Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Kết quả bước đầu về thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị TW6 (khóa XII) trên địa bàn huyện Nam Giang

Cuối tháng 5/2019, Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang tiếp tục tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ đất và Đô thị huyện, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm phát triển quỹ đất và Đội quản lý trật tự xây dựng. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập thứ ba được thành lập mới; trước đó, UBND huyện đã hợp nhất Trạm Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp và Trạm Thú y thành Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp; hồi đầu năm 2019, Trung tâm Văn hóa thể thao-Truyền thanh truyền hình ra đời, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa Thể thao với Đài truyền thanh- Truyền hình huyện.

Lễ công bố và trao Quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh truyền hình huyện

Việc tổ chức, sắp xếp, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Nam Giang trong tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Ngay sau khi được sáp nhập, hợp nhất, các đơn vị đã xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động; xây dựng bộ khung đề án vị trí việc làm chủ yếu gồm 3 nhóm nhiệm vụ công việc như nhóm lãnh đạo, quản lý điều hành; nhóm chuyên môn nghiệp vụ và nhóm hỗ trợ phục vụ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực hoạt động. Bên cạnh đó, tính toán số lượng biên chế, hợp đồng lao động trong diện tinh giản biên chế để tổ chức lại bộ máy gọn nhẹ nhưng đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc. Trước đây, về lĩnh vực sự nghiệp nông nghiệp, huyện Nam Giang có đến 2 đơn vị sự nghiệp độc lập là Trạm nông - lâm nghiệp và Trạm Thú y; mỗi đơn vị có một bộ máy lãnh đạo, đội ngũ viên chức riêng biệt, cồng kềnh; thực thi nhiệm vụ nhiều lúc còn trùng lắp, chồng chéo ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu và lãnh đạo chỉ đạo. Sau khi hợp nhất, các mặt hạn chế nêu trên từng bước được khắc phục; các vị trí lãnh đạo, quản lý giảm bớt, nhiệm vụ của viên chức, người lao động gom lại, phân công một người làm kiêm nhiều nhiệm vụ thay cho một nhiệm vụ như trước đây; chế độ tiền lương, tiền công không tăng; điều kiện, phương tiện làm việc không thay đổi, tiết kiệm các chi phí khác, hiệu quả công việc được nâng lên. Cũng như sự nghiệp nông nghiệp, các đơn vị sự nghiệp khác như: văn hóa-thông tin, truyền thanh-truyền hình, sự nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý đất đai... cũng đã tiến hành sắp xếp, bố trí theo hướng trên.

Đi đôi với việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, huyện Nam Giang cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị trường học thuộc sự nghiệp Giáo dục, hợp nhất các tổ chức Hội quần chúng, thành lập thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Trung ương và tỉnh Quảng Nam .

Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, UBND huyện thống nhất phê duyệt đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Nam Giang giai đoạn 2018-2021. Theo đó, từ nay đến năm học 2020-2021, toàn ngành sẽ sắp xếp lại, giảm 20 điểm trường lẻ (mầm non 06 điểm, tiểu học 14 điểm) có quy mô nhỏ, khoảng cách gần nhau, giao thông đi lại thuận lợi, có số lượng học sinh/lớp ít, để bố trí học tại trường trung tâm và các điểm trường gần trung tâm; bố trí phù hợp số học sinh/lớp nhằm từng bước đáp ứng được các yêu cầu theo quy định và phục vụ việc học tập tốt nhất cho người học; bố trí cân đối lại số lượng giáo viên dôi dư giữa trường thừa và thiếu cho hợp lý.

Về các tổ chức Hội quần chúng cấp huyện, cấp xã tiến hành sáp nhập, hợp nhất, kiện toàn các tổ chức hội có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động; qua đó nâng cao tính tự chủ, chất lượng, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ chủ chốt tổ chức Hội, nâng cao vai trò trách nhiệm và quyền lợi của Hội viên. Theo Kế hoạch, trong thời gian đến, ở cấp huyện sẽ sáp nhập Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện và Hội Nạn nhân chất độc da cam-diôxin để thành lập Hội Chữ Thập đỏ; hợp nhất Hội Khuyến học với Hội Cựu giáo chức để thành lập Hội Khuyến học- Cựu giáo chức; các tổ chức Hội quần chúng còn lại chủ yếu kiện toàn, sắp xếp lại các tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế nhân sự chủ chốt. Sau khi sáp nhập, hợp nhất tổng số tổ chức Hội toàn huyện sẽ còn lại 5 Hội, giảm 3 tổ chức Hội so với trước đây; đối với tổ chức Hội cấp xã, trong thời gian đến từng bước sẽ sắp xếp, tổ chức lại theo tổ chức Hội cấp huyện.

