Nhà Hốih Còi lúc nào cũng đông người. Đó là những người đến nghe ông đàn hát, còn phụ nữ thì mua gùi, giỏ xách do chính tay ông Còi làm ra. Dáng người ông Còi cong vẹo, thế nhưng những sản phẩm ông làm ra cái nào cũng đẹp. Năm 20 tuổi ông bị đau nặng, cơ thể bị co rút dần và trở thành khuyết tật như bây giờ. Từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành tàn tật, ông không cam chịu số phận mà bắt đầu gượng dậy tập đứng, tập đi rồi miệt mài học nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu từ người cha. Với bàn tay khéo léo, ông đã làm ra được rất nhiều vật dụng đẹp mắt, phục vụ đời sống của bà con như gùi, giỏ xách, nia, thúng… Biết được tài năng của ông Còi, nhiều người đã tìm đến nhà mua sản phẩm của ông. Những sản phẩm của ông chủ yếu làm từ mây tre nhưng việc đi lại khó khăn nên ông phải mua nguyên liệu từ người khác, thấy vậy hàng chục người nghèo khó trong làng lên núi bứt mây, mang gạo đến nhà ông Còi để đổi lấy sản phẩm. Hiện nay, xã Ta Bhing đang thu hút nhiều du khách du lịch cộng đồng tại làng nghề dệt Zara, và nhà Hốih Còi cũng là một địa chỉ mà du khách thường xuyên đến mua sản phẩm lưu niệm.
Ông Hốih Còi và những sản phẩm thủ công do ông làm ra.
Không chỉ thuần thục kỹ năng đan lát, Hốih Còi còn chế tác và biểu diễn được cả sáu nhạc cụ là đàn rươi, đàn guich, rot, parngong (kèn sừng trâu), khèn và trống. Đây là những nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Chậm rãi biểu diễn từng nhạc cụ, ông Còi tạo ra những âm thanh đắm say với nhạc điệu du dương, trầm bổng với sự kết hợp của đôi tay, môi và lưỡi một cách linh hoạt. Tự hào ông chỉ cho chúng tôi xem từng nhạc cụ do ông chế tác. “Nhìn những nhạc cụ đơn sơ nhưng nó đã cùng tôi đi diễn ở rất nhiều nơi và không ít người chào đón. Những lúc vui vẻ tôi lại biểu diễn cho đồng bào nghe, ngồi uống rượu tà vạt rồi trò chuyện. Nhạc cụ thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu” - ông nói.
Ra ngoài phải chống gậy, nhưng Hốih Còi lại là thành viên năng nổ nhất trong Câu lạc bộ (CLB) dân ca dân vũ xã Ta Bhing. CLB thành lập từ năm 2013 với 30 người tham gia, mỗi tháng sinh hoạt 2 lần và thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội, phục vụ cho địa phương. Với nhiệt huyết của mình, mới đây Hốih Còi và các thành viên CLB đã mở lớp dạy cho trẻ em biết cách sử dụng nhạc cụ với mong muốn giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Pờloong Hon - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho biết: “Hiện trên địa bàn xã còn rất ít người biết đan lát và sáng chế nhạc cụ, tuy bị bệnh tật nhưng ông Còi rất nhiệt huyết với công tác văn nghệ của địa phương, thường xuyên chỉ dạy mọi người đan lát và chơi nhạc cụ. Mong rằng ông sẽ là tấm gương để lứa trẻ học hỏi, bảo vệ bản sắc văn hóa của người Cơ Tu”.