Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Chi tiết tin

Ðể gươl mãi là “linh hồn làng” của người Cơ tu

Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hoá đã được đồng bào dân tộc Cơtu vùng núi tỉnh Quảng Nam sáng tạo từ lâu đời mà nó còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng Cơtu. Gươl gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát lý của người Cơtu. Gươl(ngôi nhà làng truyền thống) là một cái gì đó thiêng liêng cao quí và rất dõi thân thương không thể thiếu trong đời sống văn hoá-xã hội và tinh thần của người Cơtu trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn này.

Vùng núi Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Ve, Triêng(Giẻ Triêng), Xơđăng, Cor, Cadong, Cơtu…với số dân gần 16 vạn người, chiếm khoảng 7,5% dân số toàn tỉnh đã tạo cho Quảng Nam có một nền văn hóa dân gian hết sức đa dạng, phong phú. Nói đến tộc người Cơtu với hơn 5 vạn dân này, chúng ta không thể không nhắc đến Gượl-ngôi nhà làng truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơtu. Người Cơtu gọi Gươl là ngôi nhà chung “Gươl”. Gươl được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Gươl là nơi để những thanh niên Cơtu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Theo quan niệm của người Cơtu, Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl. Trong Gươl mọi người không được đánh cãi nhau… mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu.

Bà con Cơtu miền núi tỉnh Quảng Nam khôi phục lại Gươl của làng

     Về lai lịch nhà Gươl của người Cơtu, những người già Cơtu lớn tuổi am hiểu về phong tục - tập quán kể rằng: “Tất cả các buôn làng người Cơtu dù giàu hay nghèo đều có Gươl”. Gươl của người Cơtu không phải là nhà ở mà mang chức năng công cộng. Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng… nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví)…
Bà con Cơtu vui trong ngày khánh thành Gươl mới của làng

     Trong ký ức của họ tồn tại ba loại Gươl: Gươl Đuôn, là loại Gươl tròn có hình nón úp, phổ biến ở người Cơtu vùng thấp, thứ đến là loại Gươl Chờri Mốc là loại Gươl có mái tròn hai đầu phổ biến ở người Cơtu vùng trung và Gươl Patăh là loại Gươl có sàn bằng gỗ phổ biến ở người Cơtu vùng cao. Từ 3 loại Gươl này, ở người Cơtu xuất hiện nhiều Gươl biến thể như: Moong là loại Gươl nhỏ và đơn giản nhất, không có cột cái, chỉ có một cửa. Gươl D’hlương không có cột cái, không có ván thưng, có một cửa. Gươl Ga Niêng có ván thưng, có cột cái, mở 1 hoặc 2 cửa. Ngoài ra, còn có các loại Gươl như: Gươl Choong, Gươl D’Roi chỉ tồn tại trước năm 1945. Và Gươl truyền thống của người Cơtu rất đẹp đó là “Choong Gươl” dạng hình chiếc nón lá, làm nhà Gươl này rất tốn kém, đòi hỏi nhiều công sức… Kích thước khoảng 8m được chống đỡ bởi cây cột cái (Xơ nur) ở giữa, cùng với 8 cây cột con ở xung quanh chia đều lực bằng hai hệ thống chính xoè trên và dưới và dạng hình chữ X đối xứng qua cột mẹ (Tânr) được đâm kín từ cây cột cái ra các cột con mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.
Gươl thôn Abát, xã Chà Vàl

     Dù là Choong Gươl dạng hình chiếc nón truyền thống hoặc Gươl dạng hình trái xoài thì nét độc đáo của hai loại này là cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (Xờ nur) biểu tượng của cái trục của làng và của nhà Gươl. Nhìn vào cây cột cái của Gươl (cây cột to hoặc nhỏ) chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó. Người Cơtu tin rằng: Bên trong cây cột cái, những vách sàn...của nhà Gươl đều có hồn của tổ tiên và ông bà họ. Gươl là nét đẹp riêng của buôn làng người Cơtu. Giữ được Gươl tức là giữ được cái hồn của họ, giữ được Gươl là giữ được đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Cơtu. Mất Gươl là mất tất cả và mất Gươl thì hồn của người Cơtu cũng không còn…!

Nhận thức vai trò của nó đối với đồng bào Cơtu, nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục lại ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh trong đó có Gươl của người Cơtu. Từ năm 2000 đến nay, tại huyện Tây Giang có 63/78 thôn (làng) đã có Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 78/119 thôn(làng) đã có Gươl. Ngoài ra, các Tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức Tầm nhìn Thế giới(World Vision), Hội đồng Vùng Nord - Pas de Calais của nước Cộng hòa Pháp…thông qua nhiều dự án cũng đã giúp đở tỉnh Quảng Nam bước đầu khôi phục lại một số Gươl truyền thống của người Cơtu.
Gươl thôn Vinh, xã Tàpơ, huyện Nam Giang

Điều đáng phấn khởi qua bao năm khôi phục lại Gươl, những nghệ nhân và đông đảo bà con dân tộc Cơtu thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang(Quảng Nam) đã tự nguyện đóng góp công sức và tiền bạc để khôi phục lại Gươl mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhìn chung, Gươl trên địa bàn của 3 huyện nói trên đều sử dụng đúng chức năng của nó. Bên cạnh các sinh hoạt mang tính tín ngưỡng dân gian của người Cơtu, thì sinh hoạt văn hóa mới cũng được đưa vào Gươl thường xuyên, sôi nổi thúc đẩy phong trào ” Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát huy hiệu quả. Đây là niềm vui không chỉ riêng đối với đồng bào Cơtu mà cho cả Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam còn là niềm vui cho tất cả các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Nam, bởi điều đó đã khẳng định ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự tôn trọng cội nguồn của dân tộc Cơtu có được là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào về bản sắc văn hóa của tổ tiên người Cơtu mà bao đời nay họ đã để lại.  

Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khôi phục lại Gươl truyền thống của người Cơtu ở một số thôn(làng) ở hai huyện: Đông Giang và Tây Giang nói chung và với Gươl người Cơtu huyện Nam Giang mang tính tự phát chưa thể hiện rõ nét văn hóa và bản sắc riêng. Bên cạnh đó, một số Gươl đã và đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cũng như những thay đổi trong kiến trúc, trang trí nội thất Gươl truyền thống đã dẫn đến nguy cơ hiện đại hóa Gươl bằng phẩm màu, sơn, đinh, ốc vít đến kết cấu khung, sườn, mái nhà, sàn,...xuất hiện nhiều mô típ, hoạ tiết mới, không đại diện cho quan niệm thẩm mỹ, không phản ánh được trình độ nhận thức cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người Cơtu...Nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư, hỗ trợ nhiều cho Gươl, song hiệu quả từ việc khôi phục lại nhà làng truyền thống này thiếu có sự nghiên cứu một cách bài bản, cặn kẽ; thậm chí nhiều nơi, nhiều địa phương có khi tự ai nấy làm. Nói thế, để thấy rằng mặt khác, việc khôi phục lại nhà làng truyền thống của người Cơtu là việc làm không hề dễ chút nào, nhiều nơi vẫn chưa tính đến phát huy, bảo tồn, nên hiệu quả của việc khôi phục lại Gươl truyền thống không nhiều. Kiểu của Gươl truyền thống và những tác phẩm tạo hình đầy tính bản địa, hoang dã của người Cơtu đã có từ bao đời nay có nguy cơ mai mọt và ít dần đi. Thêm một thực trạng khách quan nữa, ngày xưa làng người Cơtu nào cũng có nhiều nghệ nhân đảm nhận việc thiết kế, dựng nhà ở, làm mới Gươl và thực hiện các tác phảm nghệ thật điêu khắc, trang trí... nhưng bây giờ số đó cũng ít dần đi, nhiều làng Cơtu muốn dựng lại Gươl không tìm đâu ra những nghệ nhân phải bỏ công sức ra đi đến các làng khác để tìm và thuê nghệ nhân của người Cơtu làng khác.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm duy trì và khôi phục Gươl truyền thống ở vủng đồng bào Cơtu, nên chăng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở huyện Nam Giang, luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện để người dân khôi phục lại Gươl. Tích cực tuyên truyền phân tích về vai trò của Gươl trong đời sống sinh hoạt cộng đồng để khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống. Khuyến khích đồng bào Cơtu xây dựng Gươl theo kiểu truyền thống bằng công sức và cả tiền của đóng góp tự nguyện của người dân và các nguồn từ chương trình tài trợ của các tổ chức, từ chương trình mục tiêu quốc gia.

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Bên cạnh đó, tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm dụng khôi phục lại Gươl để phá rừng, khai thác gỗ và các vật liệu khác từ rừng dẫn đến vi phạm lâm luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, chủ động phòng chống thiên tai gây thiệt hại đến giá trị của Gươl. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cùng kết hợp với già làng, trưởng thôn, những cán bộ lão thành cách mạng là người Cơtu có uy tín, những nghệ nhân Cơtu có kinh nghiệm hướng dẫn trong việc thiết kế, trang trí cho Gươl nhằm phát triển tối đa vốn có của Gươl truyền thống. Vận động đồng bào Cơtu xây dựng đời sống văn hóa mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lành mạnh tại Gươl để từ đó thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chắc chắn trong thời gian tới việc khôi phục Gươl của đồng bào Cơtu ở huyện Nam Giang đem lại hiệu quả cao góp phần bảo vệ, gìn giữ hình tượng Gươl để Gươl mãi là niềm tự hào và nó luôn là ”linh hồn làng” của người Cơtu vùng núi Quảng Nam./. 

Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chính phủ điện tử
Tình hình xử lý hồ sơ

Liên kết website
Liên kết