Về sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang đã chỉ đạo các ngành, các địa phương điều tra, khảo sát, lấy ý kiến cử tri để có cơ sở xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện. Chủ trương này được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên việc triển khai các Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh trong năm 2019 về sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định và đúng tiến độ. Đã sắp xếp, tổ chức lại 25 thôn để thành lập 12 thôn mới; số thôn còn lại của huyện là 50, giảm 13 thôn so với trước. Sau thời gian chỉ định chức danh Trưởng thôn lâm thời, ngày 26/5 vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo đồng loạt 50 thôn tổ chức bầu cử chức danh Trưởng thôn, cuộc bầu cử diễn ra nghiêm túc, trang trọng và đạt kết quả cao.

Những kết quả trong việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, tổ chức Hội quần chúng và thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Nam Giang bước đầu đã đem lại kết quả đáng kể. Trước tiên, phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền chủ trương chung của Đảng, Nhà nước nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, tập trung lãnh đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), tiến hành theo lộ trình đến năm 2021 một cách cụ thể; UBND huyện chủ động điều hành, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng phương án, đề án, chương trình hành động thiết thực; Phòng Nội vụ huyện được phân công là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu thường trực UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW. Đội ngũ cán bộ, công chức Phòng Nội vụ đã hết sức năng động, tích cực, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức huyện ủy và các ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu, tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình, trình và đề xuất với UBND huyện các nội dung phương án, đề án để tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, tổ chức Hội quần chúng, thôn trên địa bàn huyện phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương đã nghiêm túc chấp hành, triển khai tổ chức thực hiện đề án, phương án đạt hiệu quả.

Qua quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW trong phạm vi toàn huyện, về cơ bản đã đạt nhiều kết quả khá quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; đó là, hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp Bộ, cấp Sở thiếu nhất quán, chưa kịp thời, tạo lúng túng cho địa phương; tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm cán bộ quản lý cho một số đơn vị sự nghiệp được thành lập chưa đáp ứng với quy định hiện hành, chưa đủ số lượng cấp Phó, riêng Ban quản lý Quỹ đất và Đô thị chỉ có chức danh Giám đốc; một số tổ chức Hội quần chúng cấp huyện hoạt động không hiệu quả nhưng chưa có chủ trương sáp nhập, hợp nhất; tổ chức Hội quần chúng cấp xã đa số không tương đồng về chức năng, nhiệm vụ nên khi hợp nhất sẽ làm ảnh hưởng đến tên gọi, tổ chức, hoạt động; chẳng hạn Hội Chữ thập đỏ cấp xã không thể sáp nhập với Hội Khuyến học và Hội Cựu Thanh niên xung phong. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn chỉ còn 3 chức danh, khó khăn trong công tác quản lý điều hành; Về chính sách theo quy định của Chính phủ, từ tháng 6 này về sau, 3 chức danh ở thôn gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận mới được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước, điều này trái ngược với quy định tại các nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh mà chúng ta đang áp dụng. 

 Việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) là nhiệm vụ thường xuyên của toàn huyện. Trong thời gian đến, huyện Nam Giang sẽ tiếp tục củng cố, bổ sung để hoàn thiện các phương án đặt ra, trước mắt tập trung cho việc khảo sát, thành lập Văn phòng giúp việc cấp xã, sáp nhập Trung tâm Văn hóa thể thao với Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn; thực hiện đề án tăng cường Công an chính quy về xã giữ chức danh Trưởng Công An, bố trí lại các chức danh cấp thôn phù hợp với quy định của Chính phủ và các chủ trương mới nhất của Trung ương và tỉnh Quảng Nam.

Tác giả: A Viết Sơn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết