Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Những cánh chim tring...

Với đồng bào vùng cao Nam Giang, già làng luôn được xem như những cánh chim tring, loại chim tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực, có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của dân làng.

“Nhân chứng sống”

Nhắc đến Blúp Dứ, người dân vùng biên Nam Giang không khỏi trầm trồ thán phục. Ông không chỉ là người thầy giáo đầu tiên và duy nhất của đồng bào Tà Riềng vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, mà ông còn là “nhân chứng sống” của làng trong công cuộc đổi mới, xây dựng làng bản văn hóa, yên bình. Mồ côi cha mẹ sớm, từ nhỏ Blúp Dứ phải sống với người chị họ tại thôn Đắc Ốc (xã La Dêê, huyện Nam Giang). Năm 1966, được bộ đội miền xuôi dạy chữ và giáo dục truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, Blúp Dứ sáng dạ, vừa học cái chữ vừa dạy cho bà con dân bản. Ông trở thành người thầy giáo đầu tiên của đồng bào vùng biên Nam Giang thời đó. Năm 1989, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, cùng nhiều tặng thưởng khác có giá trị vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Bây giờ, dù đã nghỉ hưu nhưng Blúp Dứ vẫn “đứng lớp” dạy lũ trẻ trong làng ngay tại nhà mình. Nhà giáo ưu tú của đồng bào Tà Riềng ấy cũng là một trong số thành viên tận tụy giúp địa phương vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa theo chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Không chỉ Blúp Dứ, ở xã La Dêê, những già làng uy tín, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương còn phải kể đến già làng Ch’rum Lăng (thôn Đắc Rế); Pơloong Dương (thôn Đắc Ốc)… Như già Pơloong Dương, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng già vẫn sẵn lòng hiến tặng hơn 8.000m2 đất vườn để chính quyền địa phương xây dựng trường học cho con em đồng bào mình. Bây giờ, trường học là “mái nhà chung” của hàng trăm thầy trò vùng biên, nơi ươm mầm những hạt giống đỏ trở thành người có ích cho xã hội, giúp đỡ buôn làng. Ở tuổi 75, già Ch’rum Lăng luôn được đồng bào địa phương kính trọng bởi sự nhiệt huyết và tấm lòng đôn hậu. Hăng hái trong lao động sản xuất, thường xuyên hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình... là những gì mà đồng bào thôn Đắc Rế ghi nhận ở già Lăng. Bà Ch’rum Thị Nhiếc, một người dân ở làng Đắc Rế cho biết, ngoài vai trò là người có uy tín, già Lăng còn là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp trong việc vận động thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở thôn, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu như: tục thách cưới, ma chay tốn kém, các nghi lễ cúng ăn uống kéo dài... “Dân làng ở đây ai cũng nghe theo lời của già Lăng vì già làm được nhiều việc giúp đỡ đồng bào trong việc xây dựng đời sống, phát triển kinh tế gia đình” - bà Nhiếc tự hào.


Các già làng vùng cao Nam Giang tham gia liên hoan cồng chiêng toàn huyện lần thứ I - 2012.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Với Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih) thì lại khác, ông được đồng bào ghi nhận bởi thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại địa phương. Trong đó, phải kể đến việc ông đề xuất thành lập đội cồng chiêng nhí thôn Công Dồn, vừa giữ chiêng không bị mất đi, vừa có cơ hội truyền nghề cho lớp trẻ. Đã nhiều năm nay, đều đặn mỗi ngày ông say sưa truyền dạy cồng chiêng cho lũ trẻ. Từng bài đánh chiêng, nhảy tâng tung da dá,… được ông tỉ mỉ hướng dẫn đã khiến đám học trò thán phục. “Những dịp biểu diễn cồng chiêng lớn nhỏ được tổ chức, luôn có mặt của đội cồng chiêng nhí thôn Công Dồn. Đó là công sức, là thành quả mà mình đã dày công truyền dạy từ nhiều năm qua” - ông Hạnh bộc bạch.

Phát huy vai trò

Từng biết đến với cái tên “xã 5 không”, Chơ Chun luôn thiệt thòi so với nhiều địa phương khác của huyện. Theo ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun, do địa bàn cách trở nên vai trò của các già làng, người có uy tín ở Chơ Chun luôn được đề cao, trở thành những người “đứng cánh” tại các điểm thôn, giúp địa phương giám sát, tuyên truyền đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ sự vận động của già làng Coor Nghêu, đồng bào thôn Côn Zốt 1 đã cùng nhau mở con đường hơn 5km từ trung tâm xã về làng. Hay như trước đó, cũng chính già Nghêu là người đã thuyết phục đồng bào Côn Zốt 1 đồng ý cho bà con Cơ Tu ở thôn G’lao (xã Ga Ry, huyện Tây Giang) canh tác trên phần đất của làng mình từ hàng chục năm nay.

Bà Briu Gươnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Giang cho rằng, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao rất quan trọng. Bởi tiếng nói của các già làng luôn được xem như “phát ngôn chung”, tạo niềm tin tuyệt đối. Để làm được điều đó, theo bà Gươnh, trước hết cần phải chú trọng đến công tác mặt trận cơ sở; tạo lòng tin ở nhân dân, nhất là công tác phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách được triển khai tại vùng biên giới, huyện Nam Giang tích cực đưa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín đến với cộng đồng dân cư. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng biên. Chính vì vậy, tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao luôn có “trọng lượng” và được xem như quyết định cuối cùng trong việc giải quyết công việc nội bộ hoặc công việc giữa làng này với làng khác. Họ trở thành chỗ dựa vững chắc để đồng bào tu chí làm ăn, lao động sản xuất; từng bước xây dựng đời sống mới, góp phần giữ vững trị an vùng biên giới; đưa buôn làng ấm no, hạnh phúc.


Tác giả: A Lăng Ngước

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết