Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của cách dệt Ikat là trong qua trình nhuộm màu sợi bông, do “lỗi kỹ thuật” hoặc nước thuốc chưa đạt yêu cầu, cũng có khi do không khuấy kỹ dung dịch nước nhuộm, cho nên khi đưa sợi vào nhuộm, chúng thấm không đều, làm cho chỗ đậm chỗ nhạt. Khi dệt vải, người ta thấy rằng chỗ sợi nhạt màu đã tạo ra những hoa văn có hình thù khác lạ và có vẻ đẹp cổ xưa, tự nhiên. Từ phát hiện tình cờ đó, đồng bào chủ động chế tác, sản xuất ra một loại sợi đặc biệt bằng cách che chắn, bao các đoạn sợi lại rồi mang đi nhuộm màu để sau đó chúng có tông màu đậm, nhạt khác nhau.
|
Nhuộm sợi sau khi bao sợi. |
Để có được những dải hoa văn gợn sóng trên vải thổ cẩm, người thợ dệt phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Đồng bào lấy sợi bông vừa se còn nguyên màu trắng nhúng một vài lần vào nước cây ta râm để biến sợi thành màu xanh chàm, người Cơ Tu gọi là tơ viêng. Khi sợi khô ráo, chúng được treo trên giàn phơi sợi, tiến hành các thao tác, tạo ra loại sợi đặc biệt dùng để dệt hoa văn gợn sóng. Người ta lấy lá a yâng, một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, bao vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần để sợi chuyển màu đen (tăm). Với cách làm này, chỗ sợi được bao bằng lá a yâng có tác dụng làm cho sợi giữ nguyên màu xanh mà không bị nhuốm đen trong quá trình nhuộm màu. Sau khi nhuộm, trên một đoạn sợi cùng có hai màu chàm xanh và màu đen lẫn lộn, tạo ra hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Khi dệt, người ta bố trí chỗ sợi có màu xanh chàm liền kề với nhau để hiện ra hoa văn có hình thù rất độc đáo và lạ mắt trên nền đen của vải thổ cẩm - mà ta hay gọi là “hoa văn gợn sóng”.
|
Bao sợi trước khi nhuộm. Ảnh: T.VỊNH |
Hoa văn này tuy đơn giản, không nổi bật như hoa văn hạt cườm hoặc hoa văn chỉ màu nhưng được bà con rất ưa thích vì nó có màu sắc tự nhiên, mộc mạc, cổ xưa, những đường nét mờ ảo như mây như sóng. Hình thù của hoa văn giống hình quả trám hoặc nhọn hai đầu như chiếc lá tre. Ban đầu, hoa văn gợn sóng đơn giản chỉ là những đường uốn lượn mềm mại như làn sóng. Nhưng ngày nay, cùng với sự biến đổi của các kiểu thức hoa văn khác, hoa văn gợn sóng cũng có sự biến đổi với những hoa văn phong phú và đa dạng hơn như hình mã não, hình người... Tuỳ theo ý đồ trang trí của người thợ dệt, hoa văn gợn sóng được bố trí thành từng mảng, từng vệt, gọi là kluội hoặc dàn trải, chạy đều trên toàn bộ tấm vải dệt, gọi là chrơ char.
|
Sản phẩm dệt bằng kỹ thuật nhuộm bao sợi với hoa văn gợn sóng |
Nét đặc biệt là trên tấm vải hoa văn gợn sóng, đồng bào tránh đưa vào những hoa văn màu mè khác làm ảnh hưởng đến đường nét thanh tao, nhẹ nhàng của loại hoa văn này. Người ta chỉ điểm xuyết vào đó những đường viền màu xung quanh hoặc vài vệt chỉ màu đơn giản giữa tấm vải nhằm tạo đường nét, bố cục, làm tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm dệt. Các sản phẩm thổ cẩm chứa hoa văn gợn sóng thường dùng để may váy cho thanh nữ hoặc phụ nữ lớn tuổi đều thích hợp. Người ta có thể mặc váy có hoa văn gợn sóng trong dịp lễ hội hoặc đời thường cũng được vì bản thân của loại váy này vừa toát lên vẻ đẹp vừa sang trọng vừa bình dị. Vì thế, loại xà lùng có hoa văn gợn sóng rất có giá trị, vài tấm vải dệt có thể đổi được một con trâu to.
Ngày nay, trang phục truyền thống của người Cơ Tu, hoa văn hạt cườm trắng chiếm ưu thế, hoa văn gợn sóng trở thành của quý hiếm, độc bản. Bởi chỉ những người thợ dệt Cơ Tu ở làng Công Dồn (Nam Giang) mới còn nắm giữ bí quyết, kỹ thuật dệt vải có hoa văn gợn sóng vì họ còn bảo lưu nghề trồng bông dệt vải. Các nơi khác đã thất truyền, không nghệ nhân nào biết dệt hoa văn gợn sóng. Ngay cả đồng bào Cơ Tu cũng rất ít nghệ nhân biết cách làm, sản phẩm này vì vậy cũng đang dần mất. Muốn tìm nó chỉ thấy trong kho hoặc trưng bày trong tủ kính ở các bảo tàng. Thiết nghĩ, chúng ta cần giúp đỡ cho bà con qua dự án khôi phục, phát triển, bảo tồn làng nghề thủ công ở miền núi để những tinh hoa của nghệ thuật trang trí nói chung, hoa văn gợn sóng với kỹ thuật nhuộm bao sợi (Ikat) nói riêng, mãi mãi được lưu truyền, làm đẹp cho bản làng. Việc làm này càng có ý nghĩa và mang tính cấp thiết khi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.