Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Chơ Chun ngày mới

Sau 8 năm tái lập, với những hoạch định cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Chơ Chun (Nam Giang) ngày càng thay da đổi thịt.


Con đường mới được mở lên Chơ Chun, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vượt qua gian khó

Nhiều năm trước, ai từng đặt chân đến xã Chơ Chun hẳn đều chung ký ức về một vùng đất gian khó của Nam Giang. Và tên gọi “xã 5 không” thời đó được đặt cho Chơ Chun, cũng hàm nghĩa nỗi ám ảnh về điều kiện cuộc sống quá khó khăn sau thời gian tái lập. Không đường, không điện, không trường, không trạm và không có trụ sở UBND xã, Chơ Chun thời đó như một vùng đất tách biệt. Nhưng hôm nay đã khác, Chơ Chun khoác lên mình một màu xanh tươi mới, sau những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và đồng bào địa phương.

Ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun kể, ngày ấy, những căn nhà xập xệ với mái tôn chắp vá là nơi làm việc của hàng chục cán bộ địa phương. Sau những trận mưa lớn, nền đất trở nên nhão nhoẹt, ai cũng phải lội bùn bì bõm. Trải qua chặng đường gần 10 năm, dù gian khó vẫn còn hiện hữu, nhưng với người dân Chơ Chun đây là một bước tiến đáng tự hào, góp nên màu sắc vào diện mạo chung của xã trên hành trình xây dựng đời sống mới ở vùng cao này.

“Từ con đường đất đá gồ ghề, hiểm trở nối dài từ xã La Êê nay đã được thay thế bằng bê tông phẳng lì về tận trung tâm xã, không chỉ thuận lợi cho việc đi lại của người dân địa phương, mà còn giúp kết nối giao thương buôn bán nông sản giữa đồng bào các vùng lân cận. Ngoài ra, bên cạnh hệ thống trạm y tế xã đã được nâng cấp, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con, trụ sở UBND xã nay cũng đã được hoàn thiện khang trang, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ chính trị và từng bước đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng ở xã biên giới” - ông Pơloong Ađốc cho biết.

Không còn là nỗi lo cô lập vào mùa mưa lũ, những đoạn đường hiểm trở ngày cũ giờ đã là ký ức với mỗi người dân Chơ Chun. Dù gian khó vẫn còn phía trước, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng của chính quyền và đồng bào địa phương, những kỳ vọng về một ngày đổi thay sẽ luôn tạo nên động lực, giúp Chơ Chun vượt qua chính mình.

Quyết tâm giảm nghèo

Sau 8 năm tái lập, bằng rất nhiều quyết sách giảm nghèo tập trung, Chơ Chun đã dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo ông Coor Dương - Bí thư Đảng ủy xã, từ gần như tất cả mọi thứ đều ở “con số không”, đến nay, Chơ Chun cơ bản đã giải quyết được bài toán khó, rút dần tỷ lệ hộ nghèo từ 98% vào năm 2011 xuống còn 63,24% vào cuối năm 2018.

“Bây giờ, bên cạnh phát triển kinh tế dựa vào rừng, người dân địa phương đã bắt đầu làm quen với công việc buôn bán các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, cũng như trao đổi và thu mua nông sản nương rẫy, hình thành nếp sống mới trong giao thương hàng hóa. Từ đó, mỗi năm có hàng chục hộ dân địa phương đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn xã có 17 hộ đăng ký thoát nghèo, vượt chỉ tiêu giao về chính sách giảm nghèo bền vững” - ông Coor Dương nói.

Bằng nỗ lực và quyết tâm giảm nghèo, những năm qua, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Chơ Chun đã đưa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi thành nghị quyết chuyên đề trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhằm mở rộng câu chuyện làm giàu từ rừng. Từ đầu năm đến nay, ngoài đầu tư cho 5 nhóm hộ trồng gần 7ha, tương đương 50 nghìn cây giống đảng sâm, chính quyền địa phương còn triển khai thực hiện quy hoạch trồng bưởi da xanh trên diện tích hơn 8ha đất, cùng gần 95 nghìn cây ba kích tím (tương đương 14,5ha) giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch UBND xã Pơloong Ađốc, hiện nhiều dự án giảm nghèo trên địa bàn còn triển khai chậm so với tiến độ phát triển, tạo áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi. Vì thế, bên cạnh mong muốn Nhà nước sớm có dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới cho đồng bào ở các thôn Côn Zốt, A Xoò và nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường biên giới nối xã Chơ Chun với Ga Ri (huyện Tây Giang); ông Ađốc kiến nghị cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trạm Viettel tại trung tâm hành chính xã, giúp đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn, cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn được tiện lợi, dễ dàng.


Tác giả: A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết