Người Triêng huyện miền núi Nam Giang(Quảng Nam) sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, ngoài ra còn săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm… làm thức ăn hàng ngày. Đồng bào chăn nuôi trâu bò, lợn, gà chủ yếu dùng vào lễ hiến sinh. Người Triêng luôn xem làng là một không gian sinh tồn thiết yếu và vô cùng quan trọng, làng đối với họ còn là đơn vị xã hội duy nhất khép kín nơi quần cư của số đông tộc người. Và với người Triêng sự tồn tại hoặc suy vong luôn ảnh hưởng lớn đến đời sống, lao động sản xuất, tín ngưỡng dân gian, hôn nhân...của cộng đồng. Người Triêng ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái đầu hồi uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn xung quanh nhà rông. Nhà rông Triêng được chia làm hai nửa bởi hành lang chạy dọc, một nửa của nam giới, một nửa của nữ giới. Nhà rông của người Triêng có nét đặc biệt trong tổ chức sinh hoạt, họ không những cho phép con gái được ngủ lại mà còn cho trai gái chưa vợ, chưa chồng được ngủ chung. Ở người Triêng, tính trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ trong gia đình của người Triêng dựa trên sự bình đẳng nam nữ. Con trai sinh ra mang họ bố, con gái theo họ mẹ, đó là những nét nổi bật trong gia đình của người Triêng nơi đây.
Một góc làng truyền thống của người Triêng thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
Già làng Ch’râm Ớn, 78 tuổi, dân tộc Triêng hiện sống tại thôn Đắc Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam và một người già lớn tuổi dân tộc Triêng cho biết: Một số người già lớn tuổi dân tộc Triêng cho biết: Làng của người Triêng gồm nhiều dòng họ cùng sinh sống như: Cặp năng, Eđuồt, Naxó, Bluông, Bruốt, K’hôông… Số thành viên trong làng không cố định mà phụ thuộc vào sự di chuyển liên tục của các gia đình nhỏ trong gia đình lớn. Vì vậy, những người cùng dòng họ không được có quan hệ hôn nhân với nhau, nhưng ngược lại dòng họ của người Triêng có mối quan hệ mật thiết trong cộng đồng với nhau.
Truyền thuyết kể rằng: Xưa, vùng người Triêng sinh sống có hai anh em tên Jơ Moi và Jơ Ma, con trai của ông tổ Triêng, vốn có sức khoẻ phi thường lại vô cùng thông minh, dũng cảm. Trong lúc đi săn, nhờ được Jông (trời) giúp đỡ, nên họ thường bắt được rất nhiều con thú. Nhưng một hôm, Jơ Moi đi săn về, chẳng may trời nổi trận cuồng phong, mưa bay, chớp giật, làm cho tất cả những con thú mà anh bắt được đều chạy mất hết. Jơ Moi căm phẫn đòi được giao chiến với Jông. Nhìn thấy hai anh em, Jông hết sức sợ hãi, bèn cho chó thần, heo thần, trâu thần ra giao chiến. Cuộc chiến diễn ra rất dữ dội. Quân của Jông dùng cả búa sấm, búa sét, kiếm lửa làm vũ khí nhưng vẫn không làm cho anh em Jơ Moi và Jơ Ma nao núng. Jơ Moi nách kẹp cổ chó thần, tay móc họng heo thần, chân đá liên hồi, đất đá bay mù mịt. Jơ Ma vật nhau với trâu thần, làm cho trâu thần gẫy hai sừng, què, bốn chân, rồi lăn đùng ra chết. Thấy vậy, Jông vội vàng thu quân, đóng cửa thành, không dám tiếp tục giao chiến, Mặc cho Jơ Moi, Jơ Ma tỏ ý coi thường và chế nhạo. Sau trận đó, dân làng rất khâm phục và tôn Rơ Moi là Triêng Lân (tức là lớn hơn trời) và Rơ Ma là Triêng Var (tức là chế nhạo trời).
Người Triêng, luôn có mối quan hệ mật thiết trong cộng đồng với nhau
Từ bấy giờ trở đi, người Triêng được chia thành hai dòng là Triêng Lân và Triêng Var. Dòng Triêng Lân được chia thành 3 nhánh nhỏ là Bloong Tro, Bloong Bưng, Bloong Hăng. Mỗi Bloong đều có người đứng đầu có biệt tài và khả năng nổi trội nhất. Bloong Tro có tài thu phục tù binh. Bloong Bung bị câm nhưng có nhiều mưu mẹo, thông minh, tài trí hơn người. Bloong Hăng có tài đánh cọp.
Dòng Triêng Var được chia thành 6 nhánh là Choong Brôn, Choong Chưn, Choong Un, Choong Tông, Choong Ăc, Choong Ve. Choong Brôn giàu lòng thương đồng loại, đánh chết gấu thần để cứu người. Choong Chun có công tìm ra nguồn nước, đánh bắt cá đem về chia cho dân làng. Choong Un có công tìm ra lửa, dạy dân làng, con cháu cách dùng lửa để nấu nướng, đốt rẫy để gieo trồng lúa bắp. Choong Tông có tài trí, lại thông minh đặc biệt, được nhái thần chỉ đường, giúp sức, nên trăm trận trăm thắng, thu phục được nhiều tù binh về làm tôi tớ. Choong Ăc là người trông coi nương rẫy, gài chông, đặt bẫy, khiến cho chim thú không dám đến phá hại mùa màng. Choong Ye là người giỏi giang, thông minh, có tài chinh phục phụ nữ, lắm vợ, nhiều con. Như vậy, tính cả hai dòng và 9 nhánh, người Triêng có tới 11 họ truyền lại tới ngày nay.
Già làng Ch’râm Ớn cho biết thêm: Theo truyền thuyết nói trên, chỉ có hai dòng Triêng Lân và Triêng Var là có quan hệ huyết thống với nhau(vì Jơ Moi và Jơ Ma là hai anh em), còn lại các nhánh Bloong và Choong đều là người ngoài nhận họ do tôn vinh mà theo nên không có quan hệ huyết thống. Về vũ trụ quan và thế giới quan của người Triêng có phần khác với một số dân tộc khác ở Tây Nguyên. Trong khi các dân tộc khác coi tất cả vạn vật đều do các vị thần sinh ra (ví dụ như thần lửa, thần nước, thần nông nghiệp, thần núi, thần rừng...) và coi trời là vị thần to nhất, lớn nhất, thì người Triêng từ đời Jơ Moi, Jơ Ma đã đánh nhau và chế nhạo trời (Jông). Các trưởng nhánh (họ) đều là những người khác họ hợp lại do tôn vinh mà nên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi: Nếu như người Kinh, dòng họ mang tính huyết thống sâu sắc thì người Triêng, dòng họ chỉ mang tính ước lệ, thể hiện ước muốn của con người vươn tới chinh phục thiên nhiên, làm chủ xã hội, xác lập niềm tin, giữ gìn nòi giống và phát triển cộng đồng. Chính vì thế, tuy đang tồn tại nhưng các dòng, nhánh (họ) của người Triêng rất mong manh và sự phân biệt cũng rất mờ nhạt. Vai trò trưởng họ của người Triêng hầu như không có. Người Triêng không bao giờ sinh hoạt họ kiểu giỗ tổ hay xây dựng nhà thờ họ, mà chỉ sinh hoạt cộng đồng theo làng. Nếu trong một làng cùng tồn tại các họ thì tất cả mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự điều khiển của già làng.
Ở người Triêng, trong hôn nhân tính trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ trong gia đình của người Triêng dựa trên sự bình đẳng nam nữ. Con trai sinh ra mang họ bố, con gái theo họ mẹ, đó là những nét nổi bật trong hôn nhân và gia đình của người Triêng nơi đây. Trong quan hệ hôn nhân, người Triêng cũng cấm sự kết hôn cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời như người Kinh, nhưng được phép từ đời thứ 4 là người cùng dòng hoặc chéo dòng.
Trong xã hội người Triêng ở miền núi Nam Giang(Quảng Nam), dòng họ luôn đóng góp một phần quan trọng vào sự tồn tại hoặc suy vong của cộng đồng và nó còn có mối quan hệ mật thiết với nhau ảnh hưởng lớn đến đời sống, lao đống sản xuất, tín ngưỡng dân gian…Song hành với sự biến đổi tích cực của cuộc sống mới, nhiều nét đẹp truyền thống - trong đó có dòng họ và mối quan hệ trong cộng đồng người Triêng ở miền núi Nam Giang Quảng Nam đã và đang góp phần làm nên những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.