Ảnh: Cánh đồng lúa nước xã La Dê
Trên mảnh đất rộng hơn 0,5 ha, anh Zơ Râm Thương, thôn Đắc Chờ Đay trồng 210 cây cam Vinh, đến nay vườn cam của gia đình đã được gần 4 năm.
Anh Thương cho biết, từ sự hỗ trợ của Nghị quyết 53, HĐND tỉnh đã hỗ trợ gia đình anh tập huấn về kỹ thuật và hỗ trợ cây giống, nên gia đình đã mạnh dạn trồng cây cam Vinh với hy vọng sẽ tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Năm nay, vườn cam của gia đình đang ra hoa, một số cây đã ra trái, gia đình tôi cũng hy vọng sẽ có thu nhập từ trồng cam để cải thiện đời sống, có thêm nguồn kinh phí để mua phân bón, đầu tư hệ thống nước tưới và cho con đi học.
Cùng với cam Vinh, xã La Dê còn vận động nhân dân tích cực cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả khác như Bưởi dan xanh, chanh không hạt…với hy vọng các loại cây ăn quả sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao đời sống và quan trọng hơn là phủ xanh những khu vực đất trống, đồi núi trọc tại địa phương.
Hiện nay, xã La Dê có 468 hộ/1.770 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98,38 % dân số; toàn xã có 11.023,06 ha diện tích tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm còn 9,05 %, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45.00.000đ/người/năm.
Ông Brao Ngưu - Chủ tịch UBND xã La Dêê cho biết, từ việc xác định rõ cơ hội lẫn khó khăn đặc thù ở vùng biên giới, thời gian qua, Đảng ủy và UBND xã tập trung đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp với điều kiện của địa phương miền núi giúp công tác xây dựng NTM đạt kết quả khả quan.
Theo ông Brao Ngưu, để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, bên cạnh vận động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng, chính quyền xã hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm giúp hình thành nên HTX Nông nghiệp La Dêê. Sau gần 3 năm hoạt động, HTX có gần 20 thành viên, với nông sản chủ lực là măng nứa khô đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm nếp than đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ảnh: Xã La Dê nhìn từ trên cao
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ cho La Dê nhiều chương trình, dự án để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cạnh đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước và trồng Bưởi da xanh…nên đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay đáng mừng, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, trường, trạm được đầu tư khang trang hơn, đó là những đổi thay có thể nhìn nhận được, đó là những đổi thay đáng mừng sau 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Không chỉ tập trung sản xuất, chăn nuôi người dân xã La Dê đã biết làm sản phẩm OCOP mang đặc sản của địa phương để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài huyện. Theo ông Brao Sang, một người dân ở thôn Công Tơ Rơn, lợi thế của địa phương là có rất nhiều sản vật, đặc biệt là nông sản đặc trưng của miền núi.
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, xã La Dê đã được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong các phong trào, đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường, trường, các công trình công cộng…
Đây là tuyến đường nông thôn nối từ xã La Dê lên thôn Đắc Pênh dài gần 5 km được xây dựng hoàn thành vào năm 2015.
Trước khi chưa có tuyến đường này, người dân đi lại rất vất vả, mùa mưa thì bùn lầy, phải qua 3 con suối, dốc cao nên đi lại vô cùng khó khăn, nhất là các em học sinh hàng ngày phải đến trường.
Năm 2015, xã chủ trương mở rộng tuyến đường, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa, sau khi bàn bạc, thống nhất chủ trương, nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, người dân hiến đất, góp công lao động, với phương châm “đảng viên đi trước mở đường”, trong đó, lấy đảng viên, người uy tín xung phong đi trước để nhân dân làm theo.
Cùng với đó, xã La Dê luôn coi việc đưa con em đi xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả.
Ông Brao Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê cho biết, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã có 27 người đi xuất khẩu lao động, trong số đó có 5 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững.
Ông Brao Tuân nói, con đường đi xuất khẩu lao động không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, mà còn giúp cuộc sống người dân no đủ hơn. Chúng tôi xem hoạt động xuất khẩu lao động là giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, thời gian qua địa phương luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để người dân đi lao động nước ngoài một cách lâu dài, bền vững.
Thời gian tới, xã La Dê tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn lực đầu tư, điều kiện đất đai để đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi theo mô hình liên kết, trong đó chú trọng lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn sự nghiệp theo hướng ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo, giúp người dân giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững.
Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong xã, hành trình xây dựng NTM của xã La Dê đã cán đích. Từ một xã biên giới nghèo, La Dê hôm nay đã đổi mới toàn diện, với cơ sở hạ tầng khang trang, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân được nâng cao. Tự hào với kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã La Dê sẽ tiếp tục phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất.