Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc triển khai triển khai mô hình “Công dân điện tử - Sử dụng giọng nói để thực hiện dịch vụ công trực tuyến” giúp người dân dễ dàng tra cứu, giải đáp các thắc mắc liên quan đến TTHC nói riêng và các nội dung liên quan trong đời sống, kinh tế xã hội hằng ngày thông qua ứng dụng, đồng thời tạo sự thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Điểm mới của mô hình là: Triển khai thiết bị có sử dụng trí tuệ nhân tạo – AI, kết hợp Chuột không dây sử dụng công nghệ AI - Chỉ sau một nhấp chuột, công dân yêu cầu bằng lời nói, hệ thống sẽ tìm kiếm TTHC, kê khai biểu mẫu theo đúng yêu cầu của công dân mà không phải sử dụng bàn phím nhập liệu. Điều này rút ngắn rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm TTHC và thực hiện TTHC của tổ chức, công dân.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết, số hóa qua cổng dịch vụ công hệ thống một cửa điện tử huyện Nam Giang đạt: 4.534 hồ sơ; trong đó, hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến đạt: 4.121/4.534 hồ sơ, đạt tỉ lệ 91,17%.
Trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, phát sinh một số khó khăn, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, không quen với thao tác máy tính cũng làm mất khá nhiều thời gian để thực hiện hồ sơ trực tuyến. Thậm chí một số trường hợp người dân đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để thực hiện hồ sơ trực tuyến mất gần 2 giờ để thực hiện hoàn thành 1 thủ tục hành chính.
Việc ứng dụng mô hình “Công dân điện tử - Sử dụng giọng nói để thực hiện dịch vụ công trực tuyến” được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang. Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn; tạo nhận thức, thay đổi tư duy phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức; rút ngắn thời gian nhập liệu của công dân, rút ngắn thời gian hướng dẫn của cán bộ công chức tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả khi thực hiện dịch vụ công; từng bước đưa người dân trở thành công dân điện tử, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong thực hiện dịch vụ công nói riêng và các ứng dụng CNTT nói chung trên địa bàn huyện.