 6 ngày.

Khi chúng tôi hỏi, sau đợt truy quét này,mong muốn của anh sau này làm gì, anh Đạo thật thà cho biết bản thân cũng không muốn làm nghề này nữa, nhưng trước mắt chưa biết làm gì nên tạm thời phải kiếm tiền nuôi bản thân và đứa con gái ở xã Đắc Pre, nếu có điều kiện, đất đai anh sẽ chuyển sang nghề khác, vì nghề này không tồn tại lâu được, và để tránh xa vào chuyện cũ, lần này anh làm 1 lán trại riêng và ở một mình, khai thác nhỏ lẻ.

Mỗi mảnh đời, mỗi số phận và chúng tôi cũng hi vọng, sau đợt truy quét này, anh Đạo sẽ tìm được công việc khác, tuy không thu nhập cao nhưng đó là công việc lương thiện, để cho mình và xã hội được bình yên hơn.

Kỳ 3: Gian nan hành trình truy quét

Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành, vượt qua gần 4 tiếng đi bộ băng qua các cánh rừng, khe suối, chúng tôi đến điểm khai thác đồi Thạnh mỹ 1, đây là một trong những điểm nóng về khai thác vàng trên địa bàn huyện những năm qua, tại đây, chỉ trong phạm vi hẹp, nhưng theo quan sát của chúng tôi, có đến 20 lán trại và 20 hầm khai thác vàng cả mới lẫn cũ. Như vậy, lúc cao điểm tại khu vực này cũng có gần 200 đối tượng khai thác vàng trái phép và khu vực này là điểm tập trung lớn nhất so với các bãi khác.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong các đợt truy quét là thông tin của đoàn hầu như được các đối tượng biết trước nên đã gây cản trở lớn cho công tác đẩy đuổi và các thiết bị máy móc được cất dấu kín đáo nên công tác tìm kiếm, phá hủy phương tiện cũng gặp rất nhiều khó khăn và mỗi khi gặp các đối tượng khai thác thì họ đều khai là không mang theo giấy tờ tùy thân, hoặc chỉ làm nhỏ lẻ, nên việc xử lý cũng gặp nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Công Bình - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện cho biết: Khi gặp các đối tượng này, đoàn rất khó xử lý, mà chủ yếu là lập biên bản rồi đẩy đuổi họ ra khỏi khu vực khai thác vàng.


Đập phá máy móc không cho các đối tượng vàng tặc khai thác trở lại

Qua 5 ngày truy quét, đoàn đã tiến hành đẩy đuổi 12 đối tượng khai thác trái phép ra khỏi địa bàn, đốt 21 lán trại, phá hủy 3 máy nổ, 1.250m ống nước, 320 lít dầu v.v... trong thời gian tới, huyện Nam Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác truy quét và đặc biệt là công tác chốt chặn các ngả đường vận chuyển lương thực, thực phẩm và máy móc của các đối tượng tại các tuyến đường trọng yếu và hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của huyện và các ngành, địa phương, việc ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện sẽ được đẩy lùi.

Tác giả: Văn Thủy

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết